Thủ tướng phê chuẩn nhân sự 2 tỉnh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký các Quyết định phê chuẩn việc bầu bổ sung và miễn nhiệm nhân sự UBND 2 tỉnh: Đắk Lắk và Kon Tum.

Cụ thể, Thủ tướng quyết định phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với: ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và ông Từ Thái Giang, Giám đốc Sở Tài chính.

Đồng thời, Thủ tướng quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Thanh Nam, nguyên Giám đốc Sở Tài chính, để nhận nhiệm vụ mới.

Thủ tướng cũng quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với bà Lê Thị Kim Đơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, để nhận nhiệm vụ mới.

Điều chỉnh Đề án tái cơ cấu Vinafood 1

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) giai đoạn 2011 - 2015.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển Công ty Bột mỳ Vinafood 1 thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bột mỳ Vinafood 1 và thực hiện cổ phần hóa ngay trong quý IV/2015, Vinafood 1 nắm giữ 65% vốn điều lệ.

Cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinafood 1 đồng thời cùng 2 công ty con là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Lương thực Lương Yên và Muối Việt Nam, trong năm 2017.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định tỷ lệ cổ phần Tổng công ty Lương thực miền Bắc nắm giữ tại các công ty cổ phần: Lương thực và Thương mại Phú Thọ, Lương thực và Thương mại Vĩnh Phúc, Lương thực Hưng Yên, Lương thực Ninh Bình, Lương thực Hà Nam, Lương thực Lào Cai.

TCty Quản lý bay Việt Nam được xếp hạng đặc biệt

Thủ tướng Chính phủ đồng ý vận dụng xếp hạng Tổng công ty đặc biệt đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Theo quy định tại Nghị định 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ thì hạng Tổng công ty đặc biệt được áp dụng đối với công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ-công ty con do Thủ tướng quyết định thành lập đủ các điều kiện: Giữ vai trò trọng yếu trong nền kinh tế; có vốn nhà nước từ 1000 tỷ đồng trở lên; có lợi nhuận từ 100 tỷ đồng trở lên; nộp ngân sách Nhà nước từ 100 tỷ đồng trở lên; có từ 10 đơn vị thành viên trở lên (bao gồm đơn vị hạch toán độc lập và hạch toán phụ thuộc).

Phân công Tổng Thư ký UBQG về ứng dụng CNTT

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin vừa ký Quyết định phân công ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin có nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước, các ngành, lĩnh vực trọng điểm và trong toàn xã hội.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội; cho ý kiến về các cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án lớn về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Đồng thời, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc việc thực hiện các chiến lược, chương trình, dự án quan trọng có tính chất liên ngành về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Chỉ khởi công nhà máy nhiệt điện đốt than khi có phương án xử lý tro xỉ

Các nhà máy nhiệt điện đốt than đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chỉ được phép khởi công xây dựng khi có phương án rõ ràng về xử lý tro xỉ, hoặc có hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị có nhu cầu.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về các giải pháp xử lý, sử dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Thông tin và Truyền thông và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các lợi ích của việc sử dụng tro xỉ trong các nhà máy nhiệt điện; phổ biến các mô hình, cách làm hay trong xử lý tro xỉ mà một số nhà máy nhiệt điện, một số địa phương và một số doanh nghiệp đã thực hiện.

Bộ Công Thương chỉ đạo từng nhà máy nhiệt điện than hiện có và các dự án đang xây dựng phối hợp với UBND các tỉnh, các doanh nghiệp,… xây dựng phương án xử lý, sử dụng tro xỉ tại các nhà máy điện để san lấp, làm đường giao thông nông thôn, vật liệu xây dựng,… phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Trong đó tập trung chỉ đạo các dự án nhà máy nhiệt điện đang có yêu cầu cấp thiết về vấn đề này, bao gồm: Vĩnh Tân 2, An Khánh 1, Vũng Áng 1, Sông Hậu 1 và Long Phú 1.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đối với các dự án bảo vệ môi trường; các cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn các doanh nghiệp phát thải, xử lý và các doanh nghiệp sử dụng tro xỉ về các cơ chế, chính sách được ưu đãi, hỗ trợ khi thực hiện các dự án xử lý, sử dụng tro xỉ tại các Nhà máy nhiệt điện.

Đồng thời chỉ đạo nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới về các công nghệ xử lý, sử dụng tro xỉ trong các lĩnh vực, đề xuất công nghệ ưu tiên áp dụng tại Việt Nam.

Hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn các cơ chế, chính sách được ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp có sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng.

Bộ Xây dựng xem xét, xây dựng để ban hành hoặc công bố áp dụng đầy đủ các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật đối với tro xỉ sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau: Vật liệu gia cố nền đất, san lấp, đắp đất, làm đê, kè; làm vật liệu trong xây dựng công nghiệp (công trình cầu cảng, công trình thủy lợi…), công trình dân dụng (xây trát, chống thấm...); sản xuất vật liệu xây dựng (gạch không nung, bê tông bọt, gạch bê tông khí chưng áp, gạch ốp lát…).

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiên cứu, đánh giá các ảnh hưởng, tác động đến môi trường trong quá trình xử lý, sử dụng tro xỉ; đề xuất các giải pháp cần thực hiện để các hoạt động xử lý, sử dụng tro xỉ đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các quy định hiện hành.

Đồng thời tổ chức thường xuyên việc kiểm tra, giám sát đối với các nhà máy điện có phát thải tro xỉ để đảm bảo các nhà máy thực hiện đúng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Tập đoàn EVN, TKV, PVN khẩn trương phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp liên quan xây dựng phương án xử lý, sử dụng tro xỉ trong các nhà máy nhiệt điện trong Tập đoàn, gửi Bộ Công Thương tổng hợp./.