TP. Hà Nội có 3 phó chủ tịch mới

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với: Ông Nguyễn Thế Hùng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc; ông Ngô Văn Quý, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Doãn Toản, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với: Ông Vũ Hồng Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, để nhận nhiệm vụ mới; ông Trần Xuân Việt, để nghỉ hưu theo Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP. Hà Nội khóa XIV, HĐND thành phố đã bầu bổ sung 3 Phó Chủ tịch UBND đối với các ông: Nguyễn Thế Hùng (Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc); Ngô Văn Quý (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư); Nguyễn Doãn Toản (Giám đốc Sở Tài chính).

Hỗ trợ gạo cho Lạng Sơn và Điện Biên kỳ giáp hạt

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 1.544,43 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Điện Biên để cứu đói nhân dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2016.

Số gạo trên được phân bổ như sau: Tỉnh Lạng Sơn 324,3 tấn gạo; tỉnh Điện Biên 1.220,13 tấn gạo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Trường hợp sau khi thực hiện nếu địa phương còn khó khăn, đề nghị địa phương báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng xem xét, tiếp tục hỗ trợ.

Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp gạo cho một số địa phương để cứu đói nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2016.

Đây là một trong những chính sách hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống của nhân dân, nhất là đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại do thiên tai; không những chỉ góp phần giúp địa phương bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt mà còn góp phần chăm sóc, bảo vệ rừng và loại bỏ tập quán di dân di cư của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi.

Đến 2025, liên thông kết quả xét nghiệm trên toàn quốc

Nâng cao chất lượng xét nghiệm y học để bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế có thực hiện xét nghiệm (các phòng xét nghiệm), nhằm giảm phiền hà, chi phí cho người bệnh, tiết kiệm nguồn lực của xã hội, đồng thời hội nhập mạng lưới kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm trong khu vực và thế giới.

Đề án Tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 - 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, trước mắt, củng cố, nâng cấp 3 trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học hiện có thuộc Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học thuộc Bộ Quốc phòng khi có đủ điều kiện thích hợp.

Việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm dựa trên tiêu chí đánh giá mức chất lượng xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, không phân biệt cơ sở y tế nhà nước, cơ sở y tế tư nhân, bảo đảm chậm nhất đến năm 2018 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương; chậm nhất đến năm 2020 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng xét nghiệm trong phạm vi quản lý thuộc mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2025 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc.

Để thực hiện Đề án cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản về quản lý chất lượng xét nghiệm y học; quy định về quản lý chất lượng trong việc lưu hành trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm y học; hoàn thiện hướng dẫn thực hiện hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học, bao gồm nội kiểm, ngoại kiểm chất lượng xét nghiệm.

Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo liên tục cho nhân viên y tế đang làm công tác xét nghiệm, người làm chuyên trách về quản lý chất lượng xét nghiệm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đào tạo cho các thầy thuốc lâm sàng nhằm tăng cường hiệu quả trong sử dụng kết quả xét nghiệm.

Đầu tư hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học bằng các nguồn vốn và các hình thức đầu tư phù hợp. Đến năm 2020, cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị của các trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm bảo đảm đủ năng lực đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ được giao (đạt các Tiêu chuẩn quốc gia: TCVN ISO 9001; TCVN ISO/IEC 17011; TCVN ISO/IEC 17043).

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý chất lượng xét nghiệm y học, quản lý kết quả xét nghiệm, kiểm tra chất lượng, liên thông công nhận kết quả xét nghiệm.

Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cao tốc Nội Bài-Lào Cai

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có công điện yêu cầu các Bộ: Công an, Giao thông vận tải; Trưởng Ban An toàn giao thông các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và TP. Hà Nội tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Theo phản ánh của chương trình Chào buổi sáng Đài Truyền hình Việt Nam ngày 24/3/2016, thời gian gần đây trên tuyến Cao tốc Nội Bài-Lào Cai tình trạng ô tô khách ngang nhiên dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định, người dân phá dỡ hàng rào bảo vệ để vào đi bộ, đón xe khách trên đường cao tốc ngày càng phức tạp và có xu hướng hình thành thói quen xấu. Đây là những hành vi cố ý vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, là nguyên nhân dẫn đến một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian gần đây. Điển hình là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng ngày 21/12/2015 giữa 2 xe khách của nhà xe Trung Kiên và Bảo Yến làm 2 người chết, 22 người bị thương.

Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên và bảo đảm an toàn của hoạt động giao thông vận tải trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố Hà Nội, Công an các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông trên đường cao tốc, đặc biệt là xử lý dứt điểm các hành vi dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định, người dân phá hàng rào bảo vệ xâm nhập trái phép, đón xe khách, đi bộ, lái xe mô tô, xe máy, xe đạp trên đường cao tốc.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ và chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, khắc phục những hư hỏng về kết cấu hạ tầng đặc biệt là hàng rào bảo vệ trên đường cao tốc; cung cấp dữ liệu trên hệ thống Camera giám sát cho lực lượng Cảnh sát giao thông và cho các Sở Giao thông vận tải có liên quan để xử lý các trường hợp vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát bảo vệ các công trình phụ trợ, phát hiện các hành vi vi phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền; kiên quyết từ chối phục vụ đối với các phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải có nhiều lái xe vi phạm dừng, đỗ, đón, trả khách trên đường cao tốc.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam trích xuất và cung cấp dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các phương tiện kinh doanh vận tải trên đường cao tốc cho Sở Giao thông vận tải các địa phương có liên quan để xử lý đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm quy định về dừng, đỗ, đón, trả khách trên tuyến.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Trưởng Ban An toàn giao thông các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và thành phố Hà Nội chỉ đạo Công an tỉnh, thành phố yêu cầu các đơn vị trực thuộc, Công an các huyện, thị xã điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá hoại công trình và tài sản của đường cao tốc.

Sở Giao thông vận tải căn cứ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô để xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm về tốc độ, dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định. Đồng thời, có phương án tổ chức giao thông kết nối giữa các trung tâm dân cư với các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc để tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận và đón xe khách tại các trạm dừng nghỉ theo đúng quy định pháp luật.

Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban An toàn giao thông cấp huyện, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sống dọc hai bên đường cao tốc tuân thủ các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng, tham gia giao thông trên đường cao tốc đặc biệt là việc đón xe tại các trạm dừng nghỉ theo quy định pháp luật.

Tăng cường kiểm tra công tác CCHC tại các bộ, ngành, địa phương

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2016.

Mục tiêu hướng tới là đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện công tác CCHC trên các lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực trọng tâm tại một số bộ, ngành và địa phương từ đó có biện pháp chỉ đạo sát hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ CCHC trong thời gian tiếp theo.

Phát hiện những cách làm hay, sáng tạo để có giải pháp nhân rộng trong cả nước; kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ CCHC tại các bộ, ngành, địa phương để có hướng khắc phục, tháo gỡ trong tổ chức thực hiện; ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thống nhất trong cả nước; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương, hành chính của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện CCHC.

Theo Kế hoạch, trong năm 2016, Ban Chỉ đạo sẽ tiến hành kiểm tra tình hình triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của Bộ, ngành và địa phương trên tất cả các nội dung của Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011; việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/5/2013; kiểm tra tình hình triển khai và kết quả đạt được của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực.

Đồng thời, kiểm tra tình hình triển khai các hình thức công khai, minh bạch thủ tục hành chính; việc công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý hoặc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, địa phương; việc công khai thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và trên trang/cổng thông tin điện tử; niêm yết thủ tục hành chính tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính; tình hình triển khai đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; trách nhiệm và đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Kiểm tra việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020./.