Cụ thể là, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều phương án áp dụng thuế đối với các nhóm ô tô theo dung tích xe, như sau:

Đối với các loại xe ô tô từ 1.500 cm3 trở xuống, có 2 phương án:

Phương án 1. Nhóm xe này chia làm 2 nhóm nhỏ để áp thuế. Xe có dung tích từ 1.000 cm3 trở xuống được hưởng mức thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có 25%, giảm tới 20% so với hiện hành từ ngày 01/07/2016 và sau đó, hạ tiếp thuế suất còn 20%, giảm 25% so với hiện hành từ 01/01/2018.

Loại xe trên 1.000 cm3 đến 1.500 cm3 áp dụng thuế suất 30%, giảm 15% so với hiện hành kể từ ngày 01/07/2016 và áp thuế suất 25%, giảm 20% so với hiện hành từ ngày 01/01/2018.

Phương án 2. Hai nhóm xe trên gộp thành 1 nhóm là tất cả các loại xe có dung tích từ 1.500 cm3 trở xuống thì hưởng thuế suất 30%, giảm 15% so với hiện hành.

Đối với các loại ô tô có dung tích trên 1.500 cm3. Bộ Tài chính chia ra làm 3 nhóm:

Nhóm thứ nhất, loại xe có dung tích xi lanh từ trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3, áp thuế suất la 40%, giảm 5% so với hiện hành từ ngày 01/07/2016 và từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 30%, giảm 15% so với hiện hành.

Nhóm thứ hai, loại có dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 áp dụng thuế suất 60%, tăng 10% so với hiện hành từ ngày 01/07/2016. Từ ngày 01/01/2018, mức thuế bắt đầu giảm còn 55%, chỉ tăng 5% so với hiện hành.

Nhóm thứ ba là loại có dung tích xi lanh từ trên 3.000 cm3, bao gồm cả mô-tô-hôm (motorhome). Cụ thể, từ ngày 01/07/2016, nhóm này áp dụng thuế suất 75% (tăng 15% so với hiện hành), từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 70% (tăng 10% so với hiện hành). Đây cũng là nhóm chịu mức tăng thuế mạnh nhất.

Nhìn vào biểu thuế tiêu thụ đặc biệt mà Bộ Tài chính đề xuất trong Dự thảo có thể thấy rằng, các dòng xe ở mức trung bình sẽ được khuyến khích phát triển, ngược lại các dòng xe sang (dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3,0 lít) sẽ chịu mức thuế cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, khi Dự thảo này được thông qua thì giá dòng xe trung bình sẽ giảm và ngược lại đối với các loại xe sang./.