TP Biên Hòa là đô thị loại I

Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Biên Hòa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai.

Theo quy định phân loại đô thị hiện nay, đô thị loại I là những đô thị giữ vai trò trung tâm quốc gia hoặc trung tâm vùng lãnh thổ liên tỉnh. Tiêu chí xác định thành phố là đô thị loại I gồm:

1- Đô thị với chức năng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ liên tỉnh hoặc của cả nước.

2- Quy mô dân số toàn đô thị từ 1 triệu người trở lên đối với đô thị trực thuộc trung ương và từ 500 ngàn người trở lên đối với đô thị trực thuộc tỉnh.

3- Mật độ dân số nội đô bình quân từ 12.000 người/km² trở lên đối với đô thị trực thuộc trung ương và từ 10.000 người/km² trở lên đối với đô thị trực thuộc tỉnh.

4- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động ở khu vực nội đô từ 85% trở lên.

5- Có cơ sở hạ tầng được xây dựng nhiều mặt đồng bộ và hoàn chỉnh.

Đối chiếu với các tiêu chuẩn trên thì thành phố Biên Hòa đạt 88,6/100 điểm. Việc nâng cấp đô thị Biên Hòa từ loại II lên loại I sẽ giúp địa phương này có cơ chế về vốn cũng như tập trung các giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại để tiếp tục phát triển.

Nghiên cứu điều chỉnh mức trợ cấp đối với TNXP

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong.

Trước đó, Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó có kiến nghị điều chỉnh tăng mức trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong (TNXP) hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương.

Việc điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với TNXP đã được quy định tại các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch của Bộ. Tuy nhiên, theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2014 (Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 04/10/2014) mức chuẩn này mới chỉ áp dụng đối với các đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thuộc hộ nghèo, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không có nguồn nuôi dưỡng, đối tượng sống trong cơ sở bảo trợ xã hội. Các đối tượng khác vẫn hưởng mức trợ cấp như trước khi ban hành Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.

Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất với các Bộ liên quan trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện đối với TNXP được hưởng trợ cấp điều chỉnh như các đối tượng đã được điều chỉnh.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức trợ cấp hàng tháng và thời gian điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương.

Bổ sung dự án phân bón phức hợp Cà Mau vào quy hoạch

Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án sản xuất phân bón phức hợp của Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau công suất 300.000 tấn/năm vào Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối mặt hàng phân bón giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2025.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư và các pháp luật khác có liên quan.

Trước đó, Bộ Công Thương đã rà soát và đánh giá Dự án sản xuất phân bón phức hợp của Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau các khía cạnh về cung cầu, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và xuất khẩu sản phẩm sang Campuchia, địa điểm và hạ tầng cơ sở của dự án đã có sẵn tại Nhà máy Đạm Cà Mau và thuận lợi cho việc vận chuyển cung cấp cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bằng đường sông. Công nghệ sản xuất sử dụng Ure nóng chảy tận dụng được ưu thế của Công ty, sản phẩm chất lượng cao, hàm lượng dưỡng chất cao, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Dự án nêu trên phù hợp với tiêu chí của quy hoạch trong ngành hóa chất do lượng phân bón NPK có chất lượng tốt chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường hiện nay cũng như các năm sắp tới nên việc bổ sung vào Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam và Quy hoạch ngành phân bón là cần thiết.

Điều chỉnh tiến độ Dự án xây dựng Trường Đại học Công đoàn cơ sở 2

Thủ tướng Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Công đoàn cơ sở 2 tại Hưng Yên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án, thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư các nội dung liên quan, hoàn thành Dự án đúng tiến độ (năm 2018), bảo đảm hiệu quả Dự án và thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Công đoàn cơ sở 2 tại Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương và giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phê duyệt từ năm 2011.

Trong những năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện theo khả năng nguồn vốn huy động hàng năm, trong đó ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cho giáo dục. Tuy nhiên với nhu cầu vốn còn lại của Dự án 128 tỷ đồng trong khi tổng vốn ngành giáo dục đào tạo phân bổ cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trung bình là 75 tỷ đồng/năm thì việc kéo thời gian thực hiện đến hết năm 2018 là cần thiết.

Truyền thông “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án truyền thông về phát triển Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu của Đề án nhằm tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Phong trào với các hình thức phong phú, đa dạng; góp phần củng cố, nâng cao nhận thức về Phong trào và trách nhiệm thực hiện Phong trào của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về nội dung, ý nghĩa thiết thực của Phong trào nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa trong gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; góp phần xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đề án sẽ triển khai nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Phong trào; thông tin, tuyên truyền về thực hiện các phong trào xây dựng: “Người tốt, việc tốt”; “Gia đình văn hóa”; “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương; “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.

Đồng thời, thông tin, tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm về những điển hình tiên tiến trong việc thực hiện Phong trào: “Gương sáng văn hóa”; “Gia đình văn hóa” tiêu biểu; “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” tiêu biểu và tương đương; “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” tiêu biểu; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” tiêu biểu; “Doanh nhân văn hoá” tiêu biểu.

Giải pháp mà Đề án đưa ra là hình thành mạng lưới thông tin, tuyên truyền về Phong trào trong hệ thống Ban Chỉ đạo các cấp; làm đầu mối cung cấp và tiếp nhận thông tin, nội dung tuyên truyền về Phong trào; định hướng, kết nối các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Phong trào trên phạm vi cả nước.

Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương cùng tham gia vào các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Phong trào; cổ vũ các cá nhân, gia đình, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào; phản ánh những vướng mắc trong việc công nhận các danh hiệu văn hóa; tuyên truyền sâu rộng, tạo dư luận xã hội lành mạnh, thúc đẩy thực hiện Phong trào.

Cùng với đó là tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Phong trào mang tính xã hội rộng rãi; tuyên truyền về Phong trào thông qua hình thức văn nghệ cổ động...

Thêm thời gian hoạt động Chương trình hỗ trợ quốc tế và Quỹ ủy thác ISG

Thủ tướng Chính phủ đồng ý gia hạn thời gian hoạt động của Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) và Quỹ ủy thác ISG của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến hết năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo hoạt động và phê duyệt kế hoạch hàng năm của ISG; cân đối phân bổ ngân sách cho hoạt động của Văn phòng ISG từ nguồn vốn đối ứng trong phạm vi dự toán ngân sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao hàng năm.

Đồng thời chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động, sử dụng và quản lý Quỹ uỷ thác ISG theo đúng mục tiêu, chức năng nhiệm vụ của Quỹ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Chương trình ISG và Quỹ ủy thác ISG được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập năm 2000 và gia hạn 5 năm một lần. Chương trình ISG và Quỹ ủy thác ISG là bộ phận hỗ trợ các hoạt động hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tiếp nhận các nguồn tài trợ không hoàn lại của các đối tác quốc tế cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai các nghiên cứu, đào tạo, xây dựng năng lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

ISG đã đóng góp tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc tế của ngành nông nghiệp; là cơ chế phù hợp để triển khai hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đối tác quốc tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2016-2020 ISG sẽ tiếp tục duy trì vai trò là diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao hỗ trợ các chương trình nghị sự và ưu tiên lớn của ngành nông nghiệp; là công cụ chia sẻ thông tin với các đối tác quốc tế, các doanh nghiệp tư nhân và kết nối cộng đồng quốc tế với các chủ thể ngành liên quan. Quỹ uỷ thác ISG sẽ là phương tiện hỗ trợ cho hoạt động của ISG để huy động đóng góp của các nhà tài trợ cho hoạt động của ISG.

Đảm bảo tiến độ thống kê thành viên hộ gia đình tham gia BHYT

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về chuyển phát giao dịch điện tử và thống kê thành viên hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế.

Để thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân và việc thống kê, cập nhật danh sách thành viên hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế theo đúng quy định, bảo đảm tiến độ, chất lượng và làm căn cứ cấp mã định danh cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, phục vụ cho việc quản lý của ngành bảo hiểm xã hội thuận tiện và chặt chẽ, Phó Thủ tướng đồng ý Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hỗ trợ UBND cấp xã thực hiện rà soát, đối chiếu và cập nhật thông tin về danh sách thành viên hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế để UBND cấp xã lập danh sách tham gia bảo hiểm y tế gửi bảo hiểm xã hội theo quy định.

Nhằm tiếp tục duy trì và phát huy các kết quả đã đạt được của giai đoạn thí điểm nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện để thực hiện việc nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên toàn quốc giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp./.