Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 22/6/2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 (Luật năm 2015).

Lý giải vì sao giờ mới hoàn thành và công bố Dự thảo Nghị định, Bộ Tư pháp cho biết, để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thống nhất trên toàn quốc Luật năm 2015 với nhiều quy định mới mang tính đột phá, Quốc hội đã quyết định dành thời gian hơn 1 năm để Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết, quy định chi tiết các điều, khoản được Luật giao.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Chính phủ được giao quy định chi tiết 7 vấn đề: ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật (Điều 8); dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài (Điều 9); đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh (Điều 35); đăng công báo và niêm yết văn bản quy phạm pháp luật (Điều 150); kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (Điều 165); rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (Điều 170); bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 171).

Bên cạnh đó, Chính phủ có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng chính sách và xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì trên thực tế, 90% các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội là do Chính phủ trình.

Việc tăng cường công tác xây dựng, hoạch định chính sách, tăng cường chất lượng của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Để thực hiện tốt công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời triển khai có hiệu quả các quy định của Luật năm 2015, Chính phủ cần phải quy định các biện pháp cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, như: xác định rõ quy trình chính sách trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, phương pháp lấy ý kiến đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy trình một văn bản sửa nhiều văn bản quy phạm pháp luật, vai trò, trách nhiệm, nguyên tắc hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập.

Theo định hướng đó, Bộ Tư pháp đã dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành các điều khoản được giao trong Luật năm 2015, bao gồm: ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; đăng công báo và niêm yết văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, Nghị định quy định một số biện pháp thi hành Luật năm 2015, như: tiêu chí và trình tự tiến hành thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; cách thức lấy ý kiến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập...

Để có thể đáp ứng được định hướng đặt ra, Nghị định hướng dẫn khá đồ sộ với 201 điều, được chia thành 10 chương.

Bố cục của dự thảo Nghị định được thiết kế theo tuần tự các bước trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lồng ghép các nội dung Luật giao quy định chi tiết và các biện pháp thi hành Luật (quy trình xây dựng nội dung chính sách, lấy ý kiến đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; soạn thảo, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản; đăng Công báo, niêm yết văn bản quy phạm pháp luật; dịch văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật)./.