Cụ thể, Dự thảo Quyết định nêu rõ, các dự án đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị để sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm được vay vốn đầu tư trung hạn và dài hạn với lãi suất bằng 70% lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; Thời hạn cho vay tối đa 15 năm.

Nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước với các khoản vay trung hạn và dài hạn. Các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm có nhu cầu vay vốn nước ngoài được Chính phủ xem xét bảo lãnh vốn vay cho từng trường hợp cụ thể. Trường hợp đặc biệt, Ban Chỉ đạo nhà nước về Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm nghiên cứu, đề xuất cơ chế và chính sách tín dụng đầu tư cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, các sản phẩm cơ khí trọng điểm được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với nhà thầu đối với các gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm theo quy định của Luật Đấu thầu. Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên xem xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí của các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ ở trong và ngoài nước; được quảng cáo, giới thiệu miễn phí riêng trên trang thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Công Thương và các sở công thương; doanh nghiệp được xác nhận sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm đúng với danh mục sản phẩm quốc gia được hưởng chính sách khuyến khích ưu đãi theo Quyết định số 2441/QĐ-TTg, ngày 31/12/2010 về Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

Ngoài ra, Dự thảo Quyết định cũng đề xuất một số ưu đãi trong hoạt động đầu tư cho nghiên cứu - phát triển và phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm. Cụ thể là:

(1) Ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ để hỗ trợ các hoạt động: nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ; mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm; đào tạo nguồn nhân lực, thuê chuyên gia tư vấn kỹ thuật trong nước và quốc tế phục vụ cho các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm.

(2) Được hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) và xây dựng cơ chế, chính sách quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ kinh phí đầu tư năng lực cho các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức đánh giá sự phù hợp, bao gồm các phòng thử nghiệm cho sản phẩm khí trọng điểm và công nghiệp hỗ trợ.

(3) Nhà nước hỗ trợ tối đa kinh phí đầu tư phòng thí nghiệm các sản phẩm cơ khí trọng điểm cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Ban Chỉ đạo nhà nước về Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm nghiên cứu, đề xuất từng dự án đầu tư cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ngoài các ưu đãi trên, việc phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm cũng được Bộ Công Thương đề xuất một số ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, thuế đất, thuế giá trị gia tăng…/.