Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh kinh tế của Việt Nam hiện nay, nền kinh tế phát triển chưa ổn định, dự trữ ngoại hối mỏng, vốn ngoại tệ vẫn thiếu phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trong nước.

Mặt khác, nước ta mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình tự do hóa tài khoản vốn, việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cần được quản lý rất chặt chẽ và thận trọng nhằm tránh tác động gây xáo trộn thị trường ngoại hối, ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá, tránh tác động bất lợi lên cán cân thanh toán quốc tế và cân đối kinh tế vĩ mô nói chung.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư gián tiếp còn nhằm mục đích bảo vệ nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro kinh doanh khi đầu tư vào các lĩnh vực nhiều biến động và khó kiểm soát trên thị trường tài chính quốc tế.

Nhà đầu tư là cá nhân có quốc tịch Việt Nam chỉ được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới hình thức tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài.

Theo giải trình của Ngân hàng Nhà nước, thì trên thực tế thời gian qua, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có đề nghị với Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng chương trình thưởng cho nhân viên, người lao động Việt Nam bằng cổ phiếu do công ty mẹ của doanh nghiệp đó phát hành ở nước ngoài (gọi tắt là chương trình cổ phiếu thưởng).

Chương trình cổ phiếu thưởng có thể được thực hiện dưới 2 hình thức: (i) Nhân viên, người lao động Việt Nam được nhận phần thưởng bằng cổ phiếu được phát hành ở nước ngoài; (ii) Nhân viên, người lao động Việt Nam được hưởng quyền mua cổ phiếu ở nước ngoài với cơ chế ưu đãi nhất định.

Về bản chất, đây là hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Tuy nhiên, đây là chế độ ưu đãi của tổ chức nước ngoài dành cho người lao động Việt Nam, rủi ro từ hoạt động này là rất thấp và đây cũng là quyền lợi hợp pháp của cá nhân người lao động.

Do đó, đối với nhà đầu tư là cá nhân, Nghị định quy định chỉ cho phép thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới hình thức tham gia chương trình cổ phiếu thưởng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng theo Nghị định này, hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh tế được thực hiện theo phương thức: Tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và Ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Tổ chức tự doanh, tổ chức nhận ủy thác được đầu tư gián tiếp ở nước ngoài theo hình thức: Trực tiếp mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác ở nước ngoài; đầu tư thông qua việc mua, bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ở nước ngoài, ủy thác đầu tư cho các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể về loại, tiêu chí lựa chọn công cụ đầu tư ở nước ngoài trong từng thời kỳ. Nhà đầu tư chỉ được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài vào các công cụ đầu tư do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

Tổ chức tự doanh, tổ chức nhận ủy thác là ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp chỉ được tự doanh đầu tư, nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài vào công cụ đầu tư là trái phiếu, các công cụ trên thị trường tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

Về nguồn vốn, Nghị định quy định, tổ chức tự doanh (trừ ngân hàng thương mại và công ty tài chính tổng hợp) được sử dụng ngoại tệ tự có trên tài khoản và ngoại tệ mua từ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối tại Việt Nam theo hạn mức tự doanh được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký để thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Tổ chức ủy thác (trừ ngân hàng thương mại và công ty tài chính tổng hợp) chỉ được sử dụng ngoại tệ tự có trên tài khoản để thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua hình thức ủy thác cho tổ chức nhận ủy thác.

Ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp tự cân đối nguồn ngoại tệ để thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài trên cơ sở đảm bảo tuân thủ quy định về trạng thái ngoại tệ, các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Nhà đầu tư không được sử dụng nguồn vốn vay bằng đồng Việt Nam từ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để mua ngoại tệ đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Nhà đầu tư không được sử dụng nguồn vốn vay ngoại tệ trong nước và nước ngoài để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài trừ tổ chức kinh tế do nhà nước sở hữu từ 65% vốn điều lệ trở lên, tổ chức kinh tế khác thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài với tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng trở lên.

Nghị định quy định điều kiện chặt chẽ để tổ chức được tự doanh đầu tư ra gián tiếp ra nước ngoài gồm:

(i) Phải hoạt động có lãi trong 5 năm liền kề thể hiện trên báo cáo kiểm toán độc lập.

(ii) Phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Việt Nam.

(iii) Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán trong nước.

(v) Tuân thủ quy định hiện hành của pháp luật chuyên ngành về các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành (như tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN đối với TCTD và Thông tư 26/2013/TT-BTC đối với Công ty Chứng khoán, Công ty quản lý quỹ...).

(vi) Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước đối với các trường hợp sử dụng vốn nhà nước để tự doanh đầu tư ra nước ngoài (áp dụng đối với nhà đầu tư là tổ chức kinh tế có sở hữu vốn nhà nước).

(vii) Tuân thủ quy định về tỷ lệ đầu tư an toàn tại Điều 17 của Nghị định này./.