Cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.

Chỉ thị nêu rõ, từ cuối năm 2014 đến nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài, thời tiết diễn biến bất thường, nhiều khu vực trong năm 2015 không có mưa lớn, lượng dòng chảy trên các sông, suối ở hầu hết các vùng đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, dung tích trữ ở nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện đến nay chỉ còn khoảng 30-50% dung tích thiết kế, thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm và thấp hơn năm 2015. Tại các tỉnh Nam Bộ, mùa mưa kết thúc sớm, dòng chảy trên hệ thống sông Cửu Long thấp nhất kể từ năm 1926, xâm nhập mặn sớm và sâu vào đất liền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Trong thời gian tới, tình hình khô hạn còn tiếp tục kéo dài, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước trên diện rộng tại các khu vực không có hệ thống thủy lợi hoặc chỉ có công trình thủy lợi nhỏ; Vụ Đông Xuân năm 2015 và năm 2016 hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt sẽ xảy ra gay gắt, khốc liệt hơn những tháng đầu năm 2015 tại nhiều địa phương ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay một số biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.

Đẩy nhanh thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện các nội dung tại Công điện số 32/CĐ-TW ngày 12/10/2015 của Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và Chỉ thị số 8718/CT-BNN-TCTL ngày 23/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, tích nước hồ chứa, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước và ngăn mặn.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là hệ thống kênh mương ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán. Chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa và hệ thống thủy lợi trên địa bàn; tính toán cân bằng nước, rà soát, bổ sung phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, thiếu nước sang cây trồng cạn hoặc dừng canh tác; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc và các ngành công nghiệp, dịch vụ, tưới cây công nghiệp lâu năm...

Không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi

Các địa phương thuộc khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ chỉ đạo lấy nước tập trung khi các hồ chứa thủy điện tăng cường xả nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông-Xuân, bảo đảm đúng thời vụ và tận dụng các ao hồ và hệ thống kênh trục lớn để chứa nước, tích nước chuẩn bị cho tưới dưỡng.

Khu vực miền Trung và các vùng cao, vùng ven biển thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô phải chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống hạn; chủ động xây dựng phương án và giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, triển khai các biện pháp chủ động phòng chống mặn xâm nhập sâu và kéo dài; áp dụng các biện pháp kỹ thuật về thủy lợi và canh tác lúa để hạn chế tác hại do nhiễm mặn; hướng dẫn nông dân chỉ gieo cấy lúa ở những nơi có đủ nguồn nước tưới.

Thường xuyên kiểm tra, cân đối nguồn nước

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch, phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; tổ chức dự báo chuyên ngành, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và hiện tượng mùa đông ấm ở khu vực phía Bắc.

Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, hướng dẫn điều tiết nước của các hồ chứa thủy lợi, quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi, ao, đầm, vùng trũng; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước, xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế khác.

Bên cạnh đó tăng cường hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả để các địa phương, doanh nghiệp và người dân áp dụng; hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa theo hướng sử dụng tiết kiệm nước để đối phó hiệu quả với tình trạng nắng nóng và khô hạn kéo dài, chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh trên lúa và rau màu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, đặc biệt là tình hình mưa, dòng chảy, kịp thời cung cấp thông tin về khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và các địa phương để chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng phương án cụ thể chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt; tăng cường sử dụng các nguồn điện khác như điện than, khí để dành nước cho các hồ chứa phục vụ chống hạn; ưu tiên bảo đảm cung cấp điện cho các trạm bơm nước phòng, chống hạn.

Hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng xảy ra hạn hán

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ.

Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tổng hợp nhu cầu hỗ trợ chống hạn của các địa phương, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Công điện chấn chỉnh tình trạng "xe dù, bến cóc"

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng "xe dù, bến cóc" trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Nội dung công điện như sau:

Trong thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, nhờ đó hoạt động vận tải hành khách trên cả nước bước đầu đã đạt được kết quả tích cực; ý thức của phần lớn lái xe, chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải được nâng lên. Tuy nhiên, trên một số tuyến đường quốc lộ và đường địa phương, nhất là trên tuyến Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai… vẫn còn tình trạng "xe dù, bến cóc", xe chở khách núp bóng xe hợp đồng, hoạt động đón, trả khách trái quy định của pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để tiếp tục chấn chỉnh tình trạng "xe dù, bến cóc" trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Công an: Tiếp tục triển khai các lực lượng để duy trì thực hiện có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, nhất là hiện tượng thao túng, bảo kê hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô.

2. Bộ Giao thông vận tải: Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải phối hợp với Cảnh sát giao thông và lực lượng chức năng tại các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động vận tải hành khách tại các địa điểm có hiện tượng "xe dù, bến cóc"; tiến hành thanh tra các doanh nghiệp vi phạm; chỉ đạo sử dụng dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để làm cơ sở xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, nhất là đối với hành vi kinh doanh vận tải hành khách trái phép, hoạt động sai hành trình tuyến đã đăng ký, dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông: Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; biểu dương trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt quy định về hoạt động vận tải hành khách.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban An toàn giao thông cấp tỉnh: Trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê hoạt động vận tải hành khách tại địa phương.

5. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; tư vấn cho các doanh nghiệp vận tải tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội.

6. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện Công điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thành lập BCĐ Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012 - 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012 - 2020.

Cụ thể, kiện toàn, thay thế, bổ sung một số thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012-2020 để thực hiện Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012-2020, theo đó, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo.

Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm: Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 là chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm để thực hiện các mục tiêu của Chương trình phát triển đô thị Quốc gia; chỉ đạo tập huấn, hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình phát triển đô thị của tỉnh, thành phố và đô thị trực thuộc; chỉ đạo phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 7/11/2012 và Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 30/12/2013.

Đồng thời, chỉ đạo phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước theo thẩm quyền xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các nhiệm vụ tại 2 Quyết định ở Trung ương và địa phương./.