Chính sách với công dân khi đăng ký nghĩa vụ quân sự

Công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự; khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện được hưởng nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.

Đây là một trong những nội dung tại Nghị định quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Cũng theo Nghị định, công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự; khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện được đảm bảo các chế độ: Tiền ăn bằng mức tiền một ngày ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh; thanh toán tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.

Về nguyên tắc hưởng chế độ, thời gian đi, về và thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc khám, kiểm tra sức khỏe từ 4 giờ trở lên trong ngày được tính cả ngày; dưới 4 giờ trở xuống tính 1/2 ngày.

Công dân làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự; khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chi trả.

Công dân không thuộc các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự do Ban Chỉ huy quân sự cấp xã chi trả và thanh quyết toán với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

Công dân không thuộc cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện do Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện chi trả.

Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự

Để triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật này.

Một trong những nội dung của Kế hoạch là rà soát các vụ án hình sự và đối tượng thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 109/2015/QH13 để thực hiện việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích cho người bị kết án. Công tác này được thực hiện ngay sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được công bố (ngày 09/12/2015) và hoàn thành trước ngày 29/02/2016.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân tiến hành rà soát các vụ án hình sự cơ quan, đơn vị mình đang thụ lý để xem xét khởi tố, điều tra mà bị can thuộc diện không bị xử lý hình sự theo quy định tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 và đình chỉ điều tra đối với bị can đó.

Bên cạnh đó, rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện được chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân hoặc được miễn chấp hành hình phạt theo quy định mà cơ quan, đơn vị mình đang quản lý và lập hồ sơ trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân hoặc làm thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt cho họ, đồng thời, gửi danh sách các đối tượng được đề nghị miễn chấp hành hình phạt theo quy định cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia để cập nhật thông tin xóa án tích đương nhiên vào Lý lịch tư pháp của người bị kết án đó.

Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, các Sở Tư pháp tiến hành rà soát các đối tượng người bị kết án phạt tiền thuộc diện được miễn chấp hành hình phạt theo quy định và làm thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt tiền cho họ; rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện đương nhiên được xóa án tích theo quy định và cập nhật thông tin vào Lý lịch tư pháp của người đó và cấp Phiếu lý lịch tư pháp ghi “không có án tích” cho họ khi có yêu cầu.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật

Cũng theo kế hoạch, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan sẽ biên soạn tài liệu và tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, tập huấn về Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nội dung khác của Kế hoạch là rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Bộ luật Hình sự năm 2015 để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thi hành hiệu quả Bộ luật.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an rà soát Luật Thi hành án hình sự và các văn bản thi hành Luật; các văn bản quy phạm pháp luật khác trong lĩnh vực quản lý của mình có nội dung liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 để tự mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với Bộ luật.

Bộ Tư pháp rà soát các Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để đề nghị bãi bỏ; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý của mình có nội dung liên quan đến Bộ luật Hình sự năm 2015 để tự mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với Bộ luật; tổng hợp kết quả rà soát của các Bộ, ngành và xây dựng Báo cáo về Kết quả rà soát trình Thủ tướng Chính phủ...

28/8 là ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định lấy ngày 28/8 hằng năm là "Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam".

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc tổ chức Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả và tránh hình thức; giáo dục truyền thống, động viên phong trào thi đua lao động, công tác, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Đồng thời, biểu dương, khen thưởng bằng các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng ngành Thông tin và Truyền thông, gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông là một Bộ đa ngành, đa lĩnh vực quản lý, gồm: Báo chí, Xuất bản, Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin, Thông tin đối ngoại, Thông tin cơ sở... Nhưng hiện vẫn chưa có Ngày truyền thống của cả ngành Thông tin và Truyền thông, mới có Ngày truyền thống riêng của một số ngành trực thuộc như Bưu điện, Báo chí, Xuất bản...

Mới đây, Ban Lịch sử - Truyền thống của Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình lãnh đạo Bộ đề xuất lấy ngày 28/8 là Ngày truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông, với sở cứ đây là ngày Bác Hồ ký sắc lệnh đầu tiên năm 1945 thành lập các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Thông tin Tuyên truyền và Bộ Giao thông công chính, bao gồm nội hàm của Bộ Thông tin và Truyền thông bây giờ.

Được biết, 28/8/1945 là ngày Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo ra tuyên cáo trước quốc dân đồng bào cũng như toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam mới và công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia gồm các Bộ, ngành để đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử trước dân tộc. Trong số trên 10 Bộ, ngành được thành lập ngày 28/8/1945, có ngành Công tác văn phòng hành chính, ngành Tổ chức Nhà nước và các Bộ Thông tin - Tuyên truyền, Lao động, Tài chính, Tư pháp... Và kể từ đó tới nay, ngày 28/8 trở thành ngày truyền thống chung của các Bộ, ngành vừa nêu.

Thực hiện quyết liệt biện pháp chống hạn, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino mạnh, kéo dài, tình hình thời tiết, thiên tai trên phạm vi cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng diễn biến bất thường, cực đoan. Tại vùng ĐBSCL mùa mưa năm 2015 đến muộn, kết thúc sớm, tổng lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về thấp, xâm nhập mặn sớm, sâu hơn mọi năm (có nơi xâm nhập mặn sâu vào cửa sông 85 km); hạn hán, thiếu nước đã xảy ra ngay cả trong các tháng mùa lũ năm 2015. Những tháng đầu năm 2016, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Dự báo, năm 2016 nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn ở khu vực Nam Bộ, lượng dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông về khu vực ĐBSCL có nguy cơ thiếu hụt từ 20 - 40% so với trung bình nhiều năm, mực nước sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Vùng ĐBSCL có nguy cơ thiếu nước ngọt nghiêm trọng cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, việc triển khai các biện pháp chủ động phòng chống hạn, xâm nhập mặn là hết sức cấp bách.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần nhận thức rõ tính chất nghiêm trọng của đợt hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra để có chỉ đạo và thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời, hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Không để người dân bị đói, thiếu nước sinh hoạt do hạn hán

Các Bộ, ngành, địa phương tập trung chăm lo cho đời sống nhân dân với phương châm không để người dân bị đói, thiếu nước sinh hoạt và bùng phát dịch bệnh do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài. Chủ động giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sản xuất, đặc biệt bảo đảm cuộc sống của nhân dân, nhất là bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân với các biện pháp cụ thể phù hợp cho từng địa phương.

Kịp thời có các giải pháp cấp bách, có lộ trình, bước đi phù hợp, tầm nhìn dài hạn; chủ động, bình tĩnh kết hợp các biện pháp trên nhiều lĩnh vực, tăng cường quản lý, hợp tác quốc tế với các nước thượng nguồn sông Mê Công để giải quyết hài hòa về vấn đề dòng chảy trên lưu vực.

Các Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực ĐBSCL cần có ngay Chỉ thị về vấn đề phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn để chỉ đạo thống nhất, huy động hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó với hạn, xâm nhập mặn.

Các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp chống hạn, xâm nhập mặn, tranh thủ các điều kiện thuận lợi để lấy nước và trữ nước ngọt. Giao trách nhiệm này trực tiếp cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ban, ngành trên địa bàn.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo, thông tin kịp thời về nguồn nước, dòng chảy thượng nguồn, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong ngắn hạn, dài hạn làm cơ sở cho các cơ quan, địa phương triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn phù hợp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước, dự báo diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn để thông báo cho các địa phương làm cơ sở chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chế độ canh tác phù hợp với khả năng bảo đảm nguồn nước, ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc.

ĐBSCL được đánh giá là một trong những vùng chịu tác động mạnh, trực tiếp nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đồng thời các tác động từ thượng nguồn sông Mê Công, sụt lún nền đất do khai thác nước ngầm dẫn tới nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở ĐBSCL ngày càng gay gắt. Yêu cầu các Bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp bài bản thích nghi, ứng phó phù hợp.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu một cách bài bản, căn cơ để có biện pháp công trình và phi công trình chủ động ứng phó, nhất là ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đánh giá cụ thể các tác động của các dự án chuyển nước ở thượng nguồn sông Mê Công đến ĐBSCL, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát quy hoạch thủy lợi, quy hoạch sản xuất nông nghiệp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và sự thay đổi dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Công, chủ động chuyển đổi diện tích lúa không có khả năng đảm bảo nguồn nước sang cây trồng vật nuôi thích ứng với nước mặn, nước lợ; nghiên cứu giải pháp chuyển nước, trữ nước ngọt cho vùng ven biển, nhất là vùng Nam bán đảo Cà Mau; tiếp tục đầu tư xây dựng các trạm bơm theo Chương trình phát triển trạm bơm điện tại ĐBSCL./.