Bổ nhiệm lại 2 Phó Tổng Giám đốc VTV

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký các Quyết định bổ nhiệm lại 2 Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm lại ông Lâm Kiết Tường và ông Nguyễn Thành Lương giữ chức Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.

Trước đó, ông Lâm Kiết Tường và ông Nguyễn Thành Lương đã được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm có thời hạn làm Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam từ ngày 20/5/2010.

Hơn 150 tỷ đồng khắc phục hậu quả hạn hán

Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 150,6 tỷ đồng cho 8 địa phương và 3 công ty của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2015 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2014 - 2015.

Kinh phí hỗ trợ cho 8 địa phương và 3 công ty được phân bổ như sau: Sơn La 13,1 tỷ đồng; Nghệ An 23 tỷ đồng; Hà Tĩnh 12,7 tỷ đồng; Quảng Ngãi 8,2 tỷ đồng; Đắk Nông 23,5 tỷ đồng; Hậu Giang 8,3 tỷ đồng; Bạc Liêu 14,8 tỷ đồng; Cà Mau 14 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải 14,3 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà 14,5 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa 4,2 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ trên thực hiện theo quy định hiện hành.

UBND các địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác cùng với kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ nêu trên để bảo đảm thực hiện có hiệu quả việc khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại các chính sách hiện hành về hỗ trợ khắc phục hạn hán, bảo đảm công bằng, minh bạch, hiệu quả và khả thi trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

Tăng cường chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam và các doanh nghiệp hội viên cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ để công tác đấu tranh chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả cao.

Công tác đấu tranh chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trong thời gian qua đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo và đạt những kết quả tích cực, góp phần ổn định kinh tế xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình hình buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, đến uy tín, lợi ích của doanh nghiệp.

Để công tác đấu tranh chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ có kết quả, Phó Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cần chủ động, tích cực phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; nhận thức rõ nhiệm vụ chống sản xuất, buôn bán hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trực tiếp của Hiệp hội, của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cần đề cao trách nhiệm trong bảo vệ thương hiệu Việt Nam

Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cần đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ thương hiệu Việt Nam thông qua phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin về hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ cho các lực lượng chức năng đặc biệt là thông qua đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông phổ biến chính sách, pháp luật của nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về hàng giả và sở hữu trí tuệ.

Các doanh nghiệp hội viên cũng cần tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng sản phẩm, về quyền sở hữu trí tuệ; thực hiện đăng ký kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất; tổ chức phân phối và thiết lập cơ chế kiểm soát hàng hóa trong hệ thống nhằm tránh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ; chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện và xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm sở hữu trí tuệ./.