Điều này được nêu rõ tại Nghị quyết số 40/NQ-CP, ngày 01/6/2015 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015.

Theo đó, thoái vốn theo lô cần tuân thủ các nguyên tắc: (i) Bán đấu giá công khai; (ii) Áp dụng cho các doanh nghiệp, mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc không nắm giữ cổ phần chi phối; (iii) Không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai đối với các đợt bán đấu giá theo lô.

Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu, các doanh nghiệp này chỉ được bán đấu giá công khai một phần số cổ phần dự kiến bán, dành phần còn lại (tối đa bằng 70% số lượng cổ phần dự kiến bán) để bán thỏa thuận cho người lao động có cam kết làm việc lâu dài tại doanh nghiệp khi thoái vốn tại các doanh nghiệp cổ phần hóa.

Đối với doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, nhưng chưa có điều kiện phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) ngay, thì giá bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp bằng 60% giá khởi điểm theo phương án cổ phần hóa.

Ngoài các nội dung trên, Chính phủ còn thống nhất việc xác định giá trị vốn góp.

Theo đó, việc xác định giá trị vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa vào một công ty cổ phần mà cổ phiếu của công ty cổ phần này đã niêm yết trên thị trường upcom (thị trường giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết) không có giao dịch trong vòng 30 ngày trước thời điểm tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp thì được xác định theo quy định tại Khoản 1, Điều 33, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, ngày 18/7/2011 của Chính phủ.

Cùng với đó, Chính phủ cũng yêu cầu, trong thời gian 60 ngày làm việc kể từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn thành việc lập báo cáo tài chính tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp; thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính; đề nghị cơ quan thuế kiểm tra quyết toán thuế; thực hiện quyết toán; xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần và các tồn tại về tài chính cần tiếp tục xử lý.

Tại Nghị quyết, Chính phủ giao cho bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa và lựa chọn tổ chức đấu giá đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt, như: bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông... khi cổ phần hóa./.