Trong 2 ngày 27 và 28/07/2015, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật, trong đó có dự án Luật Quy hoạch, cũng như nghe Báo cáo về công tác tổ chức, triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, chức năng xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách của Chính phủ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Đến nay, mới ban hành được 53/155 văn bản nợ đọng

Báo cáo về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, Chính phủ đã ban hành 6 nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 quyết định phân công và 2 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, các bộ, cơ quan ngang bộ phải trình Chính phủ 21 dự án luật, pháp lệnh.

Kết quả có 5 dự án đã được Chính phủ cho ý kiến, thông qua; 11 dự án được Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề tháng 7; 1 dự án trình Chính phủ cho ý kiến về định hướng lớn; 1 dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên đã được gửi Phiếu xin ý kiến thành viên Chính phủ trong tháng 7.

Còn lại có 03 dự án xin lùi thời hạn trình gồm: Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Biểu tình, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

Về văn bản quy định chi tiết, trong 6 tháng đầu năm 2015, các bộ, cơ quan ngang bộ cũng đã tích cực triển khai nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền.

Theo yêu cầu, các bộ, cơ quan ngang bộ phải trình 178 văn bản, gồm 155 văn bản nợ đọng quy định chi tiết 34 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và 23 văn bản quy định chi tiết 04 luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016.

Tuy nhiên đối với 155 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực, đến nay mới ban hành được 53/155 văn bản, đạt 34.19%.

Đối với 23 văn bản quy định chi tiết 04 luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016, hiện các bộ, cơ quan ngang bộ đang tích cực nghiên cứu soạn thảo để trình cấp có thẩm quyền ban hành, bảm đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra nhiều hạn chế liên quan đến công tác xây dựng pháp luật trong đó có việc phải điều chỉnh Chương trình; xin lùi một số dự án luật; trong số 155 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực đến nay mới chỉ ban hành được 53 văn bản, số lượng văn bản quy định chi tiết nợ đọng còn rất lớn…

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong công tác xây dựng pháp luật, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2015, trong đó có trình Chính phủ xem xét, thông qua 3 dự án luật, pháp lệnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là dự án Luật về Hội; dự án Luật Báo chí (sửa đổi), dự án Pháp lệnh quản lý thị trường.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 tới đây; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết…

Song song việc bảo đảm tiến độ xây dựng dựng các luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành cần đặc biệt chú ý tới công tác phối hợp, tới chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết. Yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt khâu thẩm định, thẩm tra để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của các dự án luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

Cần quy định chặt chẽ về sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện quy hoạch

Dự án Luật Quy hoạch được xây dựng gồm 6 chương, 68 điều với mục tiêu điều chỉnh thống nhất các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước; đổi mới nội dung và phương pháp lập quy hoạch để quy hoạch là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn với cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh; thống nhất công tác quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch để giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của nhà nước được thống nhất từ Trung ương tới địa phương…

Những vấn đề liên quan đến quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết; việc tạo sự thống nhất giữa các quy hoạch; việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; các cấp quy hoạch; tổ chức và thực hiện quy hoạch… là những nội chính được các thành viên Chính phủ tập trung đóng góp ý kiến khi thảo luận về dự án luật này.

Các thành viên Chính phủ đề nghị, cần có quy định chặt chẽ về sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện công tác quy hoạch; có chế tài xử lý đủ mạnh, đủ sức răn đe, tránh tình trạng sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện công tác quy hoạch chỉ dừng lại ở việc gửi văn bản xin ý kiến, sự phối hợp mang tính nặng về hình thức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bước vào giai đoạn phát triển mới, thực tiễn đã chứng minh công tác quy hoạch có những mặt không còn phù hợp và yêu cầu mới đặt ra là cần thiết phải xây dựng dự án Luật Quy hoạch và dự án Luật này đã được chỉ đạo triển khai xây dựng nghiêm túc, công phu nhằm phát huy những những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong công tác quy hoạch; bảo đảm công tác quy hoạch được thực hiện hiệu lực, hiệu quả hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu, trong quá trình xây dựng Dự án Luật Quy hoạch cần phải có báo cáo công phu, đánh giá từng lĩnh vực, nhóm quy hoạch, những gì đã làm được, những gì còn hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế… để đề ra những giải pháp khắc phục.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng dự án Luật cũng hết sức quan tâm đến việc đánh giá, xác định rõ các nhóm quy hoạch, định nghĩa về quy hoạch, tránh sự nhầm lẫn giữa quy hoạch và kế hoạch; đồng thời xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh của quy hoạch; tính pháp lý, vai trò của các cấp quy hoạch; trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch…

Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận về 9 dự án luật và pháp lệnh, gồm: (i) dự án Luật về Hội; (ii) dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; (iii) dự án Luật Tiếp cận thông tin; (iv) dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế Nhập khẩu (sửa đổi); (v) dự án Luật Ban hành quyết định hành chính; (vi) dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); (vii) Dự án Luật Quy hoạch; (viii) dự án Luật Đấu giá tài sản; (ix) dự án Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Ban hành nghị quyết về việc triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư

Tại phiên họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày báo cáo về công tác tổ chức, triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư với các nội dung cụ thể liên quan đến công tác triển khai hướng dẫn thi hành Luật; việc triển khai rà soát, tập hợp và công bố điều kiện đầu tư kinh doanh; công tác hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư; những vướng mắc trong quá trình triển khai 2 luật này…

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về việc triển khai thi hành hai Luật này với những nội dung chủ yếu như sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin; bảo đảm thực thi đầy đủ, nhất quán các quy định của Luật Đầu tư về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với các nội dung được nêu trong Báo cáo về công tác tổ chức, triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư trong đó có các kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với Chính phủ; đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hai luật này trên thực tế./.