Ngày 18/12/2015, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo công bố nghiên cứu “Đầu tư công cho nông nghiệp ở cấp hộ gia đình liên hệ tới An ninh lương thực”. Báo cáo đặt vấn đề cho bài toán đầu tư công cho nông hộ nhỏ trong mối liên hệ với phát triển bền vững và an ninh lương thực.

Đầu tư cho nông nghiệp đang giảm dần

Để nông nghiệp phát triển bền vững, việc duy trì đầu tư vào nông nghiệp phải được ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt là khi nguồn đất canh tác dần cạn kiệt, Việt Nam đã và đang phải sử dụng đến các nguồn lực khác để duy trì tăng trưởng nông nghiệp và thúc đẩy đóng góp của nền nông nghiệp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đây là vẫn đề rất quan trọng với Việt Nam khi hội nhập ngày càng sâu và rộng trong khi 60% lao động , 70% dân số sống và làm việc ở nông thôn.

Thế nhưng, trong khi chi tiêu ngân sách tăng 100% trong những năm qua, nhưng đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa được ưu tiên.

Thậm chí, chi tiêu của Việt Nam cho ngành nông nghiệp (phản ánh qua tỷ lệ phần trăm trong GDP nông nghiệp) đang giảm từ 8,48% trong năm 2000 xuống còn 6,49% trong năm 2010. Mức chi tiêu nông nghiệp trong tổng GDP của cả nước cũng ở tình trạng tương tự, giảm từ 2,08% trong năm 2000 xuống còn 1,23% trong năm 2010.

Bên cạnh đó, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nhưng số người thực sự tiếp cận được các hỗ trợ còn hạn chế.

Tỷ lệ biết đến các chương trình hỗ trợ là 47,33% nhưng tỷ lệ được hưởng lợi thực tế chỉ là 11,39%.

“Có tới 47,69% số hộ nông dân biết đến chuyện hỗ trợ giá dầu, có tới 96,44% số hộ biết chính sách hỗ trợ tín dụng, nhưng chỉ có 11,39% hộ được hỗ trợ giá dầu và 65,77% tiếp cận với tín dụng ưu đãi”, báo cáo nêu rõ.

Tỷ lệ biết đến các chương trình hỗ trợ là 47,33% nhưng tỷ lệ được hưởng lợi thực tế chỉ là 11,39%

Và, người nông dân vẫn chưa ở được đặt ở vị trí trung tâm

Việt Nam là một nước nông nghiệp truyền thống, khoảng 70% dân số sinh sống tại nông thôn và chiếm khoảng 60% lao động của cả nước.

Điều đáng nói, có khoảng 99% đất sở hữu ở Việt Nam có diện tích nhỏ hơn 4 ha và 94% trong số đó thuộc đất không sinh lời hoặc sinh lời rất ít (không phải là đất đai màu mỡ). Chỉ có 4% các hộ sở hữu đất với diện tích từ 2 đến 4 ha.

Khảo sát tại 4 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Vĩnh Long, Đắk Lắk từ tháng 9-10/2015 cũng cho thấy, tình hình không khác biệt nhiều. Số hộ gia đình có diện tích đất canh tác nhỏ hơn 2 héc-ta là 88,57% (Cao Bằng), 71,43% (Đắk Lắk), 90% (Hà Giang) và 84% (Vĩnh Long). Tỷ lệ nghịch với mức tăng dân số, diện tích đất sở hữu sẽ giảm xuống.

“Do đó, bất cứ chính sách nào liên quan đến ngành nông nghiệp cũng phải tập trung vào cấp hộ gia đình để đảm bảo được tính bền vững của nền kinh tế”, GS. Praveen Jha, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kế hoạch, Trường Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ - đại diện nhóm nghiên cứu khẳng định.

Song, thực tế, người nông dân vẫn chưa được đặt ở vị trí trung tâm của các biện pháp hỗ trợ.

Các chương trình chính sách liên quan đến ngnafh nông nghiệp hiện thường tập trung vào kết quả/các chỉ số (chẳng hạn yếu tố đầu ra, tổng/thu nhập bình quân, các yếu tố liên quan đến giảm nghèo…).

“Trong khi đó lại không chú trọng đầy đủ vào các hộ nông dân và những hộ dễ gặp rủi ro liên quan đến nghèo triền miên/tái nghèo”, vị chuyên gia này chỉ rõ.

Kết quả khảo sát hiểu biết và sử dụng dịch vụ công trong nông nghiệp chỉ ra các chính sách này không thực sự hiệu quả đối với các hộ nông dân.

Phương thức canh tác nông nghiệp tại tất cả các tỉnh khảo sát phát triển rất chậm. Sử dụng củi để nấu ăn đang ở mức độ báo động tại tất cả các tỉnh khảo sát.

Các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ ở Cao Bằng, ít được tiếp cận với các công trình nước sạch.

Phương tiện công cộng tại các vùng khảo sát đều thiếu hụt nghiêm trọng

Tất cả những thách thức trên đều chung một giải pháp là sự hỗ trợ thêm và liên tục cho hộ nông dân quy mô nhỏ.

“Vai trò của người nông dân (đặc biệt là nông dân nhỏ lẻ) chưa thực sự rõ nét trong định hướng đầu tư công cho nông nghiệp. Trong khi nếu thiếu lưu tâm đến nông dân nhỏ lẻ, thì thành tựu giảm nghèo sẽ khó bền vững”, ông Nguyễn Ánh Dương, Phó Trưởng ban Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, CIEM cho biết.

Điều này cũng được minh chứng trong thực tế của Việt Nam. Đến nay, dù Việt Nam đã công bố xóa đói, nhưng nạn đói giáp hạt vẫn hiện hữu.

Thu nhập từ nông nghiệp của các hộ gia đình vào khoảng 16.000 đồng/ ngày (0,77 USD), thấp hơn rất nhiều so với chuẩn nghèo thế giới là 1,25 USD/ngày (khoảng hơn 26.000 đồng).

Thu nhập bình quân từ trồng trọt của các hộ là khoảng hơn 4.000 đồng/người/ngày (0,21 USD Mỹ) và từ các khoản ngoài nông nghiệp là gần 12.000 đồng/người/ngày (0,56 USD Mỹ).

Bình quân, các hộ khảo sát ở Hà Giang và Cao Bằng hiện sống trong điều kiện thấp hơn rất nhiều so với chuẩn nghèo, ở Đắk Lắk thì thấp hơn một chút so với chuẩn nghèo.

Thu nhập từ nông nghiệp của các hộ gia đình ở Hà Giang và Cao Bằng là số âm (-) nhưng từ các hoạt động phi nông nghiệp lại dương (+).Những lý do chính gồm đặc thù của các tỉnh miền núi và sự phụ thuộc chủ yếu vào các hoạt động hoạt động phi nông nghiệp (đặc biệt là lâm nghiệp và chăn nuôi). Đáng chú ý là chất lượng đất ở đây không màu mỡ như vùng đồng bằng, các dịch vụ khuyến nông và cơ sở hạ tầng không phát triển. Các hộ không có khả năng trả chi phí đầu vào sau mỗi vụ thu hoạch.

Còn tại Vĩnh Long, phân bố thu nhập rất không đồng đều. Nếu không tính đến 10% các hộ có thu nhập cao, thì mức thu nhập bình quân ở đây dưới mức chuẩn nghèo (khoảng 1,24 USD - 26.000 đồng).

Tương tự như vậy, ở Đắk Lắk, ngoài 5% các hộ có thu nhập cao, mức thu nhập bình quân cũng dưới mức chuẩn nghèo thế giới.

Ở góc độ địa phương, ông Hồ Công Nguyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long cho rằng, chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã có, nhưng lại không hiệu quả với hộ nông dân.

Như chính sách hỗ trợ lãi suất cho mua lúa xuất khẩu, tuy mục tiêu là để mua lúa cho nông dân với giá hợp lý, bảo đảm ngườinông dân có lãi, nhưng thực tế chính sách này chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo ông chính sách này nên chuyển thành chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn đầu tư ban đầu cho trồng lúa, chăn nuôi hay nuôi thuỷ sản.

Ông cũng nói, Chính phủ đã đầu tư nhiều cho hạ tầng, như: giao thông, thuỷ lợi nhưng “chỉ là những công trình lớn trong khi ở nông thôn, những công trình nhỏ và vừa lại rất thiếu”.

Cần tăng đầu tư cho nông nghiệp và hướng đến các nông hộ

GS. Praveen Jha chỉ rõ, mục tiêu xóa đói giảm nghèo kịp thời khó có thể đạt được nếu thiếu sự quan tâm, tham gia của các hộ và sinh kế cho nông dân.

Sự quan tâm này được thể hiện ở các hoạt động vận động tài chính công nhanh chóng, liên tục và phù hợp để bảo vệ quyền lợi của các hộ nông dân và đảm bảo nông nghiệp bền vững.

“Do nguồn lực tài chính còn hạn chế, đã đến lúc Việt Nam nên xem xét một cách tiếp cận nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung, chú trọng vào hỗ trợ hộ nông dân quy mô nhỏ và nhóm dân tộc thiểu số”, GS. Praveen Jha chỉ rõ.

Đối với các chương trình đang được thực hiện, các hộ nông dân quy mô nhỏ cần phải được giúp nhận thức về những chính sách này và những chính sách đó phải được thiết kế nhằm giúp nông dân có thể tiếp cận được dễ dàng.

Việc cung cấp dịch vụ công phải dựa vào nhu cầu thực tế của nông dân thay vì thiết kế chương trình trước không có sự tham gia của người dân.

Hỗ trợ công, đặc biệt là những hỗ trợ dự phòng và cứu trợ khẩn cấp, rất cần thiết trong việc giải quyết vấn đề thu nhập thấp cho các hộ nông dân quy mô nhỏ. Hệ thống chi tiêu công cần phải giải quyết vấn đề an ninh lương thực từ hai khía cạnh; đảm bảo thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và phân phối lượng lương thực thực phẩm.

Các hỗ trợ công cần vượt khỏi phạm vi nông nghiệp truyền thống để có thể bao quát được cả các vấn đề về hỗ trợ thương mại trong sản phẩm nông nghiệp và sự tham gia của các hộ nông dân vào các chuỗi cung ứng nông nghiệp

Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở vùng nông thôn để hỗ trợ nông nghiệp và đảm bảo bảo tính đa dạng nông nghiệp nông thôn. Do diện tích đất nông nghiệp đang dần thu hẹp, nên hướng đi này là rất cần thiết giúpnâng cao năng suất lao động.

“Việt Nam cũng nên đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp và phát triển nông thôn giữa các tổ chức xã hội dân sự và nhà nước. Xa hơn nữa là thông qua các nỗ lực hợp tác cho các dự án ngay tại cộng đồng”, GS. Praveen Jha đề xuất.

Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội và các ban ngành cũng có thể tham gia trực tiếp và góp ý thẳng thắn vào các đối thoại chính sách cho các vấn đề nổi cộm trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt là các chính sách và vấn đề liên quan đến hộ nông dân.

Còn theo ông Nguyễn Anh Dương, Việt Nam cần tăng đầu tư cho nông nghiệp và hướng đến các nông hộ một cách kịp thời.

“Để làm được điều này, Việt Nam cần tăng cường sự tham gia của nông dân vào đầu tư công cho nông nghiệp ngay từ giai đoạn chuẩn bị, thực hiện và giám sát dự án”, vị chuyên gia này đề xuất./.