Thí điểm xe khách tuyến trung tâm Hà Nội - Sân bay Nội Bài

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm 3 tuyến xe chở khách (không trợ giá) được dừng đón, trả khách tại một số điểm trên hành trình để phục vụ nhân dân đi lại giữa trung tâm thành phố Hà Nội với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp, hướng dẫn UBND thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Đề án thí điểm, bảo đảm an toàn, chất lượng dịch vụ, hiệu quả.

Đồng thời nghiên cứu, bổ sung quy định về loại hình vận tải nêu trên trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.

Vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai

Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo đó, hàng năm, các hồ: Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng, Phước Hòa, Đơn Dương, Đại Ninh, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đăk R’Tih, Đồng Nai 5, Trị An, Hàm Thuận, Đa Mi, Dầu Tiếng và đập dâng Tà Pao trên lưu vực sông Đồng Nai phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên.

Cụ thể, trong mùa lũ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện Đại Ninh, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ nhỏ hơn hoặc bằng lũ cực hạn (PMF) với lưu lượng đỉnh 11.000 m3/s; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình hồ chứa; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện Hàm Thuận không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 2.000 năm và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình hồ chứa; góp phần giảm lũ cho hạ du; đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du; đảm bảo hiệu quả phát điện.

Trong mùa cạn, đảm bảo an toàn công trình; đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du; đảm bảo hiệu quả phát điện.

Nguyên tắc vận hành các hồ giảm lũ cho hạ du là không cho phép sử dụng phần dung tích hồ từ cao trình mực nước dâng bình thường đến cao trình mực nước lũ kiểm tra hoặc mực nước dâng gia cường để điều tiết lũ khi các cửa van của công trình xả chưa ở trạng thái mở hoàn toàn, trừ hồ Dầu Tiếng và các trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Khi vận hành giảm lũ cho hạ du phải tuân thủ theo quy định về trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả đã được cấp có thẩm quyền ban hành, bảo đảm không gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực ven sông ở dưới hạ du hồ chứa.

Trong thời kỳ mùa lũ, khi chưa tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du, mực nước các hồ chứa không được vượt mực nước cao nhất trước lũ được quy định, trừ trường hợp quy định tích nước cuối mùa lũ.

Trong quá trình vận hành phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, mưa, lũ; mực nước tại các trạm thủy văn, thời kỳ triều cường; mực nước, lưu lượng đến hồ và các bản tin dự báo tiếp theo để vận hành, điều tiết cho phù hợp với tình hình thực tế.

Khi kết thúc quá trình giảm lũ cho hạ du phải đưa dần mực nước hồ về cao trình mực nước trước lũ, trừ trường hợp quy định tích nước cuối mùa lũ.

Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ phạm vi hành chính huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, với tổng diện tích 41.078 ha.

Dự báo dân số đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2025 đạt khoảng 26&pide;28 vạn người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60&pide;65%; đến năm 2035 đạt khoảng 34&pide;36 vạn người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 62&pide;70%.

Không gian đô thị mới chia thành 8 khu vực

Không gian đô thị mới Nhơn Trạch được chia thành 8 khu vực trong đó có 4 khu vực phát triển đô thị; 3 khu vực phát triển công nghiệp, cảng và dịch vụ hậu cần cảng; 1 khu vực bảo tồn sinh thái rừng ngập mặn.

Trong đó, khu vực 1 là khu vực trung tâm, thuộc các xã Long Tân, Phú Thạnh, Phú Hội và Vĩnh Thanh. Tổng diện tích đất khoảng 2.509 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 1.453 ha; tổng dân số khoảng 96.800 người. Đây là trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa huyện Nhơn Trạch giai đoạn ngắn hạn. Phát triển đô thị nén với chức năng chính là nhà ở, thương mại dịch vụ, công viên cây xanh; ưu tiên xây dựng các khu nhà ở xã hội, các khu đô thị mới trên tuyến đường 25B, 25C, tạo không gian đô thị lõi làm hạt nhân phát triển đô thị Nhơn Trạch.

Xây dựng mới khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An

Về định hướng các khu, cụm công nghiệp, cảng và dịch vụ hậu cần cảng, sẽ lấp đầy KCN Nhơn Trạch, KCN Ông Kèo và cụm công nghiệp Phú Thạnh - Vinh Thanh với tổng diện tích 3.460 ha.

Xây dựng mới khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An diện tích khoảng 375 ha và hệ thống cảng dọc sông Nhà Bè với tổng diện tích khoảng 183 ha.

Xây dựng các khu du lịch sinh thái với diện tích khoảng 1.175 ha; hình thành các khu đô thị du lịch với diện tích 1.006 ha tại Đại Phước, Long Tân. Phát triển dịch vụ du lịch và giải trí, nhà ở sinh thái mật độ thấp, duy trì hành lang xanh ven sông, kênh, rạch. Khai thác phát triển du lịch trên sông Đồng Nai, Nhà Bè, Đồng Tranh kết hợp với du lịch miệt vườn và tham quan rừng ngập mặn.

Quy hoạch bố trí sắp xếp, cải tạo các khu dân cư nông thôn theo định hướng quy hoạch nông thôn mới. Duy trì làng xóm mật độ thấp, nhà vườn truyền thống, phát triển mô hình nhà miệt vườn gắn với nông ngư nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và dịch vụ cảng. Bảo vệ sông, kênh, rạch và các hành lang thoát nước tự nhiên.

KKT cửa khẩu An Giang phát triển đa ngành, đa lĩnh vực

Khu kinh tế cửa khẩu An Giang đến năm 2030 sẽ phát triển thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển kinh tế, phát triển đô thị của vùng biên giới phía Tây Bắc, tỉnh An Giang...

Theo Quy hoạch mà Thủ thướng Chính phủ vừa phê duyệt thì Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang sẽ có tổng diện tích tự nhiên là 30.729,8 ha bao gồm 3 khu vực cửa khẩu: Vĩnh Xương, Khánh Bình và Tịnh Biên.

Cấu trúc không gian Khu kinh tế cửa khẩu An Giang hình thành theo mô hình từng khu vực cửa khẩu. 3 khu vực cửa khẩu trên liên kết với nhau thông qua các tuyến Quốc lộ N1, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91C, tuyến Khánh Bình - Chợ Mới - Vàm Cống...

Các khu vực cửa khẩu gồm khu quản lý, kiểm soát cửa khẩu, khu phi thuế quan tại các cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Tịnh Biên và cửa khẩu chính Khánh Bình.

Các khu vực phát triển đô thị gồm: Thị trấn Tịnh Biên, thị xã Tân Châu, đô thị cửa khẩu Vĩnh Xương, đô thị Nhà Bàng, thị trấn Long Bình.

Các khu vực phát triển dân cư nông thôn gồm: Các khu vực ngoại thị của thị xã Tân Châu, Tịnh Biên, các trung tâm xã, các cụm tuyến dân cư nông thôn được phân bố theo các tuyến giao thông thủy và bộ.

Các vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, không gian du lịch sinh thái, không gian cây xanh cảnh quan và mạng lưới sông rạch; phân bố đa dạng và xen kẽ trong các khu vực phát triển gồm các khu vực canh tác nông nghiệp bao quanh các đô thị; các hành lang cây xanh theo sông Tiền, sông Bình Di, kênh Vĩnh Tế và các kênh rạch trong khu kinh tế; khu vực cây xanh thuộc quần thể du lịch núi Cấm trong khu vực cửa khẩu Tịnh Biên...

Mục tiêu phát triển Khu kinh tế nhằm gắn kết đồng bộ các khu vực cửa khẩu và các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu An Giang; liên kết chặt chẽ với các khu kinh tế cửa khẩu khác trong vùng biên giới Tây Nam; cân đối giữa phát triển đô thị, công nghiệp với bảo vệ khu vực sản xuất nông nghiệp; xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường toàn Khu kinh tế bảo đảm sự phát triển bền vững.

Đồng thời, hình thành khu quản lý, kiểm soát cửa khẩu và khu phi thuế quan tại các cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Tịnh Biên và cửa khẩu chính Khánh Bình; đảm bảo an ninh quốc phòng, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư; phát triển chuỗi đô thị trong Khu kinh tế; hình thành trung tâm du lịch sinh thái Khu kinh tế cửa khẩu An Giang có sức hấp dẫn, liên kết với hệ thống trung tâm du lịch của tỉnh An Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long; góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia ổn định, hòa bình, hữu nghị và phát triển kinh tế biên giới.

Nâng cao tính công khai, minh bạch của cơ quan hành chính

Chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước thông qua đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, tổ chức. Nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan hành chính thông qua việc sử dụng hiệu quả mạng thông tin điện tử hành chính.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2016 của Ban Chỉ đạo này.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các nội dung hiện đại hóa hành chính. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước thông qua đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, tổ chức. Nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan hành chính thông qua việc sử dụng hiệu quả mạng thông tin điện tử hành chính.

Bên cạnh đó, quy trình hoá việc giải quyết công việc của cơ quan hành chính theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

Đẩy mạnh cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Bộ Nội vụ chủ trì đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2016 thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của người đứng đầu: Kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, đánh giá, bố trí nguồn lực cho cải cách hành chính…; đẩy mạnh thực hiện có kết quả các nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2016 theo kế hoạch đã phê duyệt.

Quí II năm 2016, Bộ Nội vụ chủ trì triển khai xác định và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2015 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Nội vụ cũng chủ trì đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các nội dung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về hệ thống tiêu chuẩn, chức danh ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và chức danh lãnh đạo; triển khai xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; nghiên cứu đổi mới quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác thi tuyển công chức, viên chức.

Các bộ được giao đầu mối tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016.

Trong năm 2016, Bộ Tư pháp đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp: Triển khai thực hiện Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2016; tếp tục triển khai thực hiện để hoàn thành 25 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hoá các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính ở tất cả các ngành, lĩnh vực theo quy định của Chính phủ, đặc biệt là thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực trọng tâm: Đất đai, kinh doanh, xây dựng, thuế, hải quan, đầu tư…

Chủ động trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt

Xét báo cáo tổng kết công tác lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2015-2016 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức thông tin kịp thời về tình hình nguồn nước; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và nhân dân chủ động lấy nước, trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, sử dụng nguồn nước hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 04/02/2016 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các cơ quan khoa học nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể để điều tiết nước, khai thác nguồn nước hiệu quả, giải quyết tình trạng suy giảm dòng chảy, hạ thấp mực nước hạ du hệ thống sông Hồng, trong đó khẩn trương nghiên cứu đánh giá hiệu quả, tác động của hệ thống đập dâng sông Hồng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 03/02/2016 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020.

Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương căn cứ nhiệm vụ được giao tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp thống nhất kế hoạch vận hành các hồ chứa thủy điện nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Bảo đảm đủ nước sản xuất vụ Đông Xuân ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ

Phó Thủ tướng biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan liên quan đã làm tốt công tác dự báo, thông tin kịp thời, theo dõi sát tình hình lấy nước ở các địa phương để điều chỉnh kế hoạch, vận hành phù hợp các hồ chứa thủy điện bảo đảm đủ nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016 ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, rút ngắn thời gian xả nước, tiết kiệm nước, góp phần giảm nguy cơ hạn hán thiếu nước trong mùa khô.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của hạ thấp lòng dẫn và suy giảm lưu lượng dòng chảy, mực nước hạ lưu hệ thống sông Hồng bị hạ thấp nhiều so với 10 năm trước, ảnh hưởng đến hoạt động của các hệ thống thủy lợi dọc 2 bên sông. Để đảm bảo lấy nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, những năm qua, các hồ thủy điện (Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang) phải vận hành xả nước nhằm nâng cao mực nước hạ du (trong thời gian lấy nước, mực nước sông Hồng tại Hà Nội phải đạt trên 2,2m) với tổng lượng xả khoảng 4,5-5 tỷ m3 nước làm giảm hiệu quả phát điện, khó khăn trong cân đối nước thời kỳ cuối mùa khô.

Vụ Đông Xuân 2015-2016, với sự chủ động trong chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương trong xây dựng kế hoạch vận hành xả nước đã tận dụng được những ngày thủy triều cao để hạn chế phải xả nước; trong quá trình xả nước, lấy nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo sát sao, kịp thời điều chỉnh kế hoạch xả nước, giảm thời gian xả nước (giảm 9,5 ngày so với kế hoạch), tiết kiệm được trên 2,0 tỷ m3 nước, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt vào cuối mùa khô.

Nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2016

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong năm 2016.

Công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm đã được các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương kiên trì thực hiện trong nhiều năm và đã đạt một số kết quả tốt, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Năm 2015, nhiều văn bản pháp luật quan trọng được ban hành đã góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác này.

Năm 2015 cũng là năm đầu tiên trong hơn 20 năm qua số người nghiện ma túy giảm, tình hình mại dâm bớt phức tạp hơn những năm trước, là năm thực hiện chuyển đổi công tác cai nghiện ma túy theo hướng tăng cường điều trị nghiện tự nguyện, giảm cơ sở cai nghiện bắt buộc, tăng cơ sở cai nghiện tự nguyện, 8 năm liền số người nhiễm HIV phát hiện mới có xu hướng giảm...

Tuy nhiên, công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ma túy vẫn còn là mối hiểm họa đối với xã hội. Quy trình đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa được sửa đổi phù hợp; việc chuyển đổi cơ sở cai nghiện ma túy còn nhiều địa phương chưa quan tâm thỏa đáng; người nghiện ma túy tổng hợp có xu hướng tăng; kết quả thực hiện chương trình điều trị Methadone còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu; kinh phí trong nước và quốc tế cho công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đang bị cắt giảm nhiều...

Chuyển đổi mạnh mẽ các cơ sở điều trị nghiện

Để khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm yêu cầu các Bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chặn nguồn cung ma túy, có lộ trình cụ thể để xử lý, xóa các tụ điểm ma túy phức tạp; về giảm cầu ma túy, phải chuyển đổi mạnh mẽ các cơ sở điều trị nghiện, mở rộng hơn nữa điều trị nghiện tự nguyện, lồng ghép điều trị Methadone trong các cơ sở cai nghiện ma túy, tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghiện ma túy, tăng cường nhiều giải pháp cai nghiện trong đó có Methadone, Cedemex và các loại thuốc khác đã được cấp phép lưu hành; tăng cường điều trị ARV cho người nhiễm HIV; chủ động nguồn tài chính, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; xây dựng Luật Dự phòng và cai nghiện ma túy, Luật phòng chống mại dâm; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống HIV/AIDS, Luật phòng, chống ma túy; ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của các Bộ.

Cùng với đó là đổi mới công tác tuyên truyền, lấy phòng là chính, hướng về cơ sở, dựa vào cộng đồng; tăng cường truyền thông qua mạng xã hội; triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp truyền thông giữa Ủy ban Quốc gia với VOV, VTV, TTXVN.

Kiểm soát chặt mua bán chất ma túy

Đồng thời, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để sử dụng trái phép ma túy tổng hợp, văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy, lợi dụng du lịch để tổ chức hoạt động mại dâm nhất là vũ trường, nhà nghỉ, nơi vui chơi giải trí; kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất, thuốc gây nghiện trong xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh, không để lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp trong nội địa; tiếp tục rà soát, phát hiện, ngăn chặn, triệt xóa diện tích trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy, hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng thay thế; tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý biên giới, vùng biển, đặc biệt khu vực cửa khẩu, cảng biển, các điểm nóng về ma túy; tăng cường điều tra, phát hiện, xử lý các đối tượng sử dụng mạng internet, mạng xã hội để giới thiệu, mua bán, khuyến khích sử dụng ma túy; kịp thời phát hiện, đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy; định kỳ rà soát, thống kê, quản lý người nghiện ma túy trên toàn quốc./.