Cụ thể, theo quy định của Luật Đầu tư công, các dự án không khống chế tổng mức đầu tư, mà chỉ cần sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên là thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Vì thế, để khắc phục những phát sinh trong thực tế về tiêu chí về vốn đầu tư, Nghị định đã quy định các nội dung nhằm hướng dẫn thực hiện chuyển tiếp trong một số trường hợp sau:

- Các dự án đang thực hiện có tổng mức đầu tư trên hoặc dưới 35.000 tỷ đồng, nhưng sử dụng vốn nhà nước từ 10.000 tỷ đồng trở lên và chưa đến 11.000 tỷ đồng; theo Nghị quyết số 49/2010/QĐ12, chưa thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia; nhưng khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, có tiêu chí về vốn thuộc dự án quan trọng quốc gia.

- Các dự án (chủ yếu thuộc nhóm A), sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư có tiêu chí vốn thuộc dự án quan trọng quốc gia (ví dụ các dự án đường sắt đô thị thuộc Tp. Hà Nội và Hồ Chí Minh).

- Các dự án đầu tư ra nước ngoài có tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên, nhưng không sử dụng vốn nhà nước đến 7.000 tỷ đồng; trước đây, theo Nghị quyết số 49 thì không thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia; nhưng khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực (từ ngày 01/07/2015), sẽ thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia.

Về lựa chọn tư vấn thẩm tra dự án, công trình quan trọng quốc gia, Nghị định lần này cũng kế thừa Nghị định số 03/2013/NĐ-CP, ngày 04/01/2013 quy định rõ ràng hơn việc thuê tư vấn thẩm tra đối với các dự án quan trọng quốc gia, việc thanh quyết toán cho tư vấn thẩm tra, đảm bảo tuân thủ quy định và tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Điểm nổi bật là Nghị định cũng bỏ nội dung hướng dẫn quy định về việc quy đổi vốn đầu tư theo hệ số trượt giá để xác định dự án quan trọng, nhằm đảm bảo tiêu chí vốn đầu tư không chênh lệch quá nhiều qua các năm như tại Điều 3, Nghị định số 03/2013/NĐ-CP. Bởi, nội dung này đã được quy định rõ tại Điều 11, Luật Đầu tư công.

Về tổ chức và phương thức làm việc của Hội đồng thẩm định nhà nước, Nghị định đã kế thừa và làm rõ hơn một số quy định trong Nghị định số 03, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư 2014.

Nghị định đã nêu rõ cách thức tổ chức và phương thức hoạt động của Hội đồng thẩm định nhà nước; hồ sơ, thủ tục trình thẩm định và nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia; thuê tư vấn thẩm tra và chi phí thẩm định, thẩm tra dự án quan trọng quốc gia.

Trong đó, Hội đồng thẩm định nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo từng dự án có nhiệm vụ tổ chức thẩm định các dự án quan trọng quốc gia (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi) để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.

Hội đồng thẩm định nhà nước gồm: Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên khác của Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan liên quan do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thẩm định và các hoạt động thẩm định theo nhiệm vụ được giao; ý kiến đánh giá kết quả thẩm định, kết luận và kiến nghị của Hội đồng thẩm định nhà nước về các nội dung của dự án quan trọng quốc gia.

Hội đồng thẩm định nhà nước có quyền xem xét, quyết định các vấn đề về nội dung, chương trình và kế hoạch công tác của Hội đồng và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình thẩm định dự án quan trọng quốc gia.

Bên cạnh đó, yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các tài liệu liên quan trong quá trình thẩm định dự án quan trọng quốc gia, thanh toán các chi phí thẩm tra, thẩm định theo dự toán và tiến độ thực hiện công việc thẩm định đã được phê duyệt; yêu cầu nhà thầu tư vấn cung cấp các tài liệu liên quan trong quá trình thẩm tra dự án quan trọng quốc gia.

Hội đồng thẩm định nhà nước làm việc theo chế độ tập thể dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng. Phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước được coi là hợp lệ khi có ít nhất 50% số thành viên tham dự (kể cả người được uỷ quyền).

Các ý kiến kết luận được thống nhất theo nguyên tắc đa số. Trường hợp tỷ lệ biểu quyết là 50/50 trên số thành viên Hội đồng (bao gồm cả số có mặt tại phiên họp và số biểu quyết bằng văn bản gửi đến Hội đồng), vấn đề được thông qua theo ý kiến đã biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.

Kết luận cuối cùng thông qua các nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua. Ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước được thực hiện bằng cách biểu quyết tại cuộc họp hoặc bằng văn bản gửi đến Hội đồng thẩm định nhà nước./.