Cụ thể, nếu vợ sinh thường, chồng sẽ được nghỉ 5 ngày làm việc. Nếu vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi, chồng sẽ được nghỉ 7 ngày làm việc.

Trong trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Trong trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật, thì người cha được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Trường hợp gia đình chỉ có chồng tham gia bảo hiểm xã hội, khi vợ sinh con sẽ được trợ cấp một lần bằng hai tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con.

Ngoài ra, Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2016 sẽ có nhiều điểm mới, hướng đến giải quyết chính sách cho lao động nữ, nhất là trong thời kỳ thai sản.

Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày. Trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.

Đối với trường hợp lao động nữ bị sẩy thai hoặc hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 10 ngày 50 ngày.

Đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ cũng được nghỉ theo chế độ Luật định. Theo đó, lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày, thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.