Miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 46/NQ-CP miễn thị thực cho công dân 5 nước: Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Tây Ban Nha, Cộng hòa Italia khi nhập cảnh Việt Nam.

Cụ thể, công dân 5 nước trên sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chính sách trên được thực hiện trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày 1/7/2015 đến hết ngày 30/6/2016 và sẽ được xem xét, gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2015, Chính phủ đã nhất trí với các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và phát triển ngành Du lịch Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình, trong đó có việc mở rộng diện các quốc gia được miễn thị thực, cấp visa điện tử, thuận lợi về quy trình, thủ tục cấp visa.

Tại Nghị quyết số 92/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới được ban hành cuối năm 2014, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất mở rộng diện các quốc gia được miễn thị thực gắn với bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Được biết, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 7 nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga), miễn visa trên cơ sở có đi có lại với 9 nước ASEAN. Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết về việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân nước Cộng hòa Belarus.

Từ khi miễn visa (năm 2014) khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng 2,43 lần; từ Hàn Quốc tăng 3,6 lần; từ Nga (từ năm 2009) tăng 7,45 lần…

Nhân sự UBND thành phố Hà Nội

Tại Quyết định 871/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, để nhận nhiệm vụ mới.

Trước đó, tại kỳ họp bất thường HĐND TP Hà Nội sáng 25/5/2015, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đã được HĐND TP Hà Nội bầu giữ chức danh Chủ tịch HĐND TP khoá XIV, nhiệm kỳ 2011-2016.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, quê quán xã Đông Quang, Ba Vì, Hà Nội. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đại học Sư phạm 1; Cử nhân Luật.

Trước khi được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, bà Ngọc đã trải qua các chức vụ: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tây, Đại biểu Quốc hội khóa 11; Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tây, Đại biểu Quốc hội khóa 12; Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Chuyển đổi vị trí xây casino tại Phú Quốc

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh cục bộ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030. Trong đó, điều chỉnh, chuyển vị trí Khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp có casino từ khu đất bãi Đá Chồng, xã Bãi Thơm sang khu du lịch sinh thái Bãi Dài, xã Gành Dầu.

Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định bổ sung quy hoạch tuyến cáp treo từ thị trấn An Thới ra đảo Hòn Thơm, xã Hòn Thơm và bổ sung khu đất có chức năng dịch vụ du lịch giải trí phức tạp và sân golf quy mô diện tích 2.090 ha tại khu vực Đồng Cây Sao và Bắc sông Cửu Cạn, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc trên cơ sở chuyển đổi chức năng 1.718 ha diện tích đất nông nghiệp và 372 ha đất rừng phòng hộ.

Đồng thời, bổ sung khu đất có chức năng du lịch nghỉ dưỡng, giải trí thể thao quy mô 142 ha tại phía Bắc rạch Vũng Bầu trên cơ sở chuyển đổi chức năng 142 ha từ đất nông nghiệp; điều chỉnh chức năng sân golf, quy mô 102 ha tại khu đất du lịch sinh thái Cửa Cạn thành đất du lịch sinh thái.

Về quy mô sử dụng đất đai toàn đảo đến năm 2030 được điều chỉnh như sau: “Đất du lịch khoảng 4.003 ha; Đất khu phức hợp du lịch, dịch vụ dân cư khoảng 3.325 ha”; “Đất lâm nghiệp khoảng 37.430 ha, trong đó, đất rừng phòng hộ đảo Phú Quốc khoảng 6.666 ha”; “Đất nông nghiệp khoảng 3.953 ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp khoảng 2.719 ha, đất ở nông thôn làng nghề khoảng 1.234 ha”.

Cùng với đó, điều chỉnh định hướng quy hoạch sử dụng đất hệ thống các khu du lịch như sau: “Bãi Dài: Vị trí ở bờ biển phía Tây Đảo, là khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp, sân golf có casino gắn với các resort thể thao biển, tham quan làng nghề, quy mô khoảng 567 ha”; "Vũng Bầu: Vị trí ở bờ biển phía Tây, là khu nghỉ dưỡng 4-5 sao, kết hợp điểm ngắm cảnh và giải trí thể thao biển, quy mô khoảng 535 ha"; “Cửa Cạn: Vị trí nằm ở Tây đảo; là khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, ngắm cảnh, giải trí thể thao sông, biển, tham quan làng nghề, quy mô khoảng 250 ha”; “Đồng Cây Sao và Bắc sông Cửa Cạn: Vị trí tại phía Đông và Bắc bãi Cửa Cạn, là khu dịch vụ du lịch giải trí phức hợp và sân golf quy mô khoảng 2.090 ha”; “Bãi Đá Chồng: Vị trí tại phía Đông Bắc Đảo, là khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí, quy mô khoảng 135 ha”.

Xây dựng cảng Dương Đông thành cảng hành khách quốc tế

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định xây dựng cảng tổng hợp tại vịnh Đất Đỏ, trong đó có chức năng hậu cần dịch vụ dầu khí, kho ngoại quan xăng dầu và hàng hóa khác và xây dựng cảng Dương Đông thành cảng hành khách quốc tế Phú Quốc.

Khu đô thị Dương Đông được phát triển theo hướng là trung tâm của thành phố du lịch đảo Phú Quốc, có hệ thống quảng trường và cụm tượng đài Bác Hồ tại khu vực sân bay cũ.

Khu vực rừng quốc gia, rừng phòng hộ được khai thác với các hoạt động du lịch như: Câu cá, giáo dục cộng đồng; nghiên cứu khoa học; dã ngoại; đi bộ, dạo trong rừng; ngắm cảnh; các môn thể thao mạo hiểm; dù lượn, leo núi; tham quan rừng; nghỉ ngơi sinh thái trong rừng; vườn thú hoang dã.

Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2015 - 2017.

Mục tiêu chung của Đề án là Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Học viện) chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, phấn đấu trở thành Đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế; đồng thời bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập tại Học viện.

Học viện được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong đó, Hoc viện quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo nhu cầu xã hội khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, phù hợp với định hướng phát triển của Học viện.

Bên cạnh đó, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của Học viện, bảo đảm công khai, minh bạch và thực hiện chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định.

Đồng thời, quyết định chương trình đào tạo; phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy; phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập; giáo trình, học liệu và quản lý đào tạo; thiết kế, in phôi bằng, quản lý và cấp phát văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm chuẩn đầu ra mà Học viện đã cam kết;...

Về tổ chức bộ máy, nhân sự, Học viện quyết định và chịu trách nhiệm về cơ cấu tổ chức của Học viện và các đơn vị trực thuộc; thành lập mới, tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc; quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các đơn vị trực thuộc, bảo đảm phát huy hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Quyết định tiêu chuẩn, tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm, bãi nhiệm nhân sự làm công tác quản lý của Học viện do Hội đồng Học viện thông qua. Hội đồng Học viện bầu Chủ tịch Hội đồng và Giám đốc Học viện; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng và Giám đốc Học viện.

Học viện cũng quyết định số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên hợp đồng trên cơ sở quy chế và chủ trương được Hội đồng Học viện thông qua, phù hợp với yêu cầu phát triển của Học viện; ký kết hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, quản lý, sử dụng và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Học viện thu học phí với mức bình quân tối đa (của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) năm 2015 - 2016 là 13 triệu đồng/sinh viên/năm học, năm 2016 - 2017 là 14 triệu đồng/sinh viên/năm học.

Dành hơn 384 tỷ đồng tặng quà cho người có công

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2015).

Mức quà tặng theo phương án trình Chủ tịch nước được chia thành 2 loại: 400.000 đồng và 200.000 đồng.

Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, mức quà 400.000 đồng để tặng quà cho các đối tượng sau:

- Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp hàng tháng;

- Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng;

- Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ ngày 31/12/1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng;

- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Mức quà 200.000 đồng để tặng cho thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 80% trở xuống (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ ngày 31/12/1993) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ; đại diện gia đình thờ cúng liệt sĩ; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2015) là hơn 384 tỷ đồng. Khoản kinh phí này đã được bố trí trong kế hoạch Ngân sách Nhà nước năm 2015.

Khẩn trương triển khai Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương gửi Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê năm 2014 về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi và báo cáo theo quy định.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê tỉnh, huyện, xã, nhất là các chỉ tiêu thuộc sở, ban, ngành địa phương chịu trách nhiệm thu thập và biên soạn.

Bộ Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc triển khai bồi dưỡng kiến thức thống kê cho công chức làm công tác thống kê ở các Bộ, ngành Trung ương và các sở, ngành tại địa phương, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 Thống kê Việt Nam đạt trình độ khá và năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Chiến lược đề ra một trong những quan điểm phát triển là đổi mới, hoàn thiện công tác thống kê theo hướng hiện đại, chất lượng và hiệu quả của cả hệ thống thống kê.

Một trong những mục tiêu Chiến lược là nâng Chỉ số chung về năng lực thống kê theo các tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới đối với thống kê nước ta từ 61 điểm (thang điểm 100) năm 2010 lên 70 điểm vào năm 2015; 80 điểm vào năm 2020 và đạt 95 điểm vào năm 2030.

Bên cạnh đó, nâng mức độ thực hiện Hệ thống tài khoản quốc gia của thống kê nước ta theo Khung đánh giá của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc từ mức 2/6 năm 2008 lên mức 3/6 năm 2015; 4/6 năm 2020 và phấn đấu đạt mức 6/6 vào năm 2030.

Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam bao gồm nhiều nội dung, trong đó, giai đoạn 2012 -2020 sẽ xây dựng hệ cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia và Trung tâm dữ liệu thống kê quốc gia tại Tổng cục Thống kê./.

2016 cơ bản hoàn thành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia

Trong hai năm 2015 và 2016, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và cơ bản hoàn thành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia tới tất cả các Bộ, ngành và áp dụng đối với toàn bộ các thủ tục hành chính có liên quan.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế hải quan một cửa quốc gia.

Theo đó, trong tháng 7 năm 2015, các Bộ, cơ quan rà soát và hoàn thành việc đăng ký với Ban Chỉ đạo (thông qua Cơ quan Thường trực) danh mục các thủ tục hành chính kèm theo lộ trình kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, đảm bảo trong năm 2015 và 2016 tất cả các thủ tục hành chính được thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.

Trong quý II năm 2016, các Bộ, đơn vị chưa kết nối Cơ chế một cửa quốc gia tiến hành rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, đơn vị mình để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đồng bộ, thống nhất.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng), Y tế, Tài nguyên và Môi trường, trong tháng 12 năm 2015 hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Trong năm 2015, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin để kết nối và thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính đã đăng ký dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2016 – 2020

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Y tế trong tháng 6 năm 2015, hoàn thành việc xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp liên ngành để giải quyết thủ tục hành chính đối với phương tiện vận tải ra vào cảng biển (bao gồm các cảng biển nội địa) và cảng đường sông quốc tế; trong tháng 9 năm 2015, hoàn thành việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đối với phương tiện vận tải ra vào các cảng biển (bao gồm các cảng biển nội địa) và cảng đường sông quốc tế giai đoạn 2015 - 2017.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trong tháng 12 năm 2015, hoàn thành việc xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch chi tiết của năm 2016, trình Thủ tướng Chính phủ; trong tháng 8 năm 2015, hoàn thành xây dựng Thông tư hướng dẫn việc thanh toán trực tuyến đối với các khoản phí và lệ phí thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Về triển khai các cam kết với ASEAN, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan trong tháng 6 năm 2015 hoàn thành các thủ tục theo quy định để trình ký Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN./.