Thủ tướng phê chuẩn nhân sự tỉnh Lâm Đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn việc bầu bổ sung, miễn nhiệm một số thành viên UBND tỉnh Lâm Đồng.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Phan Văn Đa, Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Du Trường Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Trương Văn Dũng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, để nghỉ hưu theo chế độ.

Tăng cường thanh tra, giám sát việc cấp tín dụng

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát thường xuyên việc tuân thủ các quy định về cấp tín dụng, sử dụng hạn mức tín dụng hiệu quả, đúng mục đích và an toàn hoạt động ngân hàng, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm của tổ chức tín dụng.

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá, thẩm định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về đề xuất phê duyệt cấp tín dụng vượt giới hạn vốn tự có của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra sau cho vay và thực hiện các biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa rủi ro; đồng thời chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc thẩm định, đánh giá hiệu quả, cấp tín dụng và thu hồi nợ đối với khách hàng và người có liên quan theo quy định của pháp luật, định kỳ hàng tháng báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt nam để giám sát, theo dõi.

Bổ sung cán bộ y tế được hưởng phụ cấp đặc thù

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 46/2009/QĐ-TTg ngày 31/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, viên chức công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện C Đà Nẵng thuộc Bộ Y tế, các Phòng Bảo vệ sức khoẻ Trung ương 1, 2, 2B, 3 và 5, Khoa A11 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Khoa A11 Viện Y học cổ truyền Quân đội.

Quyết định 46/2009/QĐ-TTg chỉ quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, viên chức công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện C Đà Nẵng thuộc Bộ Y tế, các Phòng Bảo vệ sức khoẻ Trung ương 1, 2, 2B, 3 và 5, Khoa A11 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Khoa A11 Viện Y học cổ truyền Quân đội.

Ngoài các đối tượng trên, Quyết định mới bổ sung cán bộ, viên chức công tác tại Khoa A11 Bệnh viện quân y 175 cũng được hưởng phụ cấp đặc thù.

Về mức phụ cấp đặc thù, mức phụ cấp bằng 3,0 lần lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, viên chức có học hàm là Giáo sư, Phó Giáo sư và đối với cán bộ là những người đảm nhiệm các chức vụ Giám đốc bệnh viện, Phó Giám đốc bệnh viện phụ trách chuyên môn.

Mức phụ cấp bằng 2,5 lần lương tối thiểu chung áp dụng đối với cán bộ, viên chức có học vị là tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp I, dược sĩ chuyên khoa cấp II.

Mức phụ cấp bằng 2,0 lần lương tối thiểu chung áp dụng đối với các cán bộ, viên chức công tác tại khoa Nội của các Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện C Đà Nẵng; các Phòng Bảo vệ sức khoẻ Trung ương 1, 2, 2B, 3 và 5; Khoa A11 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Khoa A11 Viện Y học cổ truyền Quân đội; Khoa A11 Bệnh viện quân y 175.

Mức phụ cấp bằng 1,5 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với các cán bộ, viên chức tại các khoa khác của các Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện C Đà Nẵng.

Mức phụ cấp bằng 1,0 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với các cán bộ, viên chức còn lại của các Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện C Đà Nẵng.

Ngày 14/11 là Ngày Truyền thống ngành NNPTNT

Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 14/11 hằng năm là "Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam".

Cách đây 70 năm, ngày 14/11/1945 là ngày thành lập Bộ Canh nông. Đây có thể được xem là ngày hoạt động chính thức đầu tiên của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Việc lấy ngày 14/11 hằng năm là ngày truyền thống của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhằm khẳng định vai trò của sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển đất nước – từ thời kháng chiến kiến quốc đến giai đoạn thống nhất đất nước và đổi mới hiện nay; đặc biệt là công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đây cũng là dấu mốc thời gian có ý nghĩa quan trọng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhiều thế hệ đã góp sức xây dựng và phát triển Ngành; đồng thời, khuyến khích, động viên và tạo phong trào thi đua trong toàn Ngành để thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế - chính trị được Đảng, Nhà nước giao.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc tổ chức Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phải đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả và tránh hình thức; giáo dục truyền thống, động viên phong trào thi đua lao động, công tác, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng thời, biểu dương, khen thưởng bằng các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Chính sách thuế chuyển nhượng ô tô ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Tài chính về chính sách thuế áp dụng đối với chuyển nhượng xe ô tô của đối tượng ngoại giao đã tạm nhập khẩu trước thời điểm Quyết định số 53/2013/QĐ-TTg ngày 13/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam.

Trước đó, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép các trường hợp xe ô tô của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tạm nhập khẩu trước thời điểm Quyết định 53/2013/QĐ-TTg có hiệu lực (ngày 1/11/2013) nay chuyển nhượng thì được áp dụng chính sách thuế như đối với hàng hóa nhập khẩu, tạm nhập khẩu miễn thuế nay thay đổi mục đích sử dụng khác.

Cụ thể là: Số thuế nhập khẩu phải nộp = giá tính thuế x thuế suất (không áp dụng thuế hỗn hợp theo quy định tại Quyết định số 36/2011/QĐ-TTg ngày 29/06/2011 và Quyết định số 24/2013/QĐ-TTg ngày 3/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ).

Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Ngoại giao yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao rà soát, thống kê số lượng xe đã tạm nhập khẩu trước thời điểm Quyết định số 53/2013/QĐ-TTg có hiệu lực. Đối với xe của cá nhân (tạm nhập khẩu trước thời điểm Quyết định 53/2013/QĐ-TTg có hiệu lực) nay cá nhân đã về nước, có ủy quyền cho cơ quan ngoại giao đại diện bảo quản xe mà chưa thực hiện thu hồi đăng ký, biển số thì cơ quan đại diện phải thực hiện xóa sổ đăng ký, lưu hành xe trước khi cung cấp danh sách cho Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao. Cơ quan Hải quan chỉ thực hiện thủ tục chuyển nhượng các trường hợp thuộc danh sách do các cơ quan đại diện cung cấp.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Tài chính nêu trên. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Công an hướng dẫn và tổ chức thực hiện.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về an toàn thông tin

Đề án Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu của Đề án đến năm 2020, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thông tin. Trong đó, dưới 50% các sự cố mất an toàn thông tin xảy ra vì lý do bắt nguồn từ nhận thức yếu kém về các nguy cơ mất an toàn thông tin của con người.

Trên 50% người sử dụng nói chung, trên 60% học sinh và trên 70% sinh viên được tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ và kỹ năng cơ bản phòng tránh mất an toàn thông tin; chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về an toàn thông tin.

Trên 80% công chức, viên chức, cán bộ của các cơ quan, tổ chức nhà nước được tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng đơn giản để bảo đảm an toàn thông tin khi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Nhiệm vụ chính của Đề án là tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin ở các cơ sở giáo dục. Cụ thể, rà soát chương trình, nội dung, thời lượng giảng dạy và biên tập tài liệu giáo dục về an toàn thông tin lồng ghép vào môn tin học, hoạt động ngoại khoá phù hợp với từng lớp học, bậc học (từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông); tổ chức các cuộc thi về an toàn thông tin cho các nhóm đối tượng khác nhau là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội như mở chuyên mục, chuyên trang trên các phương tiện thông tin đại chúng để thực hiện các nội dung tuyên truyền; sản xuất phóng sự, chương trình, trao đổi, đối thoại trên hệ thống phát thanh, truyền hình; đưa tin, bài viết trên hệ thống báo chí, báo điện tử, trang tin điện tử, diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội.

Tuyên truyền theo từng điểm, các địa điểm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ mạng hoặc thiết bị công nghệ thông tin; áp dụng với các khu vực có đông người sử dụng mạng, tại các điểm sử dụng máy tính công cộng, các điểm phủ sóng mạng không dây và truy nhập Internet công cộng; tuyên truyền trên cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức nhà nước các cấp.

Ngoài ra, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin qua các phương thức khác. Cụ thể, xây dựng, vận hành tổng đài hỗ trợ, tư vấn an toàn thông tin cho người sử dụng thiết bị công nghệ thông tin; tuyên truyền trực quan, sử dụng pa-nô, áp phích, các vật dụng được in ấn thông tin tuyên truyền, biểu trưng nhận diện thông điệp tuyên truyền; tổ chức các sự kiện thường niên và các đợt sự kiện theo tuần, tháng về an toàn thông tin, kết hợp với tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức đánh giá, công bố danh mục sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu để tổ chức, cá nhân biết và sử dụng; phối hợp cùng các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin trong khu vực và quốc tế.

Ưu tiên vốn khắc phục sạt lở bờ biển

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về giải pháp khắc phục sạt lở bờ biển, khôi phục rừng phòng hộ ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long.

Biến đổi khí hậu và mặt trái của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở thượng nguồn, các hoạt động phát triển kinh tế trên sông, ven biển,…) đã gây ra nhiều tác động tiêu cực như mất cân bằng bùn cát, gia tăng sạt lở bờ sông, bờ biển, suy giảm nghiêm trọng rừng ngập mặn ven biển, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền, phần lớn các cửa sông ở khu vực duyên hải miền trung bị bồi lấp theo mùa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của bà con ngư dân. Theo thống kê, hiện có 265 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài trên 450 km tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long bị mất khoảng 500 ha rừng ngập mặn/năm.

Để khắc phục sạt lở, những năm qua hầu hết các địa phương chủ yếu áp dụng giải pháp xây dựng kè cứng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đây là giải pháp có suất đầu tư cao, chưa thực sự bền vững, hiệu quả tại một số khu vực, không phù hợp với xu thế chung được nhiều nước hiện nay hướng tới là áp dụng các biện pháp “thân thiện với môi trường” và “trả lại không gian cho sông”. Việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp phù hợp để hạn chế sạt lở bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn là cần thiết và cấp bách.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động chỉ đạo cơ quan nghiên cứu triển khai một số đề tài nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tình hình sạt lở bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long, bồi lấp cửa sông, sạt lở ven biển khu vực duyên hải miền trung; đồng thời triển khai một số dự án thí điểm áp dụng các giải pháp khác nhau để khắc phục sạt lở bờ biển, khôi phục rừng ngập mặn vùng ven biển nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ sớm tổ chức nghiệm thu các đề tài nghiên cứu, dự án thí điểm theo quy định, công bố kết quả nghiên cứu, hướng dẫn và định hướng cho các địa phương ứng dụng kết quả nghiên cứu, giải pháp hiệu quả đã được kiểm chứng, phù hợp với điều kiện cụ thể từng khu vực nhằm bảo đảm tính kinh tế và kỹ thuật, tránh lãng phí trong đầu tư và ảnh hưởng tới môi trường sinh thái lâu dài.

Đánh giá tổng thể về thực trạng xâm thực, sạt lở bờ biển

Đồng thời tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ để triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tổng thể về thực trạng xâm thực, sạt lở bờ biển trên phạm vi cả nước; nghiên cứu đề xuất các giải pháp phù hợp chống xâm thực bờ biển, khôi phục rừng phòng hộ ven biển tại các khu vực ven biển bị xói sâu; nghiên cứu, thử nghiệm các giải pháp mềm, thân thiện với môi trường để bảo vệ bờ sông, nhất là đối với hệ thống kênh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, cập nhật để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý tài nguyên nước và phòng chống thiên tai, từng bước xác lập, quản lý hành lang ven sông, ven biển để hạn chế rủi ro thiên tai, nhất là lũ, bão, sạt lở, nước biển dâng; tiếp tục đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến xói lở vùng ven biển các tỉnh phía Bắc và khu vực miền Trung; rà soát, xác định các dự án thực sự cấp bách cần ưu tiên đầu tư đưa vào chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn tới.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu triển khai hệ thống quan trắc, giám sát diễn biến đường bờ biển, trước mắt cần tập trung quan trắc tại một số khu vực bờ biển đang bị xâm thực mạnh nhằm tạo cơ sở dữ liệu phục vụ công tác giám sát, theo dõi lâu dài, đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có cơ chế, chính sách phù hợp đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để thực hiện chủ trương xã hội hóa việc trồng, khôi phục, quản lý rừng ngập mặn ven biển, tạo sinh kế cho người dân và chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Huy động vốn Dự án khai thác sắt Thạch Khê

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu đến hết ngày 15/7/2015 nếu các cổ đông vẫn không góp đủ vốn theo quy định, Bộ Công Thương chỉ đạo phương án cho phép cổ đông hiện hữu điều chỉnh tỷ lệ góp vốn để bảo đảm vốn huy động cho Dự án.

Trường hợp các cổ đông hiện hữu không huy động đủ vốn, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam góp tăng vốn để thực hiện Dự án. Phần góp tăng vốn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giao Bộ Công Thương xem xét, xử lý cụ thể.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý nguyên tắc việc lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm định thiết kế kỹ thuật theo hình thức chỉ định thầu. Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn theo các quy định của Luật đấu thầu và các quy định hiện hành và chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn đơn vị thực hiện.

Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty CP Sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư với mục tiêu khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Thạch Khê đảm bảo cung ứng nguyên liệu quặng sắt cho Nhà máy thép tại Hà Tĩnh và các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu.

Dự án có tổng đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó 30% cổ đông góp vốn và 70% nguồn vốn huy động khác. Theo tiến độ, dự án được chia làm 2 giai đoạn với thời gian thực hiện 9 năm, trong đó 7 năm xây dựng cơ bản và khai thác 5 triệu tấn/năm, 2 năm tiếp theo nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm./.