Chỉ quy định về thống kê chính thức

Tại cuộc họp ngày 25/9/2014, thay mặt ban soạn thảo, ông Trần Tuấn Hưng, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ (Tổng cục Thống kê) Tổ phó Tổ Biên tập Luật Thống kê sửa đổi cho biết, hiện nay, công tác thống kê ở nước ta hầu hết do các cơ quan nhà nước thực hiện theo mô hình tập trung kết hợp phân tán.

Hệ thống thông tin thống kê được quy định trong Luật Thống kê và đang sử dụng chính thức hiện nay là do hệ thống cơ quan thống kê nhà nước thực hiện và công bố, cung cấp.

Tuy nhiên, trên thực tế, do nhu cầu của thực tiễn đời sống đã xuất hiện nhiều tổ chức, cơ sở nằm ngoài khu vực nhà nước thực hiện hoạt động thống kê và cung ứng dịch vụ thống kê.

Với các quy định còn rất mờ nhạt và chung chung tại Luật Thống kê và các văn bản quy định chi tiết thi hành như hiện nay dẫn tới phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc khi xác định giới hạn của hoạt động thống kê ngoài nhà nước, giá trị pháp lý của các số liệu thống kê do các tổ chức, các nhân này thực hiện trong mối tương quan với số liệu thống kê do các tổ chức thống kê nhà nước thực hiện và công bố.

Nhất là khi số liệu thống kê do các cơ sở, tổ chức này cung cấp lại mâu thuẫn, sai lệch với những số liệu thống kê chính thức của cơ quan thống kê của Nhà nước trong cùng một vấn đề.

Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi bao gồm 8 chương, 57 điều, tăng 15 điều so với Luật Thống kê năm 2003. Dự kiến, tháng 11 này, Dự thảo Luật sẽ được trình Chính phủ.

Trước tình trạng này, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) ban đầu đã đưa vào Luật một chương quy định về số liệu thống kê phi chính thức.

Tuy nhiên, sau khi tham khảo Luật Thống kê các nước cho thấy, hầu hết các quốc gia chỉ quy định hoạt động thống kê chính thức. Không có văn bản nào đề cập đến hoạt động thống kê không chính thức.

Còn theo các chuyên gia tư vấn quốc tế, hoạt động thống kê không chính thức tồn tại khách quan, không thể ràng buộc bởi các quy định của Nhà nước.

Việc cá nhân, tổ chức sử dụng thông tin từ hoạt động thông tin thống kê không chính thức là quyền tự do của các nhân, không có quyền lựa chọn, trao đổi hoặc ngay cả mua – bán thông tin mà không ai có thể ép buộc. Điều này cũng phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013.

Vì vậy, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi lần này đươc thu hẹp lại, chỉ tập trung điều chỉnh hoạt động thống kê chính thức, nhằm phân biệt rõ để khẳng định, cũng như nâng cao vai trò của hoạt động thống kê chính thức.

Cần trao quyền thẩm định trước khi công bố thông tin

Để tăng tính thống nhất của thông tin, ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Tổ trưởng Tổ Biên tập cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện các quy định của Luật Thống kê năm 2003 có thể thấy, nhiều vấn đề phát sinh từ việc chưa quy định cụ thể về hệ thống thông tin thống kê chính thức, như: chưa xây dựng được một hệ thống thông tin thống kê gắn với các cấp độ của thông tin thống kê và trách nhiệm xây dựng, quản lý, chia sẻ thông tin thống kê trong hệ thống; chưa khẳng định được trách nhiệm của Nhà nước đối với các số liệu thống kê, thông tin thống kê; chưa phân biệt và xử lý các vấn đề phát sinh trong việc cung cấp, công bố các thông tin do các cơ quan nhà nước thực hiện và tổ chức thống kê ngoài nhà nước thực hiện.

Đồng thời, do chưa khẳng định rõ vị trí, tầm quan trọng của hệ thống thông tin thống kê chính thức, nên nhận thức về vai trò của thống kê ở một số bộ, ngành chưa xứng với tầm quan trọng của hoạt động thống kê.

“Vì thế, chưa hình thành được hệ thống thông tin gắn kết giữa thông tin do cơ quan thống kê tập trung thực hiện và quản lý với hệ thống thông tin thống kê do các tổ chức thống kê ở các bộ, ngành và địa phương thực hiện và quản lý”, ông Liệu chỉ rõ.

Điều đáng lưu ý là, trong quản lý hành chính nhiều cấp ở nước ta, có một thực trạng là cùng một số chỉ tiêu thống kê, nhưng có thể xảy ra trường hợp thời điểm báo cáo cho địa phương và cho bộ, ngành không trùng nhau, hoặc khác nhau về phân tổ, kỳ báo cáo. Cũng có trường hợp cùng một lĩnh vực, nhưng nhu cầu thông tin của bộ, ngành và của các địa phương không trùng nhau…

“Sự bất cập này không thể loại bỏ được song có thể giảm thiểu thông qua hoạt động thẩm định của cơ quan thống kê trung ương trước khi các bộ, ngành ban hành chế độ báo cáo, phương án điều tra”, ông Liệu cho hay.

Đồng tình với ý kiến này của Tổ Biên tập, đại diện Văn phòng Chính phủ cho rằng, đây là điểm rất mấu chốt trong dự thảo Luật, bởi, người công bố thông tin phải chịu trách nhiệm với thông tin mình đưa ra, vì thế họ phải thẩm định tính chính xác của nguồn tin.

Mặc dù có một bộ máy chân rết khá hoàn chỉnh tại địa phương, tuy nhiên Tổng cục Thống kê không có tham vọng “ôm” cả thông tin thống kê của các bộ, ngành. Thế nhưng, với vai trò là cơ quan công bố thông tin chính thức của quốc gia, Tổng cục Thống kê phải chủ trì và chịu trách nhiệm thẩm định nguồn số liệu từ các bộ, ngành.

“Để làm được điều đó, cần phải phân công rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành trong Luật sửa đổi lần này”, vị đại diện này khuyến nghị.

Kết luận buổi họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cơ bản đồng tình với những đề xuất của Tổ Biên tập đưa ra, đồng ý bỏ thống kê phi chính thức ra khỏi dự thảo Luật.

Song, Bộ trưởng lưu ý, hiện nay việc sử dụng thông tin thông kê chính thức đang bị lép vế. Nguyên nhân là do việc phổ biến thông tin chưa được thực hiện một cách bài bản, đúng mong đợi của người dùng tin./.