Sau 5 năm từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12/10/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến nay, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã tăng gấp 2,5 lần so với mức dư nợ trước thời điểm ban hành Nghị định, với mức tăng trưởng bình quân hằng năm cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế và hiện nay chiếm tỷ trọng 19% trên tổng dư nợ của nền kinh tế (tương đương với mức đóng góp của ngành nông nghiệp trong GDP). Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng trở nên sâu rộng, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã thực sự bước vào “sân chơi” chung của thế giới thì cơ chế sản xuất nông nghiệp dựa trên nền tảng “hộ gia đình” với qui mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết đã bộc lộ nhiều bất cập…

Trước những yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi phải hoàn thiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phục vụ cho đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

6 điểm nổi bật, quan trọng trong Nghị định 55

Thứ nhất, bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ hai, thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao thông qua việc quy định các tổ chức đầu mối (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... lên gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định hiện nay. Quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp như đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nuôi trồng, khai thác thủy sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá...cao hơn các lĩnh vực khác.

Thứ tư, khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp thông qua việc quy định tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.

Thứ năm, quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, quy trình xử lý các khoản nợ vay gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan bất khả kháng đối với khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thứ sáu, khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua quy định về trích lập dự phòng rủi ro, hỗ trợ nguồn vốn và các công cụ điều hành chính sách tiền tệ khác.

7 lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn gồm:

(i) Cho vay các chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ;

(ii) Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn;

(iii) Cho vay để sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp;

(iv) Cho vay phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn;

(v) Cho vay phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới;

(vi) Cho vay các nhu cầu phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn nông thôn;

(vii) Cho vay theo các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.