Thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 11/9/2009 của Chính phủ và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (kèm theo Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 11/9/2009) và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Các văn bản nêu trên đã được các cấp, các ngành và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức, viên chức đối với công tác thanh niên; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Tuy nhiên, qua rà soát việc triển khai, thực hiện còn một số hạn chế, bất cập, như: Công tác ban hành chính sách, pháp luật đối với thanh niên; việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện của một số bộ, cơ quan ở Trung ương và địa phương còn chậm, chưa bám sát yêu cầu thực tiễn; có nơi chưa thực hiện việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương; công tác phối hợp liên ngành về thanh niên và công tác thanh niên ở các cấp, các ngành còn thiếu chặt chẽ.

Để tăng cường việc thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP của Chính phủ và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam từ nay đến năm 2020, khắc phục các thiếu sót trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các bộ, ngành, địa phương) căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 45/NQ-CP, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Khi xây dựng kế hoạch cần thể hiện rõ các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện, kết quả đạt được hàng năm và giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thanh niên cho phù hợp, gắn với các chỉ tiêu phát triển ngành, lĩnh vực; xem kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển thanh niên là một trong những chỉ số đánh giá sự phát triển của từng địa phương, đơn vị và của cả nước. Khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ, đề án, dự án nêu trong Nghị quyết số 45/NQ-CP và trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam; ưu tiên bố trí kinh phí, nguồn lực để triển khai, thực hiện.

Đồng thời, tập trung đẩy nhanh việc ban hành chính sách, pháp luật đối với thanh niên; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh niên ở các cấp, các ngành; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác thanh niên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra của bộ, ngành, địa phương đối với việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ lãnh đạo, đảng viên về vị trí, vai trò của thanh niên và công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên. Bộ Nội vụ giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Phạm vi quy hoạch là khu vực trung du và đồng bằng hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, bao gồm địa phận 15 tỉnh, thành phố là: Hoà Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên.

Mục tiêu chung của quy hoạch là chủ động phòng, chống lũ, bão trên lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng; làm cơ sở để lập và điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác có liên quan trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện quản lý, điều hành công tác phòng, chống lũ, bão và xây dựng kế hoạch đầu tư các công trình phòng, chống lũ, bão, công trình đê điều trong trung, dài hạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu cụ thể là xác định mức bảo đảm phòng, chống lũ cho vùng đồng bằng hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; xác định lũ thiết kế của tuyến sông có đê gồm lưu lượng lũ và mực nước lũ thiết kế.

Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo phòng, chống lũ theo tiêu chuẩn thiết kế cho hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; đề xuất giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả bãi sông phù hợp với quy định của Luật Đê điều và các quy định pháp luật có liên quan phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo điều kiện ổn định đời sống dân cư hiện có ở vùng bãi sông trên nguyên tắc bảo đảm an toàn đê điều, không ảnh hưởng lớn đến thoát lũ, chủ động dành không gian cho phát triển trong tương lai và ứng phó với những bất thường chưa lường hết được; đề xuất phương án quy hoạch hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt trên toàn vùng đồng bằng và trung du sông Hồng, sông Thái Bình và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch, dự kiến những hạng mục ưu tiên, ước tính nguồn lực để thực hiện.

Theo quy hoạch, giai đoạn từ năm 2016 - 2030, tập trung cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều; hoàn thiện quy trình vận hành các hồ chứa lớn ở thượng lưu; hoàn thiện mặt cắt đê, tu bổ nâng cấp chất lượng đê và công trình dưới đê; nâng cấp hạ tầng và trang thiết bị phục vụ công tác quản lý đê điều; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn; chỉnh trị cửa sông Đuống; chỉnh trị đoạn sông Hồng qua khu đô thị trung tâm thành phố Hà Nội.

Trong đó giai đoạn đến năm 2020, ưu tiên thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê điều; nâng cấp đê vùng hạ du hệ thống sông Thái Bình, gồm: sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Văn Úc, sông Gùa, sông Mía, sông Mới, sông Lạch Tray, sông Đá Bạch, sông Rạng, sông Kinh Môn và sông Cấm; nâng cấp đê bảo vệ Thủ đô Hà Nội và các đô thị tập trung đông dân cư; xây dựng trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai, quản lý hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; nghiên cứu xây dựng công trình chỉnh trị đoạn cửa vào sông Đuống; chỉnh trị sông Hồng đoạn qua khu đô thị trung tâm của Hà Nội.

Sau năm 2030, tiếp tục hoàn thiện mặt cắt, nâng cao chất lượng thân, nền đê, cải tạo hệ thống đê kết hợp giao thông; cải tạo lòng dẫn tăng cường thoát lũ...

Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại cho công chức ngoại vụ địa phương

Đề án Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ, biên phiên dịch cho công chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2020, 100% công chức (theo phân công nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan ngoại vụ địa phương) được trang bị kiến thức đối ngoại nâng cao và nâng cao nghiệp vụ ngoại giao chuyên môn như: lãnh sự, lễ tân và tổ chức sự kiện đối ngoại, thông tin báo chí, công tác biên giới lãnh thổ, văn hoá đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và các kỹ năng như: đàm phán, soạn thảo văn bản đối ngoại, xúc tiến hợp tác đầu tư nước ngoài.

90% lãnh đạo ngoại vụ có trình độ ngoại ngữ đảm bảo yêu cầu công tác đối ngoại; mỗi tỉnh thành có tối thiểu 2 cán bộ được bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng biên phiên dịch cao cấp tiếng Anh; mỗi tỉnh có ít nhất 3 biên phiên dịch thông thạo ngoại ngữ của nước có chung biên giới là tiếng Campuchia, tiếng Lào và tiếng Trung.

Nội dung chương trình bồi dưỡng gồm: Bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ đối ngoại cơ bản và nâng cao trình độ ngoại ngữ chung cho công chức ngoại vụ chưa được tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2011-2015 và công chức mới tuyển dụng; bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ đối ngoại nâng cao và chuyên sâu đối với công chức ngoại vụ đã hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2010 đến 2015; bồi dưỡng và đào tạo biên phiên dịch cao cấp.

Nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là xây dựng tiêu chí đánh giá hợp lý, bảo đảm chất lượng các chương trình bồi dưỡng công chức ngoại vụ; thường xuyên tiến hành kiểm điểm, đánh giá chất lượng công tác bồi dưỡng; bảo đảm tính quy hoạch trong công tác bồi dưỡng công chức ngoại vụ.

Bên cạnh đó, đổi mới, cải tiến phương thức, nội dung và chương trình bồi dưỡng theo hướng đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng, tăng cường thực hành; bám sát nhu cầu đối ngoại của các tỉnh, thành trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế.

Tập trung xây dựng, tuyển chọn đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, các cán bộ có nhiều kinh nghiệm công tác, các chuyên gia đầu ngành của Bộ Ngoại giao, của Ban Đối ngoại Trung ương và một số Bộ, ban, ngành khác, các giảng viên thỉnh giảng có kinh nghiệm từ các cơ quan đối ngoại khác, các chuyên gia ngôn ngữ nước ngoài.

Củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại cho các cơ sở đào tạo của Bộ Ngoại giao. Nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc cử công chức đi bồi dưỡng. Các địa phương lập kế hoạch, quy hoạch bồi dưỡng hàng năm và 5 năm; kết hợp chặt chẽ giữa tuyển dụng, bồi dưỡng với quy hoạch và sử dụng cán bộ.

Miễn tiền thuê đất trồng cao su tái canh

Thủ tướng Chính phủ đồng ý miễn tiền thuê đất đối với diện tích trồng cây cao su tái canh trong thời gian kiến thiết cơ bản từ năm 2015 đến năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn địa phương thực hiện việc miễn tiền thuê đất nêu trên theo quy định; Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thực hiện./.