Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân

Sáng 19/6, với 410/433 đại biểu tham gia biểu quyết, chiếm tỷ lệ 83%, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 và thay thế Luật tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 hết hiệu lực.

Theo đó, đã có 433 đại biểu tham gia biểu quyết, bằng 87,65% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu Quốc hội tán thành là 410 (tỷ lệ 83%), số đại biểu không tán thành là 6 (tỷ lệ 1,21%) và số đại biểu không biểu quyết là 17 (tỷ lệ 3,44%).

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gồm 7 chương và 50 điều. Trong đó, nêu rõ, Chính phủ sẽ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Thành viên của Chính phủ gồm có Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng chính phủ, các bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ.

Việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước và do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước.

Thủ tướng Chính phủ có một số nhiệm vụ và quyền hạn, như: lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia...

Đặc biệt, Luật quy định Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, còn nội dung, thời gian cụ thể của mỗi lần báo cáo, Thủ tướng được chủ động lựa chọn cho phù hợp.

Về số lượng cấp phó, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền, thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục và đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3; số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4.

Sau khi được thông qua, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 và sẽ thay thế Luật Tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 hết hiệu lực.

Vẫn giữ HĐND cấp phường

Sáng 19/6, với 89,27% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 8 chương 143 điều, quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016 và sẽ thay thế cho Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Luật tổ chức chính quyền địa phương xác định các đơn vị hành chính gồm có tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện); xã, phường, thị trấn (cấp xã) và đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Theo Điều 4, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cấp chính quyền địa phương gồm có: hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã. Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn. Điều này có nghĩa hội đồng nhân dân cấp phường vẫn được giữ.

Luật đã xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của tập thể và của cá nhân chủ tịch ủy ban nhân dân, theo đó, ủy ban nhân dân chủ yếu tập trung vào thảo luận tập thể để quyết định những nội dung trình hội đồng nhân dân cùng cấp, còn việc chỉ đạo, điều hành giao cho chủ tịch ủy ban nhân dân.

Luật cũng quy định, đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) có không quá 5 phó chủ tịch, loại I có không quá 4 phó chủ tịch, loại II và loại III có không quá 3 phó chủ tịch UBND.

Đối với đơn vị hành chính cấp huyện loại I có không quá 3 phó chủ tịch, loại II và loại III có không quá 2 phó chủ tịch UBND.

Đối với đơn vị hành chính cấp xã loại I có không quá 2 phó chủ tịch, loại II và loại III có 1 phó chủ tịch UBND.

Sinh viên đại học, cao đẳng chính quy được tạm hoãn nhập ngũ

Chiều cùng ngày, 100% đại biểu QH có mặt đã nhất trí thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Về độ tuổi gọi nhập ngũ, Điều 30 của Luật quy định từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.

Với sinh viên cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Công dân nữ đủ 18 tuổi trở lên, trong thời bình, nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ. Thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự là 24 tháng.

Để khắc phục tình trạng trốn tránh nghĩa vụ quân sự, luật bổ sung đối tượng tạm hoãn là sinh viên đang học trình độ cao đẳng thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp vì đây là nguồn nhân lực có chất lượng cao, bảo đảm cho sinh viên vừa có cơ hội thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập cũng như bảo vệ Tổ quốc, phù hợp tình hình mới.

Những công dân được miễn gọi nhập ngũ gồm: Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một; một anh hoặc một em trai của liệt sĩ; một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

Bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động thú y từ Trung ương đến địa phương

Chiều 19/6, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, với 85,43% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thú y.

Luật Thú y gồm 7 vhương, 116 điều, quy định về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y.

Đối tượng áp dụng của Luật là: tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động thú y tại Việt Nam.

Luật nêu rõ nguyên tắc hoạt động là: bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động thú y từ trung ương đến địa phương nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe động vật, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, tính bền vững trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái;

Luật Thú y sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016./.