Chính sách đối với binh sĩ dự bị hạng hai

Theo quy định mới của Chính phủ, trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, binh sĩ dự bị hạng hai được hưởng nhiều chế độ, chính sách.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai. Trong đó, Nghị định quy định đối tượng gọi tập trung huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Luật Nghĩa vụ quân sự.

Huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai phải đúng đối tượng, đủ số lượng và thời gian, đúng nội dung, chương trình quy định cho từng đối tượng; phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên và sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân.

Binh sĩ dự bị hạng hai được tuyển chọn, gọi tập trung huấn luyện thành binh sĩ dự bị hạng một gồm: Nam binh sĩ dự bị hạng hai đến hết 35 tuổi; nữ binh sỹ dự bị hạng hai đến hết 30 tuổi có phẩm chất chính trị, sức khoẻ, văn hóa thực hiện theo tiêu chuẩn trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ hằng năm do Bộ Quốc phòng quy định.

Thời gian huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai là 6 tháng với các nội dung: Giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự, hậu cần, kỹ thuật. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nội dung, chương trình huấn luyện; số lần huấn luyện, thời gian huấn luyện của mỗi lần, nhưng 1 năm không quá 2 lần tập trung huấn luyện.

Chế độ, chính sách trong thời gian tập trung huấn luyện

Nghị định quy định, trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (thời gian tập trung huấn luyện), binh sĩ dự bị hạng hai được hưởng nhiều chế độ, chính sách.

Cụ thể, binh sĩ dự bị hạng hai đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian tập trung huấn luyện được cơ quan, tổ chức nơi làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe theo chế độ hiện hành đối với công chức, viên chức đi công tác.

Binh sĩ dự bị hạng hai thuộc các đối tượng khác được đơn vị quân đội tổ chức huấn luyện chi trả một khoản phụ cấp bằng mức phụ cấp quân hàm hai năm đầu của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có cùng cấp bậc quân hàm, đối với binh sĩ dự bị hạng hai chưa có cấp bậc quân hàm thì được hưởng phụ cấp quân hàm theo cấp bậc binh nhì. Thời gian tính hưởng phụ cấp như sau: Nếu thời gian tập trung từ 5 ngày đến 15 ngày thì được hưởng 1/2 tháng phụ cấp, nếu thời gian tập trung từ 16 ngày đến 31 ngày thì được hưởng một tháng phụ cấp, nếu thời gian tập trung trên 31 ngày thì mức phụ cấp tiếp tục được hưởng như quy định từ đầu; được cấp tiền tàu xe và phụ cấp đi đường như đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.

Nghị định cũng quy định, binh sĩ dự bị hạng hai đang hưởng tiền lương, tiền công của cơ quan, tổ chức, có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gia đình sẽ được trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số 0,025 so với mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời điểm tập trung huấn luyện. Còn binh sĩ dự bị hạng hai không hưởng tiền lương, tiền công của cơ quan, tổ chức, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gia đình được trợ cấp mỗi ngày bằng hệ số 0,05 so với mức lương cơ sở tại thời điểm tập trung huấn luyện.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định chế độ, chính sách đối với binh sĩ dự bị hạng hai khi ốm đau, bị tai nạn rủi ro, bị thương hoặc chết...

Nhân sự UBND tỉnh Gia Lai

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với bà Huỳnh Nữ Thu Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.

Hỗ trợ lương thực cho hộ dân bị thu hồi đất dự án Sông Dinh 3

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tỉnh Bình Thuận thực hiện hỗ trợ lương thực cho người dân bị thu hồi đất xây dựng Dự án hồ chứa nước Sông Dinh 3.

Việc hỗ trợ lương thực cho các hộ dân bị thu hồi đất xây dựng Dự án hồ chứa nước Sông Dinh 3 tại thời điểm Quyết định 34/2010/QĐ-TTg có hiệu lực chỉ được thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 34/2010/QĐ-TTg. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Thuận hướng dẫn thực hiện Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lương thực cho người dân bị thu hồi đất xây dựng Dự án hồ chứa nước Sông Dinh 3 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và thời điểm Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực.

Đồng thời rà soát các đối tượng được hưởng hỗ trợ và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, phù hợp với chính sách đã được quy định, tránh tạo ra những bất cập, không công bằng giữa các dự án tương tự khác.

UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cứ khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình.

Dự án hồ chứa nước Sông Dinh 3 được khởi công năm 2009 đến nay cơ bản hoàn thành công trình đầu mối, hệ thống kênh chính và tích nước năm 2012. Diện tích sử dụng đất của dự án là 2.336 ha thuộc địa bàn 4 xã, thị trấn (Tân Nghĩa, Tân Phúc, Tân Hà, Tân Xuân).

Tiếp tục tái xuất, chuyển khẩu hàng hóa qua Lối mở Nà Lạn

Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiếp tục thực hiện tái xuất, chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan hàng hóa qua Lối mở Nà Lạn và 06 cửa khẩu phụ, điểm thông quan trên địa bàn tỉnh Cao Bằng theo cơ chế, chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại công văn số 748/TTg-KTTH ngày 27/5/2013 và số 124/VPCP-KTTH ngày 7/1/2014.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, các Bộ liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện; phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo, tổ chức các lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ, không để lợi dụng xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội tại các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan nêu trên; trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ Công Thương, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, UBND tỉnh biên giới liên quan rà soát các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan để áp dụng cơ chế, chính sách tương tự đối với các địa điểm đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Trong tháng 4/2016, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Hội nghị tổng kết nhằm đánh giá tình hình, kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN, thực trạng tham nhũng hiện nay và hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; làm rõ những kết quả đạt được, ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, khó khăn và nguyên nhân; rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp làm cơ sở cho việc hoàn thiện căn bản hệ thống chính sách, pháp luật về PCTN, trọng tâm là việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN và xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong công tác PCTN giai đoạn 2016 - 2020.

Thông qua việc tổ chức Hội nghị tổng kết để tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong PCTN, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN và những nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác PCTN; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTN 10 năm qua, tạo động lực mới để phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và toàn xã hội trong công tác PCTN.

Luật PCTN đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2005 tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2006 và được sửa đổi bổ sung tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII ngày 4/8/2007, cũng như tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII ngày 23/11/2012 đã khẳng định quyết tâm ngăn chặn tệ nạn tham nhũng nhằm duy trì sự ổn định, trật tự xã hội, góp phần phát triển trong thời kỳ hội nhập sâu rộng vào khu vực thế giới theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta xác định công tác PCTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần tích cực, chủ động, sáng tạo trong phòng ngừa và kiên quyết trong đấu tranh, phát hiện xử lý.

Thành lập Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 504) đồng ý thành lập Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu tổng quát của Nhóm đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là vận động và phối hợp tài trợ quốc tế nhằm hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình 504.

Mục tiêu cụ thể nhằm đối thoại để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về chính sách, kế hoạch và giải pháp thực hiện Chương trình 504; vận động và phối hợp tài trợ quốc tế để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài trợ cho Chương trình 504; chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quản lý và thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn; nâng cao vị thế và tăng cường vai trò của Việt Nam trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trong khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế; tham vấn về kỹ thuật với các đối tác khu vực và quốc tế về khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Hưng Yên

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Hưng Yên quyết định chuyển mục đích sử dụng 941.926 m2 đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu khắc phục vụ TNGT tại Hòa Bình

Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia vừa có Công điện số 09/CĐ-UBATGTQG gửi: Bộ GTVT; Trưởng Ban An toàn giao thông các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên và TP. Hải Phòng yêu cầu khắc phục hậu quả TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Hòa Bình.

Theo báo cáo ban đầu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hòa Bình, lúc 16h30 phút ngày 14/3, tại Km 126+900, trên quốc lộ 6, đoạn qua huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.

Theo đó, xe ô tô chở khách biển kiểm soát 27B-001.04 của nhà xe Đức Thắng và xe bồn chở nhựa đường biển kiểm soát 15C-14627 chở theo rơ mooc biển kiểm soát 15R-07365 chạy ngược chiều đã đâm trực diện vào nhau, hậu quả làm 3 người chết tại chỗ, 26 người bị thương.

Hiện tại, các nạn nhân bị thương đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân tử vong, động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương, biểu dương lãnh đạo Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh Hòa Bình, chính quyền huyện Mai Châu đã khẩn trương có mặt kịp thời để xử lý, khắc phục hậu quả vụ tai nạn, đưa các nạn nhân bị thương đi cấp cứu; phân công đồng chí Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia xuống hiện trường trực tiếp phối hợp với Ban ATGT, các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình chỉ đạo xử lý, khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu: Trưởng Ban ATGT tỉnh Hòa Bình khẩn trương chỉ đạo ngành y tế của tỉnh tập trung lực lượng y, bác sỹ, thuốc men để phục vụ công tác cứu chữa nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và các nạn nhân bị thương.

Công an tỉnh khẩn trương xác định danh tính các nạn nhân tử vong, sớm cho người nhà nạn nhân tiếp nhận và làm thủ tục an táng theo phong tục địa phương; điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân gây ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt là các đoạn đường đèo dốc, tập trung vào các hành vi: chạy quá tốc độ quy định, chạy sai làn đường, phần đường, chở quá số người quy định, phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật.

Sở GTVT phối hợp với các đơn vị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công an tỉnh và huyện Mai Châu khẩn trương khắc phục thông xe quốc lộ 6 đoạn xảy ra tai nạn.

Đồng thời Trưởng Ban ATGT tỉnh Điện Biên chỉ đạo Sở GTVT tỉnh kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải của nhà xe Đức Thắng trong vòng 1 tháng; kiểm tra dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình tất cả các xe ô tô chở khách của nhà xe Đức Thắng, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.

Trưởng Ban ATGT TP. Hải Phòng chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với cơ quan chức năng của Công an thành phố và các trung tâm đăng kiểm kiểm tra toàn diện việc thực hiện quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải đối với Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ dầu khí Tân Long, đồng thời kiểm tra điều kiện an toàn trong việc vận chuyển hàng hóa dễ cháy nổ của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu đơn vị quản lý đường bộ địa bàn xảy ra tai nạn phối hợp với Công an và chính quyền huyện Mai Châu tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, huy động lực lượng phương tiện để khắc phục thông xe sớm nhất; phối hợp với Sở GTVT các địa phương có quốc lộ 6 đi qua và các địa phương ở phía Bắc có nhiều đường đèo dốc, bán kính cong nhỏ kiểm tra, rà soát, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường bộ bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin cho người tham gia giao thông.

Sở GTVT các địa phương phối hợp với cơ quan đăng kiểm trên địa bàn và các lực lượng chức năng ngành Công an kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh vận tải đối với doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa dễ cháy nổ.

Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu Trung tâm đăng kiểm các địa phương kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn kỹ thuật đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa dễ cháy, dễ nổ.

Xây dựng hồ sơ đa quốc gia Nghề Sơn mài truyền thống trình UNESCO

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về việc Việt Nam tham gia xây dựng hồ sơ đa quốc gia Nghề Sơn mài truyền thống đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tham gia, hợp tác với Hàn Quốc và các nước có di sản văn hóa phi vật thể Nghề Sơn mài truyền thống xây dựng hồ sơ đa quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO để được xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sơn mài Việt Nam giống với sơn mài các nước ở tính trang trí, tính ứng dụng, phục vụ đời sống sinh hoạt và tín ngưỡng của con người. Từ nửa đầu thế kỷ XX, sơn mài truyền thống Việt Nam còn có thêm một giá trị mới. Đó là đưa chất liệu sơn ta cổ truyền thành chất liệu của hội họa bằng sự ra đời của tranh sơn mài trên nền tảng kỹ thuật sơn truyền thống. Tranh sơn mài tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và kỹ thuật từ khâu làm vóc cho đến thể hiện nhằm cho ra đời những bức tranh sơn mài rất Việt Nam mà không một quốc gia nào có được.

Việc hợp tác xây dựng hồ sơ đa quốc gia với Hàn Quốc và các nước có di sản văn hóa phi vật thể Nghề Sơn mài truyền thống sẽ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị độc đáo của nghề sơn mài truyền thống Việt Nam trên phạm vi quốc tế và thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể giữa các nước trong khu vực./.