Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng Nghị định về dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung trong Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… để thống nhất và cụ thể hóa quy trình, thủ tục thẩm định các dự án quan trọng quốc gia.

Đồng thời, quy định rõ về tổ chức và cách thức thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước khi xem xét thẩm định các dự án quan trọng quốc gia nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả của công tác thẩm định; cụ thể hóa các nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia phù hợp với từng loại nguồn vốn.

Việc xây dựng Nghị định nhằm đảm bảo quán triệt chỉ đạo tách bạch rõ vai trò quản lý, điều hành của Chính phủ với vai trò giám sát, kiểm tra của Quốc hội trong việc thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, đảm bảo sự chủ động và trách nhiệm của Chính phủ đối với việc quản lý đầu tư các dự án quan trọng quốc gia.

Đồng thời, hạn chế tối đa việc ban hành văn bản hướng dẫn về việc thực hiện thẩm tra, thẩm định dự án quan trọng quốc gia.

Nội dung Dự thảo Nghị định cũng đã khắc phục một số hạn chế đang phát sinh trên thực tế, điển hình như nội dung quy định về tiêu chí dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Cụ thể, theo quy định của Luật Đầu tư công, các dự án không khống chế tổng mức đầu tư, mà chỉ cần sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên là thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Vì thế, để khắc phục những phát sinh trong thực tế về tiêu chí về vốn đầu tư, Dự thảo Nghị định đã quy định các nội dung nhằm hướng dẫn thực hiện chuyển tiếp trong một số trường hợp sau:

- Các dự án đang thực hiện có tổng mức đầu tư trên hoặc dưới 35.000 tỷ đồng, nhưng sử dụng vốn nhà nước từ 10.000 tỷ đồng trở lên và chưa đến 11.000 tỷ đồng; theo Nghị quyết số 49/2010/QDD12, chưa thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia; nhưng khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, có tiêu chí về vốn thuộc dự án quan trọng quốc gia.

- Các dự án (chủ yếu thuộc nhóm A), sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư có tiêu chí vốn thuộc dự án quan trọng quốc gia (ví dụ các dự án đường sắt đô thị thuộc Tp. Hà Nội và Hồ Chí Minh).

- Các dự án đầu tư ra nước ngoài có tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên, nhưng không sử dụng vốn nhà nước đến 7.000 tỷ đồng; trước đây, theo Nghị quyết số 49 thì không thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia; nhưng khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực (từ ngày 01/07/2015), sẽ thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia.

Về lựa chọn tư vấn thẩm tra dự án, công trình quan trọng quốc gia, Dự thảo Nghị định lần này cũng kế thừa Nghị định số 03/2013/NĐ-CP, quy định rõ ràng hơn việc thuê tư vấn thẩm tra đối với các dự án quan trọng quốc gia, việc thanh quyết toán cho tư vấn thẩm tra, đảm bảo tuân thủ quy định và tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Dự thảo Nghị định cũng bỏ nội dung hướng dẫn quy định về việc quy đổi vốn đầu tư theo hệ số trượt giá để xác định dự án quan trọng, nhằm đảm bảo tiêu chí vốn đầu tư không chênh lệch quá nhiều qua các năm như tại Điều 3, Nghị định số 03. Bởi, nội dung này đã được quy định rõ tại Điều 11, Luật Đầu tư công.

Về tổ chức và phương thức làm việc của Hội đồng thẩm định nhà nước, Dự thảo Nghị định đã kế thừa và làm rõ hơn một số quy định trong Nghị điịnh số 03, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư 2014.

Dự thảo Nghị định về dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư gồm 7 chương, 32 điều. Trong đó, Chương I là những quy định chung; Chương II quy định về dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia; Chương III quy định về tổ chức và phương thức hoạt động của Hội đồng thẩm định nhà nước; Chương IV quy định về thuê tư vấn thẩm tra và chi phí thẩm định, thẩm tra dự án quan trọng quốc gia; Chương V quy định về hồ sơ và nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia; Chương VI quy định về hồ sơ và nội dung thẩm định quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia; Chương VII là điều khoản thi hành./.