Tổ chức Diễn đàn cấp cao CNTT và truyền thông Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông Việt Nam năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Y tế, Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia hỗ trợ, tạo điều kiện để Hiệp hội Phầm mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin tổ chức thành công Diễn đàn.

Năm 2014, Hiệp hội Phầm mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) đã phối hợp với Tổ chức Công nghiệp điện toán Châu Á - Châu Đại Dương tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Công nghệ thông tin – Phương thức phát triển mới kinh tế, xã hội và cấu trúc nông nghiệp”. Diễn đàn đã thu hút hơn 700 đại biểu, trong đó 200 đại biểu quốc tế. Diễn đàn đã đưa ra Tuyên bố chung Hà Nội với 5 nội dung khuyến nghị có ý nghĩa chiến lược gửi tới Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực Châu Á - Châu Đại Dương.

Năm nay, VINASA tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Công nghệ thông tin và quản trị thông minh”, tập trung thảo luận về ứng dụng công nghệ thông tin tạo phương thức đột phá nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như của các địa phương và doanh nghiệp.

Dự kiến, Diễn đàn sẽ được tổ chức cuối tháng 6/2015 tại Hà Nội và sẽ quy tụ khoảng 500-600 đại biểu là lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước và các nhà khoa học, chuyên gia và phóng viên báo chí.

Không khai thác động vật quý hiếm trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên

Không được khai thác những loài động, thực vật rừng nguy cấp quý, hiếm và những loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng và hưởng lợi từ rừng phòng hộ; đầu tư phát triển rừng phòng hộ.

Theo quy định tại Quyết định trên, khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ phải không làm giảm chức năng phòng hộ của rừng và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên không được khai thác những loài động, thực vật rừng nguy cấp quý, hiếm và những loài được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Khai thác bền vững các loại lâm sản

Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng phòng hộ bảo vệ môi trường là rừng tự nhiên không được phép khai thác gỗ.

Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu là rừng tự nhiên chỉ được phép tận thu gỗ là những cây, lóng, khúc, bìa bắp gỗ đã khô mục, lóc lõi, gỗ cháy; cành, ngọn, gốc, rễ gỗ và khai thác bền vững các loại lâm sản ngoài gỗ; khai thác tận dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên diện tích giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình hoặc sử dụng vào mục đích khác ở những đối tượng rừng tự nhiên là rừng giàu và rừng trung bình.

Quyết định cũng quy định rõ, rừng phòng hộ là rừng trồng do ngân sách nhà nước đầu tư chỉ được khai thác cây trồng xen, cây phù trợ, tỉa thưa; thu gom cây gỗ nằm, gỗ khô mục, lóc lõi, gỗ cháy, cành, ngọn, gốc, rễ cây, nhưng phải bảo đảm mật độ cây trồng chính còn lại ít nhất là 600 cây/hecta.

Đối với rừng phòng hộ là rừng trồng do người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ tự đầu tư thì được khai thác cây trồng xen, cây phù trợ; tỉa thưa, tận thu, tận dụng gỗ; được chặt chọn cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác với cường độ khai thác không quá 30% trữ lượng, sau khi khai thác rừng vẫn đạt tiêu chuẩn định hình theo quy định.

Kinh doanh du lịch sinh thái

Theo Quyết định, Ban quản lý rừng phòng hộ được tự tổ chức, liên kết hoặc cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo trong rừng phòng hộ; phát triển du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ thực hiện theo đúng quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật về Doanh nghiệp, Bảo vệ và Phát triển rừng và các quy định hiện hành của Nhà nước.

Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo trong rừng phòng hộ phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo; có kế hoạch nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo tại khu rừng phòng hộ được chủ rừng phòng hộ chấp thuận; chỉ thu thập mẫu vật, nguồn gien loài sinh vật với số lượng đã được xác định trong kế hoạch nghiên cứu, giáo dục, đào tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và được chủ rừng phòng hộ chấp thuận; thanh toán chi phí dịch vụ cho chủ rừng phòng hộ.

Tổ chức sản xuất nông, ngư nghiệp

Ngoài ra, Ban quản lý rừng phòng hộ; người được giao, thuê hoặc khoán rừng phòng hộ lâu dài được tổ chức sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp trên diện tích đất chưa có rừng, diện tích rừng trồng chưa khép tán; mặt nước theo đúng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển của khu rừng phòng hộ.

Ban quản lý rừng phòng hộ; người được giao rừng phòng hộ được hưởng toàn bộ lâm sản khai thác sau khi nộp các khoản thuế, phí theo quy định hiện hành.

Đẩy mạnh phát triển y học cổ truyền

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác y dược cổ truyền.

Theo thông báo kết luận, thời gian qua, Bộ Y tế, các địa phương đã chủ động phát triển y dược cổ truyền trên các mặt, việc khám chữa bệnh (KCB), sản xuất thuốc y học cổ truyền càng mở rộng; chất lượng KCB y học cổ truyền ngày càng nâng cao, góp phần phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, công tác y học cổ truyền còn chưa đáp ứng phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, chưa tương xứng với tiềm năng về y dược cổ truyền của nước ta, cũng như sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển y dược cổ truyền, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương tổ chức hoạt động y học cổ truyền tại tất cả các cở sở KCB và phòng bệnh; phối hợp y học cổ truyền và y học hiện đại tại các cơ sở KCB, nhất là tại các khoa khám bệnh.

Đồng thời phát triển các khoa, tổ y học cổ truyền trong bệnh viện y học hiện đại từ tuyến y tế cơ sở đến các tuyến Trung ương. Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong tất cả các khâu: Khám bệnh, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh. Xác định danh mục các bệnh khám, chữa bệnh hiệu quả bằng y học cổ truyền; danh mục các bệnh khám, chữa bệnh hiệu quả khi kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại để các bệnh viện thực hiện.

Bên cạnh đó Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng chính sách về bảo hiểm y tế để tạo điều kiện khuyến khích nhân dân khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền với mô hình thí điểm thông tuyến (không dùng giấy giới thiệu chuyển viện) để người dân tự lựa chọn cơ sở y học hiện đại hay y học cổ truyền để KCB.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương đầu tư xây dựng và nâng cao năng lực các Viện kiểm nghiệm thuốc, bảo đảm các dược liệu khi nhập khẩu phải được kiểm nghiệm về hoạt chất. Khẩn trương ban hành quy định về tiêu chuẩn dược liệu nguyên liệu, dược liệu sau chế biến sử dụng trong các cơ sở KCB, cơ sở sản xuất thuốc; cũng như sản xuất thuốc y học cổ truyền từ kế thừa bài thuốc cổ phương, bài thuốc gia truyền, bài thuốc kinh nghiệm dân gian, bài thuốc kết quả nghiên cứu khoa học, bài thuốc kinh nghiệm của thầy thuốc giỏi để bảo đảm hiệu quả; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về y, dược cổ truyền Việt Nam; Sưu tầm, hiệu đính, chú giải các tài liệu, tác phẩm có giá trị về y học cổ truyền Việt Nam.

Xây dựng đề án phát triển y, dược cổ truyền nhằm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ KCB bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã và các bệnh viện tuyến huyện; kiểm soát chất lượng dược liệu, thuốc y học cổ truyền./.