Ban hành Nghị định quản lý dự án đầu tư xây dựng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số nội dung thi hành Luật Xây dựng năm 2014 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, gồm: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án; thực hiện dự án; kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng; hình thức và nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Nghị định nêu rõ, quản lý dự án đầu tư xây dựng phải đảm bảo nguyên tắc quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng của dự án.

Bên cạnh đó, quản lý thực hiện dự án phù hợp với loại nguồn vốn sử dụng để đầu tư xây dựng. Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, toàn diện, theo đúng trình tự để bảo đảm mục tiêu đầu tư, chất lượng, tiến độ thực hiện, tiết kiệm chi phí và đạt được hiệu quả dự án.

Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP (Public - Private Partner) có cấu phần xây dựng được quản lý như đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách được Nhà nước quản lý về chủ trương đầu tư, mục tiêu, quy mô đầu tư, chi phí thực hiện, các tác động của dự án đến cảnh quan, môi trường, an toàn cộng đồng, quốc phòng, an ninh và hiệu quả của dự án. Chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm quản lý thực hiện dự án theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác được Nhà nước quản lý về mục tiêu, quy mô đầu tư và các tác động của dự án đến cảnh quan, môi trường, an toàn cộng đồng và quốc phòng, an ninh.

Công trình dưới 15 tỷ đồng chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng

Dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy mô, tính chất, loại công trình chính của dự án gồm: Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B và dự án nhóm C theo các tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công.

Dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ cần yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm: Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo; công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất).

Dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo loại nguồn vốn sử dụng gồm: dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án sử dụng vốn khác.

Cao Bằng có Chủ tịch tỉnh mới

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.

Ông Hoàng Xuân Ánh, sinh năm 1964, dân tộc Tày, quê quán huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng; tốt nghiệp đại học Kinh tế, cử nhân lý luận chính trị.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Nguyễn Hoàng Anh, để nhận nhiệm vụ mới.

Đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Trong những năm qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các Bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng và nhân dân tích cực thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ quyền lợi của người dân.

Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa tạo được chuyển biến căn bản; tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi và gắn với tệ nạn tham nhũng, làm thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế...

Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và tạo được chuyển biến căn bản về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và phải tập trung đấu tranh trên cả ba lĩnh vực: Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này.

Luân chuyển cán bộ ở vị trí dễ phát sinh tiêu cực

Các Bộ ngành, địa phương cũng phải tăng cường công tác điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra để phát hiện, phòng ngừa vi phạm, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, củng cố lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực khác trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo nội bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác. Khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng và ban hành chế độ, quy trình luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức trong các lực lượng chức năng, nhất là tại các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; hoàn thành trước 30/9/2015, trên cơ sở đó thực hiện đúng, đủ chế độ.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan tăng cường quản lý giá tính thuế, kiểm tra sau thông quan, hoàn thuế giá trị gia tăng, chính sách thương mại biên giới, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại, thị trường nội địa, các loại hình kinh doanh, dịch vụ dễ dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại như xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, bán hàng miễn thuế, sản xuất xuất khẩu, gia công, vận chuyển hàng hóa từ biên giới vào nội địa; đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, thanh tra về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, điều kiện sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng để nắm chắc địa bàn, đối tượng, phương thức thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Cùng với đó là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới phương thức, quy trình quản lý, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu...

Khẩn trương xây dựng tiêu chuẩn viên chức

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương thực hiện việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, điều kiện thi, xét thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định của Luật viên chức và các văn bản quy định chi tiết.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ căn cứ Kết luận số 37-TB/TW ngày 16/5/2011 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 của Chính phủ về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập rà soát các quy định hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn yêu cầu quản lý công chức, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Trước mắt, Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền sửa đổi Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức theo hướng thu hẹp đối tượng là công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, xử lý những bất cập trong việc xác định công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời làm rõ việc áp dụng pháp luật công chức, pháp luật viên chức đối với công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, viên chức (tổ chức, hành chính, kế toán...) trong đơn vị sự nghiệp công lập; phương án quy định biên chế công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Bỏ chính sách hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thực hiện bãi bỏ chính sách hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới quy định tại khoản 1 Điều I Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới đã bố trí trong dự toán cân đối ngân sách địa phương để tăng nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở địa phương.

Trường hợp địa phương đã hỗ trợ người dân thực hiện chính sách hỗ trợ dầu thắp sáng năm 2015 cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới theo Quyết định số 289/QĐ-TTg thì không thu hồi số kinh phí đã hỗ trợ.

Trước đó, ngày 18/03/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 289/QĐ-TTg về ban hành một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và ngư dân. Trong đó, Quyết định quy định "Cấp bằng tiền tương đương 5 lít dầu hỏa/năm (dầu thắp sáng) cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách và hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới".

Đồng thời, ngày 19/12/2011, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 2409/QĐ-TTg quy định các hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia được hỗ trợ tiền điện mức 30.000 đồng/hộ/tháng.

Theo các cơ quan chức năng, việc thực hiện hỗ trợ đồng thời 2 chính sách trên, dẫn đến các hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách là hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới được hưởng cả 2 chế độ (hỗ trợ 5 lít dầu hỏa thắp sáng/hộ/năm, tương đương 113.150 đồng/hộ/năm; hỗ trợ tiền điện 30.000đ/hộ/tháng, tương đương 360.000đồng/hộ/năm).

Qua kiểm tra cho thấy các địa phương thực hiện chưa thống nhất, có địa phương thực hiện đồng thời cả 2 chính sách (vừa hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng nơi không có điện lưới, vừa hỗ trợ tiền điện), có địa phương chỉ thực hiện hỗ trợ tiền điện, không hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng nơi không có điện lưới.

Từ tình hình trên, để thống nhất và tránh trùng lắp việc thực hiện chính sách hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng cho hộ nghèo ở những nơi đã thực hiện Quyết định số 2409/QĐ-TTg ngày 19/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, các Bộ, ngành liên quan đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định bãi bỏ chính sách hỗ trợ 05 lít dầu hỏa thắp sáng/hộ/năm cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ chính sách, hộ nghèo ở những nơi chưa có điện lưới theo Quyết định số 289/QĐ-TTg./.