Minh bạch rõ khái niệm

Dự thảo Luật phí và lệ phí đã hoàn chỉnh các khái niệm cho chính xác, đúng với bản chất kinh tế của từng khoản thu phí, lệ phí. Cụ thể, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này. Còn lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải trả mang tính bắt buộc khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này.

Trong cuộc họp chuyên đề của Bộ Tài chính ngày 20/10, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế cho biết, pháp lệnh hiện hành quy định các khoản lệ phí, phí gắn với dịch vụ công do cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cung cấp. Mức thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí do Nhà nước quy định. Điều này chưa khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công. Để đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ công, dự thảo Luật quy định rõ về phạm vi điều chỉnh, gồm: danh mục phí, lệ phí; người nộp phí, lệ phí; tổ chức thu phí, lệ phí; nguyên tắc xác định mức thu; miễn, giảm, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức trong quản lý phí, lệ phí.

Để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch của Luật, danh mục phí và lệ phí được chi tiết ngay tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định cụ thể, theo dòng phí và lệ phí (nếu có) để thực hiện thống nhất các khoản phí, lệ phí trong Danh mục và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn. Đồng thời, để đáp ứng được các yêu cầu phát sinh, dự thảo Luật quy định: "Trường hợp sửa đổi, bổ sung Danh mục phí, lệ phí giữa hai kỳ họp, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất". Danh mục phí và lệ phí được quy định chi tiết ngay tại dự thảo cũng nhằm đảm bảo việc thống nhất trong cả nước, tránh tình trạng tự ban hành và thu các loại phí ngoài danh mục, tạo gánh nặng và gây bức xúc cho người dân trong giai đoạn vừa qua.

Ông Thi cho biết thêm, qua rà soát cho đến nay, Danh mục chi tiết phí, lệ phí dự kiến ban hành kèm theo Luật, gồm: 318 khoản phí, lệ phí (209 khoản phí và 109 khoản lệ phí). Trong đó, quy định cụ thể thẩm quyền của các cơ quan đối với từng khoản phí, lệ phí: Chính phủ, Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

So với Danh mục kèm Nghị định số 24/2006/NĐ-CP đã bãi bỏ 86 khoản phí, lệ phí (26 khoản phí và 60 khoản lệ phí); Chuyển sang giá 43 khoản phí (trong đó, có 30 khoản nhà nước quản lý giá, 13 khoản theo giá thị trường).

Có ý kiến đề nghị quy định rõ về mức thu, phương thức thu để kiểm tra, kiểm soát việc thu phí ngay trong Luật. Song, Bộ Tài chính cho rằng, danh mục phí, lệ phí được quy định trong Luật là khá lớn, việc quy định cơ chế thu, mức thu và phương thức thu phụ thuộc vào đặc điểm, định mức kinh tế - kỹ thuật của từng loại phí, lệ phí. Do đó, việc quy định ngay trong luật các nội dung này là không khả thi. Theo đó sẽ phân cấp cho Chính phủ, Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể về mức thu và phương thức thu phù hợp với tính chất và đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí ở từng địa phương cụ thể.

Viện phí, học phí sang cơ chế giá không gây khó khăn, bất lợi cho người nghèo

Một trong những vấn đề nóng trong thời gian gần đây là việc chuyển học phí và viện phí sang cơ chế giá. Một số ý kiến đề nghị không, một số khác nhất trí việc chuyển viện phí, học phí sang cơ chế giá song đề nghị Chính phủ cần báo cáo cụ thể và chi tiết hơn về lộ trình và tác động của việc chuyển sang giá dịch vụ đến đời sống của người dân.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giáo dục và Luật Giá, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước đã được chuyển sang cơ chế giá và đang được Nhà nước định giá nhằm khuyến khích đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo; dạy nghề; y tế... theo đó, đã quy định rõ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. Đồng thời, để tránh tác động lớn đến đời sống của người dân, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã có các chính sách hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo khi chuyển sang thực hiện cơ chế giá không gây khó khăn, bất lợi cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số.

Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, Danh mục phí, lệ phí ban hành lèm theo Luật không có tên 02 loại phí này.

Về việc thu phí lòng đường, hè phố, một số ý kiến đề nghị không thu loại phí này. Song, Bộ Tài chính cho rằng, việc sử dụng lòng đường, vỉa hè vào các mục đích khác như điểm đỗ xe ô tô, xe máy... đang là nhu cầu phát sinh từ cuộc sống và được nhiều nước trên thế giới thực hiện để giải quyết các vấn đề của cuộc sống hàng ngày. Do vậy, dự kiến giữ lại khoản phí này trong Danh mục.

Tuy nhiên, các địa phương, nhất là ở các đô thị lớn cần tăng cường công tác quản lý, quy định cụ thể từng khu vực, từng tuyến phố được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và tăng cường công tác quản lý khoản thu này bảo đảm công khai, minh bạch, tránh việc thu, sử dụng không đúng với quy định của pháp luật.

Đối với phí sử dụng đường bộ, dự thảo Luật không quy định chi tiết các loại phương tiện thuộc đối tượng điều chỉnh của khoản phí này. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của công tác quản lý theo từng thời kỳ, Chính phủ sẽ quyết định thu hoặc dừng thu đối với từng loại phương tiện cụ thể. Quy định này là phù hợp với thực tiễn khi mà tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2015 của Chính phủ đã thống nhất dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy kể từ ngày 01/01/2016. Bộ Tài chính cũng cho rằng, phí sử dụng đường bộ là cần thiết nhằm mục đích tạo nguồn thu phục vụ cho công tác bảo trì đường bộ.

Dự thảo Luật phí và lệ phí gồm 6 Chương, 25 Điều sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017./.