Chưa thực sự xuất phát từ người nông dân

Nhìn lại thực tế những năm qua có thể thấy, không ít chính sách hỗ trợ nông dân ở nước ta được xây dựng xuất phát từ chủ ý của Nhà nước, mà chưa có cơ chế để nông dân tham gia xây dựng và kiểm soát quá trình thực hiện. Cách làm này không chỉ làm cho hỗ trợ của Nhà nước không phù hợp với nhu cầu, mà còn gây nghi ngờ hoặc thái độ thờ ơ với chính sách nhà nước của nông dân.

Ví dụ, chính sách hỗ trợ giống khi vụ gieo trồng bị thất bát nhằm giúp nông dân khôi phục lại mùa màng. Khoản hỗ trợ quá nhỏ, không đủ cho nông dân khôi phục lại mùa màng, thậm chí tạo ra sự bất công. Những người trồng lại cây cũ, hiệu quả thấp do trễ thời vụ, thì được hỗ trợ; trong khi những người chuyển sang trồng cây mới hợp thời vụ hơn, lại không được hỗ trợ vốn.

Trong chính sách đất đai, nông dân chưa được coi là trung tâm, là chủ thể của quá trình quy hoạch, thu hồi đất và xây dựng các công trình trên đất thu hồi. Họ chưa được hỏi đầy đủ và thưa được tham gia các quá trình đàm phán về mục đích sử dụng đất và giá thu hồi với tư cách là một chủ thể của quá trình giao dịch hàng hoá.

Trong quy hoạch và thu hồi đất nông nghiệp, người nông dân từ vị trí là người làm chủ lại trở thành người đóng vai trò mờ nhạt. Các doanh nghiệp mua đất của nông dân chủ yếu thảo luận với chính quyền địa phương, sau đó, bằng nhiều cách khác nhau, để người dân nhận một khoản đền bù không hợp lý. Điều đó dẫn đến 85% khiếu kiện của nhân dân liên quan đến vấn đề ruộng đất.

Nhà nước đề ra các chương trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất và vận động nông dân thực hiện. Ở một số vùng, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chỉ dẫn của Nhà nước, nhưng không thành công; hoặc chuyển đất sản xuất lúa sang nuôi cá, tôm, song khi thị trường rớt giá, Nhà nước lại chưa có chính sách hỗ trợ thu nhập...

Đối với hình thức hỗ trợ gián tiếp thông qua các doanh nghiệp, hay các ngành, địa phương, hiệu quả mang lại cũng không cao. Đơn cử như việc thu mua lúa gạo cho nông dân, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về vốn, lãi suất cho các doanh nghiệp thu mua lương thực, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp không được mua thấp hơn giá sàn quy định. Mục đích của việc làm này nhằm giúp nông dân giảm bớt khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo và bảo đảm sản xuất có lãi trên 30%.

Người nông dân cần được đặt vào vị trí trung tâm khi ban hành các chính sách hỗ trợ

Biết vậy, nhưng việc thu mua lúa gạo của các doanh nghiệp đầu mối hiện nay đều thông qua hệ thống thương lái (chiếm trên 90%). Do vậy, thương lái không thể thu mua lúa của nông dân theo giá sàn để rồi phải bán lại doanh nghiệp với giá sàn để chịu lỗ. Vì lẽ đó, thương lái phải ép giá nông dân bán lúa thấp hơn giá sàn quy định. Còn người nông dân cũng không thể không bán, vì việc thu mua lúa lâu nay đều lệ thuộc vào thương lái. Nếu muốn doanh nghiệp thu mua theo đúng giá sàn quy định, người nông dân phải tự chở lúa đến công ty lương thực. Điều đó sẽ làm cho chi phí sản xuất tăng cao, lại mất nhiều thời gian, nên nông dân đành chấp nhận bán lúa cho thương lái.

Theo đánh giá mới đây của Liên minh Vì quyền nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam (với sự tham gia của: PHANO, VERP, IPSARD, CIEM, OXFAM và ISEE), các chính sách cho ngành lúa gạo chỉ hướng đến giải quyết một khía cạnh cụ thể, hoặc xem xét lợi ích trực tiếp của một chủ thể mà ít tính toán đến lợi ích toàn cục và đặc biệt là lợi ích của nông dân.

Cần đặt người nông dân vào đúng vị trí

Trước hết, cần thay đổi tư duy và cách hoạch định chính sách hỗ trợ nông dân. Nhà hoạch định chính sách cần đưa ra cách hỗ trợ đáp ứng kịp thời cái nông dân cần, cái nông dân mong mỏi và điều quan trọng là phải phát huy được hiệu quả từ những chương trình hỗ trợ. Nếu không, những chính sách hỗ trợ nông dân cũng chỉ là khẩu hiệu và nông dân chẳng được hưởng lợi ích gì từ những chính sách này.

Tiếp đến, cần thay đổi cách thức hỗ trợ. Trong những năm qua, Nhà nước đã hỗ trợ hàng chục nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ lãi suất, giảm thuế nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, hỗ trợ giống… Tuy nhiên, giá vật tư đầu vào đến tay người nông dân vẫn rất cao, phải chăng thay vì hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, chúng ta hỗ trợ thẳng cho người nông dân theo định mức quy trình kỹ thuật (giống, vật tư).

Bên cạnh đó, cần gắn hỗ trợ với trách nhiệm của nông dân. Hiện nay, mặc dù mức hỗ trợ của nước ta không nhỏ (theo Bộ Tài chính, chỉ riêng trong ba năm (2011-2013), ngân sách nhà nước đã hỗ trợ người sản xuất lúa tổng số tiền là hơn 11 nghìn tỷ đồng...), nhưng cách hỗ trợ của chúng ta chưa gắn với trách nhiệm của nông dân, hoặc chính sách chưa rõ ràng, người nông dân chưa được hưởng lợi.

Vì thế, thay vì “cho con cá, Nhà nước nên cho cần câu”. Theo đó, Nhà nước nên tập trung hỗ trợ cho phát triển hạ tầng kỹ thuật và thuỷ lợi, mở mang giao thông nông thôn; đào tạo và nâng cao dân trí, chuyển dịch lao động nông thôn; nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ (giống mới, kỹ thuật và công cụ mới, phương pháp canh tác mới); trợ cấp cho điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp; trợ cấp chi trả cho các chương trình môi trường để hỗ trợ cho vùng khó khăn, chi trả trực tiếp cho người sản xuất, trợ cấp chi phí tiếp thị, vận chuyển trong nước và quốc tế... Hỗ trợ để thu hẹp khoảng cách thu nhập và mức sống giữa nông thôn và thành thị thông qua các chương trình “điện - đường - trường - trạm”...

Ngoài ra, Chính phủ nên sửa đổi chính sách trợ cấp tín dụng cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ được thực hiện song hành với chính sách bảo đảm người nông dân có lãi ít nhất 30%.

Nhà nước có thể điều chỉnh chính sách này theo hướng sau: khi giá lúa trên thị trường xuống thấp hơn giá lúa do Nhà nước công bố, Chính phủ cần có chính sách các hợp tác xã nông nghiệp vay tiền để đầu tư vào máy sấy và kho trữ lúa và theo khối lượng lúa của các xã viên đang tạm trữ lúa. Họ cũng cần được ứng trước một số tiền để đáp ứng cho các nhu cầu cấp bách của nông hộ. Đến khi giá lúa tăng trở lại thì họ sẽ bán lúa và trả lại tiền tạm ứng của Nhà nước. Số lượng lúa tạm trữ sẽ được hỗ trợ tối đa 100% lãi suất cho hợp tác xã nông nghiệp. Như thế, người nông dân sẽ hưởng trực tiếp chính sách hỗ trợ của Nhà nước./.