Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại Hội nghị tổng kết 12 năm thi hành Luật Thủy sản, ngày 11/12, tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh, thời gian qua, Luật Thủy sản đã đi vào cuộc sống. Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn Luật là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển thủy sản bền vững về các lĩnh vực, như: khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giao và cho thuê mặt nước biển, quản lý nhà nước về thủy sản, an toàn vệ sinh thủy sản, kiểm ngư, cùng vai trò của các hiệp hội, cộng đồng trong quản lý thủy sản... nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản và đời sống của ngư dân Việt Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, sau 12 năm ban hành, hệ thống pháp luật về thủy sản đã hoàn thiện, điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực thủy sản. Luật Thủy sản đã có tác động đưa nghề nuôi trồng thủy sản từ một nghề mang tính chất tự túc trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, mở rộng các loại hình nuôi thủy sản theo hướng bền vững. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh một số đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng có xu hướng phát triển mạnh thay cho tôm sú. Năm 2013, diện tích thả nuôi thả nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 66.000 ha, gấp hơn 02 lần so với năm 2012, sản lượng đạt 260.000 tấn, tăng gần 60%.

Quy định của Luật cũng đã thúc đẩy hình thành và phát triển hệ thống cơ sở thủy sản đạt tiêu chuẩn theo quy định của quốc tế. Mở rộng thị trường và tăng kim ngạch xuất khẩu, năm 2004, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt 2,6 tỷ USD thì đến năm 2014 tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 7,92 tỷ USD...

Mặc dù Luật Thủy sản đã phát huy tốt hiệu quả, song Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, thực tế đang đặt ra những yêu cầu cần phải sửa đổi Luật do yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế rất sâu rộng, nhất là khi ra nhập TPP... cũng như yêu cầu của các thị trường đặt ra về yêu cầu an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng cũng cho biết, 12 năm qua đã có rất nhiều luật tác động đến lĩnh vực thủy sản, như: Luật An toàn thực phẩm, Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn, Luật Đa dạng sinh học và các luật khác liên quan, do vậy đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung những quy định để phù hợp với sự phát triển của ngành và tương đồng với các Luật mới được ban hành trong thời gian gần đây.

Hơn nữa, Luật Thủy sản trước đây quy định theo Luật khung, cho nên, sau khi Luật Thủy sản ra đời đã ban hành tới 19 Nghị định và 31 thông tư. Do vậy, có quá nhiều văn bản hướng dẫn, khó đi vào cuộc sống.

Thứ trưởng Tám cho rằng, hội nghị này chính là dịp để đánh giá, tổng kết các mặt tích cực, thành công, cũng như những hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật. Ngoài ra, cần phân tích, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật về thủy sản.

Theo Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số chương, điều trong Luật Thủy sản 2003 được kiến nghị sửa đổi nhưng vẫn bảo đảm tính kế thừa, chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh hay quy định chưa rõ, không phù hợp hoặc còn thiếu.

Mặt khác, việc sửa đổi trên tinh thần đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Một yếu tố quan trọng khác là bảo đảm tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng sửa đổi Luật Thủy sản trên cơ sở vừa qua ban hành một loạt luật liên quan, nên Bộ sẽ phải rà soát một cách chi tiết, xem luật đó tác động đến Luật Thủy sản mới những nội dung nào cần điều chỉnh, bổ sung.

Hơn nữa, phải nghiên cứu các luật và quy định của quốc tế, để làm sao đưa ra Luật Thủy sản mang tính hội nhập và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ngành thủy sản cũng như thúc đẩy thương mại thủy sản của nước ta đối với các nước khác. Bên cạnh đó, phải đảm bảo kiểm soát được việc nhập khẩu thủy sản của các nước vào Việt Nam.

Dự kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Quốc hội Dự thảo Luật Thủy sản vào năm 2017 hoặc năm 2018./.