Thủ tướng bổ nhiệm nhân sự 2 cơ quan

Thủ tướng Chính phủ vừa có một số quyết định bổ nhiệm nhân sự tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Cụ thể, tại Quyết định 845/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Trần Hồng Hà giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại Quyết định 846/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Nguyễn Linh Ngọc giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại công văn 835/TTg-TCCV, Thủ tướng Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với đồng chí Chu Phạm Ngọc Hiển, sinh ngày 19/5/1957 đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Tại Quyết định 848/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Nguyễn Quang Thuấn giữ chức Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Khẩn trương thẩm định lại Báo cáo ĐTM Dự án lấp sông Đồng Nai

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, đặc biệt là các tác động của Dự án tới dòng chảy sông Đồng Nai, làm cơ sở xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý Dự án trên theo đúng các quy định của pháp luật.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định chấp thuận đầu tư dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (rộng hơn 84.000m2) cho Công ty cổ phần Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát triển khai khu đô thị Pegasus Residence.

Dự án này có phần diện tích lấn sông lên tới hơn 77.200m2. Điều này đã gây nhiều phản ứng trong dư luận.

Ngày 27/3/2015, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện dự án, đánh giá tác động của dự án, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, đề xuất những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2015.

UBND tỉnh Đồng Nai và Chủ đầu tư đã dừng việc thực hiện Dự án từ ngày 28/3/2015.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thành lập Tổ công tác liên ngành tổ chức kiểm tra thực địa, rà soát hồ sơ thủ tục... Qua kiểm tra và ý kiến của các Bộ ngành liên quan cho rằng Dự án đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất chủ trương, được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận đầu tư, Sở Xây dựng Đồng Nai cấp phép xây dựng theo thẩm quyền. Tuy nhiên, còn một số quy định chuyên ngành cụ thể chưa được tuân thủ chặt chẽ như về quy hoạch chi tiết xây dựng, quản lý tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, đặc biệt là các tác động của Dự án tới dòng chảy sông Đồng Nai như vấn đề thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói, bồi, sạt lở lòng, bờ, bãi sông và chất lượng nước sông Đồng Nai, làm cơ sở xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý Dự án trên theo đúng các quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đánh giá bổ sung về sự tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai của Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.

UBND tỉnh Đồng Nai căn cứ ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, quyết định xử lý các vấn đề liên quan đến Dự án theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan, chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và Chủ đầu tư Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai cung cấp, bổ sung đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến Dự án để phục vụ thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án.

Phát triển ĐH Mở TP.HCM thành ĐH định hướng ứng dụng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2017.

Theo đó, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh (Trường) chủ động khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động một cách toàn diện, cung cấp các hình thức đào tạo đa dạng phục vụ xã hội học tập; phấn đấu phát triển thành trường đại học định hướng ứng dụng, hiện đại có chất lượng trong khu vực.

Trường được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong đó Trường được quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, phù hợp với định hướng phát triển của Trường; xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của Trường, bảo đảm tính công khai, minh bạch và thực hiện chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định.

Bên cạnh đó, quyết định chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy; phương pháp thi; kiểm tra đánh giá kết quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm chuẩn đầu ra mà Trường đã cam kết; quyết định liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước; liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài là các trường đại học, các tổ chức đào tạo có uy tín trên thế giới.

Đồng thời, thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo quy định để bảo đảm chất lượng đào tạo; thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bao gồm dịch vụ do Nhà nước đặt hàng.

Học phí bình quân tối đa 15 triệu đồng/sinh viên/năm

Theo Quyết định, Trường thu học phí theo kế hoạch. Cụ thể, mức thu học phí bình quân tối đa (của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) năm 2015 - 2016 là 13 triệu đồng/sinh viên/năm, năm 2016 - 2017 là 15 triệu đồng/sinh viên/năm.

Trường thực hiện tính toán và công khai mức thu học phí cụ thể cho từng nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo trước khi tuyển sinh, bảo đảm mức thu học phí bình quân (của chương trình đại trà) không vượt quá mức thu học phí bình quân tối đa của Trường theo quy định tại Quyết định này.

Trường quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần mức học phí bình quân tối đa nêu trên; học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên bao gồm 2 hình thức:

Hình thức vừa làm vừa học: mức học phí không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo; hình thức đào tạo từ xa: mức học phí không vượt quá mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo.

Xây dựng Đề án tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về chủ trương đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) năm 2021 tại Việt Nam.

Theo thông báo kết luận, việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 năm 2021 là trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng các quốc gia khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, đây là chủ trương lớn, cần chuẩn bị kỹ và báo cáo Bộ Chính trị.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam trên tinh thần đổi mới.

Trong đó, xác định rõ số môn và nội dung thi đấu của từng môn, bảo đảm phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đồng thời gắn kết với chương trình thi đấu của Thế vận hội (Olympic) và Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD); làm rõ nội dung đào tạo vận động viên để tham dự SEA Games 31.

Về cơ sở vật chất, Thủ tướng yêu cầu không đầu tư xây dựng mới từ nguồn ngân sách nhà nước, chủ yếu tận dụng cơ sở vật chất sẵn có và nâng cấp, sửa chữa (nếu cần thiết).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tính toán kỹ và đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời tăng cường tối đa nguồn xã hội hóa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét Đề án nêu trên để trình Bộ Chính trị quyết định chủ trương; kịp thời có ý kiến chính thức với Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á vào thời điểm phù hợp với Điều lệ của tổ chức này.

Giao nhiệm vụ thường trực BCĐ Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp vừa giao ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Theo Quyết định 2092/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ xây dựng chương trình, kế hoạch đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và phát triển doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trong phạm vi cả nước; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện các chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức nghiên cứu các mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách phục vụ cho việc đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và phát triển doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; theo dõi việc thí điểm chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.../.