Thủ tướng yêu cầu thanh toán cơ bản các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết ngày 31/12/2014.

Từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản. Nếu để phát sinh các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản từ 1/1/2015, các Bộ, ngành và địa phương bị xử lý vi phạm theo các quy định của Luật Đầu tư công.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tổ chức lập kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 nguồn vốn ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ theo nguyên tắc: phải nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại các Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội; không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu để đảm bảo nguồn vốn cho các công trình thực sự cần thiết, không xé lẻ vốn cho nhiều chương trình.

Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, sẽ cắt 14/16 chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát và tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/7/2015./.

Với 88,35% số đại biểu tán thành, sáng 18/6/2014, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Đầu tư công. Luật Đầu tư công gồm có 6 chương, 108 điều có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Việc ban hành luật này sẽ góp phần hoàn thiện, tạo ra hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ trong tất cả các khâu, các hoạt động và quá trình quản lý đầu tư công của tất cả các nguồn vốn đầu tư công.

Đặc biệt, Luật được ban hành nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác kế hoạch đầu tư. Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư 5 năm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó phù hợp với các mục tiêu và định hướng phát triển trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm; bảo đảm cân đối vốn đầu tư với các cân đối lớn của nền kinh tế trong phạm vi cả nước, từng ngành, địa phương; tạo sự chủ động cho các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương biết rõ được nguồn lực đầu tư công trong kế hoạch 5 năm để quyết định đầu tư đúng đắn và hiệu quả; góp phần tích cực vào phòng chống tham nhũng, cửa quyền trong bộ máy Nhà nước các cấp.