Phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.

Mục tiêu hướng tới là hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ năng lực nghiệp vụ, góp phần củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Nâng cao hợp lý tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ở các cơ quan của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số nhưng không tăng số lượng biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao, phù hợp với Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; hình thành hệ thống thông tin, số liệu phản ánh thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.

Để đạt được mục tiêu trên, Đề án sẽ tiến hành nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách có tính đặc thù trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng; chế độ chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn, điều kiện trong quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; nghiên cứu, quy định chế độ, chính sách thu hút nhân tài, trọng dụng, đãi ngộ, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội phù hợp đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ và hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.

Cùng với đó là xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức theo 4 nhóm đối tượng: Đối tượng 1 (Lãnh đạo cấp tỉnh và tương đương); đối tượng 2 (Lãnh đạo cấp Sở và tương đương); đối tượng 3 (Lãnh đạo cấp Phòng và tương đương); đối tượng 4 (cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo).

Triển khai có hiệu quả các chính sách về thu hút, trọng dụng, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, địa phương...

Lựa chọn nhà thầu tư vấn lập đồ án xây dựng KKT Đông Nam Quảng Trị

Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc lựa chọn nhà thầu tư vấn lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế (KKT) Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013.

Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo thực hiện phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và quy định hiện hành về đấu thầu.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập KKT Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. KKT này có diện tích tự nhiên 23.792 ha nằm ở phía Đông Nam tỉnh Quảng Trị, bao gồm 17 xã, thị trấn là: Hải An, Hải Ba, Hải Vĩnh, Hải Quế, Hải Khê, Hải Dương (thuộc huyện Hải Lăng); Triệu An, Triệu Phước, Triệu Vân, Triệu Trạch, Triệu Lăng, Triệu Sơn (thuộc huyện Triệu Phong); Gio Quang, Gio Mai, Gio Hải, Gio Việt và thị trấn Cửa Việt (thuộc huyên Gio Linh).

KKT Đông Nam Quảng Trị bao gồm các khu chức năng như khu công nghiệp, khu hành chính, khu dân cư, khu du lịch, khu dịch vụ, khu cảng.

Mục tiêu phát triển chủ yếu của KKT Đông Nam Quảng Trị là khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế và chính trị trong giao thương, dịch vụ quốc tế và trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị, khu vực Trung Bộ nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách khu vực này với các vùng khác trong cả nước, kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

KKT Đông Nam Quảng Trị được xây dựng và phát triển trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Quảng Trị; cực phát triển quan trọng của vùng Trung Bộ; trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng, du lịch, thương mại dịch vụ; cảng biển lớn của vùng Trung Bộ; phát triển đô thị và những ngành kinh tế khác gắn với Hành lang kinh tế Đông Tây; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đô thị văn minh, kiến trúc tiên tiến.

Cổ phần hóa Trung tâm Tư vấn giám sát xây dựng CTGT Vĩnh Phúc

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý chuyển Trung tâm Tư vấn và Giám sát xây dựng công trình giao thông (CTGT) Vĩnh Phúc thành công ty cổ phần.

Phó Thủ tướng ủy quyền cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt phương án cổ phần hóa Trung tâm trên và chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Trung tâm Tư vấn và giám sát xây dựng công trình giao thông Vĩnh Phúc được thành lập ngày 06/01/2002. Trung tâm đã thực hiện đúng và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong hoạt động còn tồn tại một số hạn chế như: Trung tâm chỉ duy trì được hoạt động, không phát triển, không phát phát huy hết năng lực hiện có của cán bộ nhân viên của Trung tâm, bị hạn chế trong đấu thầu tư vấn, giám sát với các công trình do Sở giao thông làm chủ đầu tư, quỹ lương và chế độ đãi ngộ cho người lao động ngày càng hạn hẹp, khó khăn.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay, Trung tâm cần có sự cải tổ mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ. Để Trung tâm phát triển, nâng cao năng lực, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề nghị chuyển Trung tâm thành công ty cổ phần với tên gọi của Trung tâm sau khi chuyển đổi là: Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và Xây dựng giao thông Vĩnh Phúc. Công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy đăng ký kinh doanh, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của Công ty.

Ngành nghề kinh doanh chính là Tư vấn: lập dự án, thiết kế, quản lý, đấu thầu, thẩm định, thẩm tra thiết kế kỹ thuật và dự toán các công trình giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật; giám sát xây dựng các công trình; nghiên cứu, thí nghiệm và kiểm định đề tài khoa học áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; thi công xây dựng các công trình và kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng./.