Phê chuẩn nhân sự UBND 2 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn nhân sự UBND 2 tỉnh: Thái Bình, Điện Biên nhiệm kỳ 2011- 2016.

Cụ thể, tại Quyết định 80/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với bà Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ.

Tại Quyết định 79/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với bà Cao Thị Hải để nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định 26/2015/NĐ-CP ngày 9/3/2015 của Chính phủ.

Tại Quyết định 2564/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với: Ông Hoàng Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; ông Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

Quảng Ninh thí điểm thi tuyển công chức cấp xã tập trung

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tổ chức thí điểm thi tuyển công chức cấp xã theo hình thức thi tập trung ở cấp tỉnh.

Theo quy định của Nghị định số 112/2011/NĐ-CP về công chức xã, phường, thị trấn thì việc thì tuyển công chức cấp xã do UBND cấp huyện tổ chức.

Tuy nhiên, số lượng cần tuyển hàng năm của từng huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh không nhiều (khoảng 10 người/năm). Do vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng được tổ chức thi tuyển công chức cấp xã theo hình thức tập trung ở cấp tỉnh, bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với thực tiễn.

Xét đề nghị của tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng đã đồng ý với đề nghị của tỉnh về việc tổ chức thí điểm thi tuyển công chức cấp xã theo hình thức thi tập trung ở cấp tỉnh.

Thủ tướng lưu ý việc tổ chức thi tuyển cần bảo đảm trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc quản lý công chức cấp xã.

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có đề nghị tương tự về việc tuyển dụng công chức cấp xã và đã được Thủ tướng cho phép thí điểm.

Tăng cường đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; tổng kết công tác đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2016 của Bộ Giao thông vận tải.

Thông báo kết luận nêu rõ, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra mục tiêu trọng tâm về phát triển các công trình kết cấu hạ tầng, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông vận tải có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững. Sau 4 năm triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngành Giao thông vận tải đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, về cơ bản đã hoàn thành vượt các mục tiêu phát triển, đặc biệt là việc hoàn thành các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên sớm hơn từ 12 tháng đến 18 tháng so với kế hoạch có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của các khu vực có Dự án đi qua và của cả nước.

Các thành tựu nêu trên của ngành Giao thông vận tải trong năm 2015 nói riêng và trong giai đoạn 2011 - 2015 nói chung là nền tảng quan trọng để ngành giao thông vận tải tiếp tục phát huy, xây dựng phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn 2016 - 2020.

Rà soát quy hoạch các lĩnh vực ngành GTVT

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập quốc tế, huy động nhiều hơn các nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhằm đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư.

Đồng thời tiếp tục rà soát, cập nhật chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trong tất cả các lĩnh vực ngành giao thông vận tải; rà soát, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật...

Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng giao thông lớn, có tính lan tỏa, làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội như các dự án đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không...

Chú trọng vận tải đa phương thức

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo nâng cao năng lực, hiệu quả của các phương thức vận tải, chú trọng vận tải đa phương thức, nhằm giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, đặt mục tiêu phấn đấu tiếp tục giảm tối đa số vụ, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông. Đặc biệt, vấn đề an ninh, an toàn hàng không phải được kiểm soát nghiêm ngặt.

Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA; tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư hạ tầng giao thông, vận tải. Trên cơ sở các chính sách hiện hành, các địa phương chủ động nghiên cứu phương án đầu tư các công trình hạ tầng trên địa bàn, kể cả các công trình có tổng mức đầu tư nhỏ, xây dựng cơ chế cho từng dự án để kêu gọi các nhà đầu tư.

EVN giữ nguyên mô hình BQL dự án đầu tư xây dựng

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc tổ chức, sắp xếp lại các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Thủ tướng Chính phủ cho phép EVN giữ nguyên mô hình các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng như hiện nay; việc thành lập mới Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương ban hành Thông tư để hướng dẫn việc thành lập mới hoặc tổ chức, sắp xếp lại các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.

Tháng 5 là "Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động"

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định lấy tháng 5 hằng năm là "Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động”.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương hướng dẫn, tổ chức “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động” bảo đảm thiết thực, hiệu quả với mục đích nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khoẻ người lao động.

Kinh phí tổ chức “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động” từ ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ quyết định “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động” bắt đầu tổ chức từ năm 2017.

Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại chung cư cao tầng

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam” do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ không hoàn lại từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF).

Dự án trên được thực hiện 4 năm với tổng hạn mức vốn 22.476.550 USD; trong đó, vốn ODA do GEF viện trợ không hoàn lại thông qua UNDP 3.198.000 USD, vốn đối ứng và đồng tài trợ của các cơ quan phía Việt Nam 19.278.550 USD

Mục tiêu của Dự án là giảm lượng phát thải Cacbon bằng cách nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mức giảm phát thải trực tiếp CO2eq ước tính khoảng 37.680 tấn CO2 tính đến thời điểm Dự án kết thúc và tổng lượng phát thải CO2 trực tiếp giảm được trong cả chu kỳ dự án là 236.382 tấn CO2eq. Mức giảm phát thải gián tiếp ước tính giảm 6% lượng phát thải hàng năm cộng dồn trong 10 năm sau khi Dự án kết thúc../.