Đầu tư Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, chống hạn cho Ninh Thuận

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc điều chỉnh dự án và chỉ định thầu thi công một số hạng mục của Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc điều chỉnh Dự án đầu tư và áp dụng hình thức chỉ định thầu thi công đối với hạng mục đập dâng và hệ thống kênh tưới Tân Mỹ thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ nhằm sớm hoàn thành công trình, khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới.

Đối với việc triển khai thi công đập chính Sông Cái và đập phụ 1 thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2287/TTg-KTN ngày 13/12/2010.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính trong quá trình triển khai thực hiện, chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai thực hiện các gói thầu theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Ninh Thuận là một trong những tỉnh có lượng mưa bình quân thấp nhất cả nước (tổng lượng mưa bình quân nhiều năm chỉ đạt khoảng 700 mm), thời gian nắng nóng kéo dài, trong khi toàn bộ các huyện khu vực phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận mới chỉ có một số hồ chứa nước dung tích nhỏ (năm 2015 các hồ chứa này hầu như bị cạn nước, nhiều khu dân cư thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân). Việc sớm triển khai đầu tư Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ là cần thiết, cấp bách để tạo kho nước, giải quyết cân bằng nước cho tỉnh Ninh Thuận, nhất là trong điều kiện thời tiết ngày càng cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu.

Sửa đổi đối tượng của Đề án đào tạo nghề nông thôn

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 971/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", trong đó, sửa đổi đối tượng của Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".

Theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, đối tượng của Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.

Tại Quyết định 971/QĐ-TTg ngày 1/7/2015, quy định trên đã được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, đối tượng của Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" là lao động nông thôn từ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi (đối với nam), 55 tuổi (đối với nữ), có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, bao gồm:

- Người lao động có hộ khẩu thường trú tại xã.

- Người lao động có hộ khẩu thường trú tại phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi.

Trong các đối tượng nêu trên, ưu tiên đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân.

Đào tạo 6 triệu lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020

Chương trình đặt mục tiêu cụ thể giai đoạn 2016-2020 là đào tạo nghề cho 6 triệu lao động nông thôn, trong đó, khoảng 5,5 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề (1,4 triệu người học nghề nông nghiệp và 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp). Sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu cho khoảng 500.000 lượt cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đào tạo chủ yếu là dạy thực hành

Quyết định cũng bổ sung quy định tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cụ thể, việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn (bao gồm cả đào tạo nghề nông nghiệp và đào tạo nghề phi nông nghiệp) chủ yếu là dạy thực hành và được thực hiện tại nơi sản xuất. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của người học.

Các nghề đào tạo cho lao động nông thôn phải đa dạng, cụ thể, theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất; từ đào tạo một công đoạn, một kỹ năng nghề nhất định, đến đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ một cách đầy đủ, toàn diện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Tổ chức lồng ghép, huy động các nguồn lực trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn một cách linh hoạt, phù hợp giữa các đề án, chương trình, nhất là chương trình phổ biến, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho cộng đồng; giữa các chính sách khác nhau, các đối tượng đào tạo, các địa phương; lồng ghép với các vấn đề về giới, về môi trường, văn hóa, xã hội kiến thức kinh doanh linh hoạt, phù hợp với đối tượng người học trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Bên cạnh đó, thu hút các cơ sở đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, không phân biệt cơ sở công lập hay ngoài công lập. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động.

Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo các mô hình đã thí điểm có hiệu quả; đào tạo nghề tại doanh nghiệp, vùng chuyên canh, xã xây dựng nông thôn mới, làng nghề. Tiếp tục nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, gắn đào tạo nghề với hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Xây dựng khu đô thị Bắc thị trấn Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định chuyển mục đích sử dụng 22,4 ha đất trồng lúa để thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, thương mại và dịch vụ tổng hợp Bắc thị trấn Kỳ Anh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2015 và Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/04/2015 của Chính phủ.

Được biết, Dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, thương mại và dịch vụ tổng hợp Bắc thị trấn Kỳ An có tổng diện tích 38,77 ha, trong đó sử dụng 22,4 ha đất trồng lúa tại các xã Kỳ Thư, Kỳ Văn và Kỳ Tân huyện Kỳ Anh đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500.

Dự án có trong danh mục công trình, dự án thực hiện trong năm 2015 của kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của huyện Kỳ Anh đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án trên phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất trồng lúa được phép chuyển mục đích theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tỉnh Hà Tĩnh được Chính phủ xét duyệt.

Làm rõ phản ánh mua bán đất rừng phòng hộ tại Phú Quốc

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang kiểm tra, làm rõ nội dung báo Tuổi trẻ phản ánh về tình trạng sốt đất, mua bán đất rừng phòng hộ tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Trước đó, báo Tuổi trẻ các số ngày 25 và 26/6/2015 đăng loạt bài “Vác ba lô tiền đi mua đất” và “Khi dân Phú Quốc chiếm rừng bán đất chỉ” phản ánh tình trạng giá đất đang diễn biến phức tạp tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang gây xáo trộn đời sống và quy hoạch phát triển của địa phương. Cùng với hiện tượng sốt đất, nhiều khu đất rừng phòng hộ tại địa phương này đã bị người dân bao chiếm, trồng cây rồi bán sang tay...

Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh trên. Nếu sự việc đúng như báo Tuổi trẻ nêu, phải có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường quản lý chất lượng Dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về kết quả kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu về công trình đập dâng Lạc Tiến thuộc Dự án cấp nước cho Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng.

Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra thông tin báo điện tử Vietnamnet phản ánh về chất lượng công trình Đập dâng Lạc Tiến (Hà Tĩnh) có nhiều biểu hiện chất lượng công trình không đảm bảo.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Dự án Cấp nước cho KKT Vũng Áng, gồm 4 Tiểu Dự án (hồ Rào Trổ; đập dâng Lạc Tiến, tuynel và kênh dẫn; cống Kỳ Hà; nhà máy nước). Đến nay hạng mục nhà máy nước (giai đoạn 1), đập dâng Lạc Tiến và hệ thống kênh dẫn, tuynel cơ bản đã hoàn thành, hạng mục hồ Rào Trổ và cống Kỳ Hà đang thi công.

Về phản ánh của báo điện tử Vietnamnet, UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo, ngay khi phát hiện xảy ra hiện tượng võng mái hạng mục phụ trợ (nhà vận hành) đập dâng Lạc Tiến, UBND tỉnh đã giao chủ đầu tư, tư vấn thiết kế bổ sung và hoàn chỉnh. Hiện tượng võng mái nhà vận hành không ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và ổn định của đập dâng.

UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, về chất lượng tổng thể dự án đến nay cơ bản đảm bảo yêu cầu theo quy định, công trình xây dựng an toàn, ổn định, một số hạng mục chính đã đưa vào sử dụng và đã phát huy hiệu quả.

Xem xét báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh và ý kiến của các bộ liên quan, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý chất lượng công trình các hạng mục công trình đã xây dựng thuộc Dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng, không để xảy ra các sai sót tương tự; khẩn trương chỉ đạo Chủ đầu tư xử lý, khắc phục dứt điểm các tồn tại, đồng thời tổ chức quan trắc, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố (nếu có) để bảo đảm an toàn công trình.

Các Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Hà Tĩnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện việc quản lý chất lượng đối với các hạng mục công trình đang thi công thuộc Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao, đúng quy định của pháp luật hiện hành về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Kiểm tra, làm rõ tình trạng ô nhiễm rác thải

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra, làm rõ các thông tin báo nêu về tình trạng ô nhiễm rác thải, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, có biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 17/6/2015, Bản tin VTV1 Đài truyền hình Trung ương có đưa tin về tình trạng ô nhiễm rác thải nghiêm trọng, tỉnh Nghệ An; ngày 10/3/2015 và ngày 15/3/2015, Báo Tài nguyên và Môi trường có đăng bài “Khó với bài toán rác thải xây dựng” và bài “Nhiều mối lo ngại” xử lý rác thải tại tỉnh Nghệ An phản ánh tình trạng ô nhiễm rác thải nghiêm trọng tại đoạn đường đê chắn sóng phường Quỳnh Phương, tỉnh Nghệ An và tình hình xây dựng các khu xử lý và xử lý rác thải xây dựng; ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại bãi rác Đông Vinh và Khu liên hợp xử lý CTR Nghi Yên, tỉnh Nghệ An.

Về việc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra làm rõ các thông tin báo nêu trên, có biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm tra, rà soát công tác quản lý chất thải rắn đô thị ở một số địa phương, có phương án thu gom và xử lý chất thải rắn không để ô nhiễm môi trường, đáp ứng yêu cầu sinh sống của nhân dân.

Hải Phòng xây dựng Khu đô thị mới tại quận Hải An

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo UBND thành phố Hải Phòng quyết định việc lựa chọn Chủ đầu tư để thực hiện Dự án xây dựng Khu đô thị mới tại phường Thành Tô, quận Hải An theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Đồng thời, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc chuyển mục đích sử dụng từ đất quốc phòng sang đất phát triển đô thị tại phường Thành Tô, quận Hải An theo đúng quy định tại Quyết định số 69/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014.

Dự kiến dự án Khu đô thị mới được đầu tư xây dựng trên khu đất có quy mô khoảng 14,2 ha tại phường Thành Tô, quận Hải An, thành phố Hải Phòng với sản phẩm chủ yếu là nhà ở thấp tầng có cơ sở hạ tầng đầy đủ, hiện đại và đồng bộ./.