Đây là đề xuất của Bộ Tài chính trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong tháng 10 tới.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế gồm 8 điều, đề xuất sửa đổi, bổ sung 27 nội dung của 7 luật thuế.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung 9 nội dung của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; 4 nội dung Luật thuế thu nhập cá nhân; 3 nội dung Luật thuế giá trị gia tăng; 3 nội dung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; 1 nội dung Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; 1 nội dung Luật thuế bảo vệ môi trường; 6 nội dung Luật quản lý thuế.

Bộ Tài chính cho biết, việc sửa đổi, bổ sung này nhằm đảm bảo tính nhất quán của chính sách, theo đó tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đồng thời, tiếp tục đảm bảo đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế; phòng chống gian lận thương mại, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Điểm mới được nhiều người quan tâm theo Dự thảo là nếu tổng doanh thu từ các hoạt động kinh doanh thấp hơn 150 triệu đồng/năm (tức bình quân 12,5 triệu đồng/tháng) thì các cá nhân không phải đóng thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng.

Thu nhập từ kinh doanh của các cá nhân được hiểu là thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; từ hoạt động hành nghề độc lập.

Với đề xuất này, ngưỡng thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của cá nhân kinh doanh đã tăng 4,1 triệu đồng/tháng, 50 triệu đồng/năm so với quy định hiện hành. Mức hiện hành là 100 triệu đồng/năm, tương đương 8,4 triệu đồng/tháng.

Bộ Tài chính giải thích, sở dĩ có đề xuất này là do quá trình thực hiện Luật số 71/2014/QH13, các địa phương phản ánh rằng mức doanh thu 100 triệu đồng/năm đối với cá nhân kinh doanh để xác định không thuộc diện nộp thuế là thấp.

Bởi với cá nhân làm công ăn lương, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân tăng từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc tăng từ 1,2 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/người. Như vậy, tính trung bình, một cá nhân có một người phụ thuộc thì mức thu nhập không phải nộp thuế thu nhập cá nhân đã là 151,2 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm trở lên đã phải nộp thuế GTGT, thu nhập cá nhân theo mức ấn định trên doanh thu. Doanh thu để tính thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ (không tính trừ các chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh).

Vì vậy, quy định này có điểm bất hợp lý và có sự khác biệt trong chính sách thuế thu nhập cá nhân với cá nhân kinh doanh và cá nhân làm công ăn lương.

Ngoài ra, tại dự thảo luật mới, Bộ Tài chính còn đề xuất nhiều thay đổi về chính sách thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, đáng chú ý là việc sửa đổi quy định miễn thuế thu nhập cá nhân với thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, đất ở duy nhất.

Theo Bộ Tài chính, thực hiện quy định trên có vướng mắc về việc xác định nhà ở, đất ở duy nhất. Nhiều người cũng lợi dụng quy định này để trốn thuế bằng cách chuyển nhượng cho người thân trong gia đình để người này đứng tên, khi chuyển nhượng lại được miễn thuế với nhà ở, đất ở duy nhất.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định miễn thuế thu nhập cá nhân với thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, đất ở duy nhất theo mức do Chính phủ quy định./.