Cụ thể, tại Thông tư số 201/2015/TT-BTC, ngày 16/12/2015, hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất ưu đãi VKFTA phải đáp ứng 4 điều kiện cơ bản, đó là: thuộc Biểu thuế VKFTA; được nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam; được vận chuyển trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam theo quy định của Bộ Công Thương; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc; có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Bộ Công Thương.

Hàng hóa từ khu phi thuế quan (kể cả hàng gia công) nhập khẩu vào thị trường trong nước để được áp dụng thuế suất VKFTA phải thuộc Biểu thuế VKFTA và có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định của Bộ Công Thương (C/O VK).

Hàng hóa sản xuất tại Khu công nghiệp Khai Thành thuộc lãnh thổ Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên (hàng hóa GIC) tái nhập khẩu về Hàn Quốc rồi xuất khẩu sang Việt Nam cũng được hưởng thuế suất ưu đãi nếu thuộc mặt hàng có ký hiệu GIC trong Biểu thuế VKFTA; được nhập khẩu và vận chuyển trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam theo quy định của Bộ Công Thương; đáp ứng các quy định về xuất xứ đối với hàng hóa đặc biệt trong VKFTA; có C/O KV in dòng chữ “Article 3.5” tại ô số 8 do cơ quan Hải quan Hàn Quốc cấp.

Những thuế suất ưu đãi trong Biểu thuế này sẽ được chính thức thực hiện từ 20/12/2015.

Theo Bộ Tài chính, phía Hàn Quốc sẽ mở cửa thêm 500 mặt hàng, nâng tổng số dòng thuế tự do hóa lên 11.600 dòng thuế (chiếm 95,4% tổng Biểu thuế). Đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như: tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, sản phẩm nông nghiệp và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...

Một số mặt hàng dệt may, quần áo nguyên chiếc xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ được xóa bỏ toàn bộ thuế quan ngay trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định.

Đặc biệt, Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường, xóa bỏ thuế quan có lộ trình đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như hoa quả tươi, chế biến (thuế suất khoảng 30% đến 50%); một số rau quả nhiệt đới và nhất là những mặt hàng như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang, đỗ đỏ... (thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241% đến 420% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc).

Các sản phẩm dệt may, giầy dép xuất khẩu sang Hàn Quốc của Việt Nam cũng được xóa bỏ ngay từ 10%-13% xuống còn 0% vào năm 2016. Riêng với mặt hàng tôm, Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% đối với 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm.

Các mặt hàng tiêu dùng (mỹ phẩm), đồ điện gia dụng (máy lạnh, tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng...) cũng sẽ được cắt giảm thuế quan với lộ trình từ 7 đến 10 năm.

Về thuế nhập khẩu, Việt Nam đã cam kết mở cửa thêm với Hàn Quốc đối với 200 dòng thuế theo lộ trình 15 năm, chiếm 5,9% tổng kim ngạch nhập khẩu, góp phần nâng số dòng thuế cam kết cắt giảm thuế quan với Hàn Quốc lên 8.520 dòng thuế.

Danh mục 200 mặt hàng cam kết mở cửa song phương với Hàn Quốc chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp, như: nguyên phụ liệu dệt, may; nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện, dòng xe tải từ 10-20 tấn và xe con từ 3.000cc trở lên...

Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, góp phần giảm chi phí đầu vào sản xuất, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác. Đây là một trong những định hướng tái cơ cấu nền kinh tế và là một trong những mục tiêu của Việt Nam khi ký FTA này./.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015. Bộ Công Thương cho biết, thương mại hai chiều đã tăng hơn 57 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 28,8 tỷ USD năm 2014. Năm 2014, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20/10/2015, Hàn Quốc dẫn đầu 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với 4.777 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 43,6 tỷ USD. Hiện có gần 3.000 công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, sử dụng trên 400.000 lao động với các cơ sở sản xuất quy mô lớn như thiết bị điện tử và thép.