Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố lấy ý kiến.

Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 01 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 155/2013/NĐ-CP đã góp phần ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, đưa công tác quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư đi vào nề nếp.

Song, từ cuối năm 2013 và trong năm 2014, Quốc hội đã thông qua các Luật mới, như: Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014... trong đó có nhiều quy định mới về: đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đấu thầu lựa chọn nhà thầu, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; về chương trình, dự án đầu tư công; về quyền tự do đầu tư kinh doanh; về doanh nghiệp xã hội...; đặc biệt bổ sung các quy định về xử lý các hành vi bị cấm trong Luật Đầu tư công. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2013/NĐ-CP là hết sức cần thiết, xét cả dưới góc độ pháp lý và thực tiễn.

Theo đó, một số hành vi vi phạm theo Nghị định 155/2013/NĐ-CP, đến nay không còn được coi là hành vi vi phạm nữa, ví dụ: hành vi vi phạm về việc kinh doanh ngành, nghề không có trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; hành vi vi phạm quy định về việc thuê giám đốc doanh nghiệp tư nhân; hành vi vi phạm quy định về đăng ký thay đổi thành viên... (Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ các quy định này).

Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, nghiên cứu và loại trừ việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này ra khỏi Dự thảo Nghị định.

Mặt khác, Nghị định số 155/2013/NĐ-CP chưa bao quát hết hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt là các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư công và lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), do đó, trong dự thảo Nghị định sửa đổi lần này, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung trên nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý để chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này.

Dự thảo Nghị định gồm 03 điều, cụ thể như sau: Điều 1: Gồm 32 Khoản, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 155/2013/NĐ-CP; Điều 2: Điều khoản chuyển tiếp; Điều 3: Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.

Với tinh thần giữ nguyên các quy định còn phù hợp với thực tiễn của Nghị định 155/2013/NĐ-CP, loại bỏ hoặc chỉnh lý một số quy định trong Nghị định số 155/2013/NĐ-CP không còn phù hợp; bổ sung các quy định mới phù hợp với các Luật mới được Quốc hội ban hành trong thời gian vừa qua, nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định, như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điểm a, Khoản 2, Điều 1, Nghị định 155/2013/NĐ-CP như sau: “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công” nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Đầu tư công năm 2014.

2. Sửa đổi tên Mục I là: “Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng vốn đầu tư công…”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 và bổ sung 02 Điều về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công:

- Điều 5a: Vi phạm về việc báo cáo, cung cấp thông tin trong hoạt động đầu tư công.

- Điều 5b: Vi phạm về việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.

Nghị định 155/2013/NĐ-CP được Chính phủ ban hành cuối năm 2013, khi Luật Đầu tư công chưa ra đời, vì vậy, trong dự thảo Nghị định cần phải bổ sung các hành vi được quy định tại Luật Đầu tư công nhằm kịp thời chấn chỉnh và đưa hoạt động đầu tư sử dụng vốn đầu tư công vào khuôn khổ, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí và phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời, góp phần cảnh báo, ngăn chặn hành vi vi phạm cũng như nâng cao trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, chủ chương trình, dự án, ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế chương trình, dự án… trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công.

4. Sửa đổi, bổ sung nội dung Điều 6 để quy định cụ thể hơn về việc viện dẫn áp dụng thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư sử dụng vốn đầu tư công có cấu phần xây dựng.

5. Sửa đổi tên Mục II là “Hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả” để phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư năm 2014.

6. Bổ sung vào Điều 10 các hành vi: Không thực hiện báo cáo cho cơ quan đăng ký đầu tư trước khi bắt đầu thực hiện dự án đầu tư đối với các dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Khoản 1); Đầu tư kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện để đầu tư, kinh doanh theo quy định (Điểm đ Khoản 6); Đầu tư kinh doanh các ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh (Điểm b Khoản 8).

Sửa đổi Điểm b, Khoản 3, Điều 10 Nghị định 155/2013/NĐ-CP như sau: “Thực hiện dự án chậm so với tiến độ quy định trong văn bản chấp thuận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”.

Sửa đổi Điểm b và Điểm c, Khoản 6, Điều 10, Nghị định 155/2013/NĐ-CP như sau: Tiếp tục triển khai dự án khi đã chấm dứt hoạt động mà không được cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận; Tiếp tục triển khai dự án khi đã hết thời hạn hoạt động mà không được cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận để đảm bảo phù hợp với tinh thần của Luật Đầu tư năm 2014.

Sửa đổi một số hành vi nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Đầu tư năm 2014, như: Hành vi giãn tiến độ đầu tư nhưng không đề xuất bằng văn bản hoặc ngừng, tạm ngừng hoạt động của dự án đầu tư nhưng không thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký đầu tư (Điểm b Khoản 5 Điều 10); Không đáp ứng các điều kiện đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (Điểm b Khoản 6 Điều 10); Chuyển nhượng dự án đầu tư không đáp ứng các điều kiện theo quy định (Điểm d Khoản 6 Điều 10).

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 Nghị định 155/2013/NĐ-CP:

- Sửa đổi Điểm c, Khoản 4 thành: “Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài khi không đáp ứng các điều kiện theo quy định” để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 64, Luật Đầu tư năm 2014.

- Sửa đổi Điểm b, Khoản 3 như sau: “Không thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp sử dụng lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư ở nước ngoài để tăng vốn, mở rộng hoạt động đầu tư ở nước ngoài” để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 66 Luật Đầu tư năm 2014.

- Sửa đổi Điểm c, Khoản 3 như sau: “Dùng lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ở nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư khác ở nước ngoài nhưng không thưc hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho dự án đầu tư đó” để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 66 Luật Đầu tư năm 2014.

- Bổ sung hành vi “Không thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong trường hợp thay đổi nội dung dự án đầu tư ra nước ngoài” (Điểm b, Khoản 2, Điều 12); Không chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập về Việt Nam trong thời gian quy định nhưng không báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điểm c, Khoản 2, Điều 12).

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và quy định mới của Luật Đầu tư năm 2014, gồm các hành vi:

- Hành vi vi phạm về việc đề xuất dự án đầu tư theo hình thức PPP: Giao trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu khả thi không đúng quy định; Lựa chọn hoặc đề xuất dự án không đáp ứng các điều kiện theo quy định;

- Hành vi vi phạm về váo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án PPP: Lập, trình, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi không đúng quy định; Không thẩm định đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi trước khi phê duyệt; Điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi không theo quy định.

- Hành vi vi phạm về nguồn vốn thực hiện dự án PPP: Không quyết định chủ trương sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án trước khi phê duyệt đề xuất dự án; Không xác định giá trị vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án trước khi phê duyệt dự án (đối với dự án nhóm C).

- Hành vi vi phạm về bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án, quyết toán công trình dự án.

- Hành vi vi phạm về việc triển khai thực hiện dự án PPP: Triển khai dự án khi không đáp ứng các điều kiện theo quy định; Thực hiện dự án không đúng trình tự theo quy định; Thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT bằng tiền hoặc bằng quỹ đất nhưng không được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định; Chuyển giao công trình dự án thực hiện không đúng điều kiện và thủ tục theo quy định.

9. Bỏ Điều 15 của Nghị định 155/2013/NĐ-CP vì hành vi vi phạm về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng KCN, KCX, KCNC, KTT đã được điều chỉnh theo các quy định về vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư công, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và lĩnh vực đấu thầu.

10. Sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu, cụ thể:

- Vi phạm các quy định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (Điều 16).

- Vi phạm các quy định về hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu (Điều 17).

- Vi phạm các quy định về tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất (Điều 18).

- Vi phạm quy định về thương thảo hợp đồng đối với lựa chọn nhà thầu và đàm phán sơ bộ hợp đồng đối với lựa chọn nhà đầu tư (Điều 18a).

- Vi phạm quy định về đăng tải thông tin trong đấu thầu (Điều 18b).

- Vi phạm hành chính khác về đấu thầu, bao gồm: chi phí trong đấu thầu; việc lưu trữ hồ sơ; giải quyết kiến nghị; quy định về thời gian trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư…(Điều 19).

11. Loại bỏ, sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh quy định tại Nghị định 155/2013/NĐ-CP, cụ thể:

- Loại bỏ hành vi vi phạm về việc kinh doanh ngành, nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 25 Nghị định 155/2013/NĐ-CP); vi phạm quy định về việc thuê Giám đốc doanh nghiệp tư nhân (Điều 26); hành vi vi phạm quy định về đăng ký thay đổi thành viên (Điều 27) vì Luật Doanh nghiệp năm 2014 không quy định các nội dung này.

Sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm như:

- Hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn về việc thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp như thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần; thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; giám đốc hoặc tổng giám đốc (Điều 29).

- Hành vi vi phạm quy định về việc không thông báo cho Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh: Quy định cụ thể hơn về các trường hợp buộc phải thông báo như: chủ doanh nghiệp tư nhân cho thuê doanh nghiệp; doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo; thay đổi ngành nghề kinh doanh mà không thông báo… (Điều 30).

- Hành vi phạm quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; quy định về Ban kiểm soát… (Điều 31 và Điều 33).

- Bổ sung hành vi vi phạm về việc đặt tên doanh nghiệp (Điều 35a).

- Bổ sung quy định về vi phạm đối với doanh nghiệp tư nhân (Điều 35b).

- Bổ sung quy định về vi phạm đối với doanh nghiệp xã hội (Điều 35c).

- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến hộ kinh doanh (Điều 36, Điều 37 và Điều 38).

- Bổ sung Điều 39a về kinh doanh ngành nghề bị cấm đối với hộ kinh doanh

- Bổ sung một số quy định về vốn góp đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng (Điều 41).

12. Bổ sung thẩm quyền xử phạt của cơ quan Quản lý thị trường tại Điều 48 Nghị định 155/2013/NĐ-CP, theo đề nghị của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (theo Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19/3/2014) và một số địa phương, ban quản lý khu kinh tế.

Bên cạnh đó, để đưa hoạt động đầu tư công thực sự đi vào cuộc sống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi phạm vi điều chỉnh của Nghị định này về “vi phạm quy định trong lĩnh vực quản lý và sử dụng vốn đầu tư công” nhằm đảm bảo phù hợp với tinh thần của Luật Đầu tư công

Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư công, đặc biệt là vi phạm các điều cấm trong Luật Đầu tư công (Điều 16), như: hành vi quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công; sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật… đều là những hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm cao, có khả năng gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công và phần lớn liên quan đến đối tượng là cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, để kịp thời ngăn chặn, đảm bảo nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ xem xét về việc bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho một số chức danh như: Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh… nhằm đảm bảo thi hành nghiêm túc và hiệu quả hơn nữa các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa nội dung này vào khi sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Thanh tra năm 2010 và các Nghị định hướng dẫn thi hành./.