Xử lý dứt điểm sai phạm tại Dự án 8B Lê Trực

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 351/TB-VPCP ngày 02/11/2015; có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm, bảo đảm yêu cầu về quản lý đô thị, không ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của nhân dân khu vực lân cận.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 351/TB-VPCP, ngày 02/11/2015, UBND Thành phố Hà Nội đã có báo cáo tình hình thực hiện việc xử lý sai phạm tại công trình số 8B Lê Trực.

UBND Thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì kiểm tra làm rõ sai phạm; thành lập đoàn thanh tra; đã triển khai việc thanh tra theo đúng quy định: Ban hành các quyết định xử lý vi phạm, phạt tiền, buộc đình chỉ thi công, lập phương án và tổ chức tự phá dỡ phần vi phạm… Ngày 21/11/2015, Chủ đầu tư bắt đầu phá dỡ phần sai phạm, việc phá dỡ chậm không đáp ứng yêu cầu. Ngày 5/1/2016, quận Ba Đình đã ban hành quyết định cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt hành chính. Ngày 6/3/2016, UBND phường Điện Biên đã tổ chức cưỡng chế phá dỡ phần sai phạm, đến ngày 9/3/2016 đang tổ chức phá dỡ tầng 19, dự kiến xong trước ngày 10/4/2016. Đồng thời đang chỉ đạo lập phương án phá dỡ phần còn lại, dự kiến hoàn thành trong quý II/2016.

UBND Thành phố Hà Nội đã nghiêm túc kiểm điểm đối với các tập thể liên quan, thống nhất về hình thức xử lý kỷ luật đối với 12 cán bộ, công chức, viên chức. UBND Thành phố sẽ tiếp tục giám sát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cưỡng chế phá dỡ theo đúng quy định và chỉ đạo các đơn vị, cơ quan trong toàn Thành phố bảo đảm thực hiện việc quản lý đô thị theo đúng quy định.

2 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới

Huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ và thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Cần Thơ và UBND tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm công bố theo quy định và khen thưởng theo Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".

Về kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Phong Điền, đến nay, huyện có 5/6 xã (đạt tỷ lệ 83,3%) đã được UBND thành phố Cần Thơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Huyện đã tập trung phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái, trong đó, phát triển những loại cây ăn trái tiêu thụ tốt trên thị trường như dâu Hạ Châu, vú sữa, sầu riêng, nhãn ido, chanh không hạt; hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung như vùng vú sữa Giai Xuân (300 ha), dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái (350 ha), nhãn Trường Long, Nhơn Nghĩa (300 ha), hoa kiểng Tân Thới (hơn 200.000 chậu/năm), lúa chất lượng cao Trường Long,...

Thu nhập bình quân của huyện Phong Điền năm 2015 đã đạt 34,7 triệu đồng/người/năm (tăng 14,2 triệu đồng so với năm 2011), khu vực nông thôn đạt 33,6 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,36% (năm 2011 là 6,02%).

Với thị xã Điện Bàn, toàn thị xã có 10/13 xã (đạt tỷ lệ 77%) đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thị xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng nhất là về một số cây trồng chuyên canh, chăn nuôi, phát triển trang trại, tăng cường liên kết hộ...

Nhờ đó tính đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của 13 xã đạt bình quân 26,6 triệu đồng/người/năm (tăng 11,36 triệu đồng so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,63% (năm 2010 là 9,7%), thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nghèo của tỉnh Quảng Nam năm 2015 là khoảng 9%.

Đầu tư Trung tâm nghiên cứu và phát triển kỹ thuật ghép mô

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người thuộc Viện nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng 108 - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ nhất trí sự cần thiết triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển Trung tâm nghiên cứu và phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người thuộc Viện Nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng - Bệnh viện Trung ương quân đội 108.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ giai đoạn 2016-2021 để triển khai thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước.

Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét bố trí kinh phí, hướng dẫn Bộ Quốc phòng và đơn vị chủ trì nhiệm vụ thực hiện đầy đủ thủ tục phê duyệt theo quy định; trường hợp vướng mắc, vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Sắp xếp, đổi mới cty lâm nghiệp tỉnh Ninh Thuận

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh Ninh Thuận.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp: Ninh Sơn, Tân Tiến.

UBND tỉnh Ninh Thuận có trách nhiệm thực hiện việc sắp xếp, đổi mới các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp: Ninh Sơn, Tân Tiến theo quy định hiện hành.

Trước khi sắp xếp phải rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất, rừng của từng công ty; diện tích dự kiến giao hoặc cho các doanh nghiệp thuê sau khi sắp xếp phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương; chỉ đạo các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp: Ninh Sơn, Tân Tiến phải sử dụng đất đúng mục đích, khi thay đổi mục đích sử dụng đất phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy hoạch được duyệt của tỉnh và quy định của pháp luật.

Đồng thời rà soát lại đất rừng, xử lý dứt điểm các trường hợp quản lý sử dụng đất không đúng quy định, xây dựng phương án sử dụng đất đai của các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp: Ninh Sơn, Tân Tiến theo quy định tại Nghị định số 118/2011/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp và pháp luật về đất đai.

UBND tỉnh Ninh Thuận rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng theo đúng quy định hiện hành; chỉ đạo các cơ quan liên quan và các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp: Ninh Sơn, Tân Tiến hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng thời với việc xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới.

Nghiên cứu chế độ cho lao động tiền trạm kinh tế mới

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu chế độ, chính sách đối với lao động tiền trạm kinh tế mới làm nhiệm vụ tại các tỉnh phía Nam thời kỳ 1976-1980, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan và các địa phương liên quan nghiên cứu việc giải quyết chế độ đối với lực lượng lao động tiền trạm kinh tế mới của các địa phương làm nhiệm vụ tại các tỉnh phía Nam thời kỳ 1976-1980.

Theo Quyết định số 272-CP ngày 3/10/1977 của Hội đồng Chính phủ, một số địa phương tuyển chọn lao động trẻ (thực chất là lao động nghĩa vụ 3 năm, nhằm vào những gia đình ít đóng góp về người trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và lao động nông nhàn) đi tiền trạm theo kế hoạch giao cho từng quận, huyện, thị xã.

Lực lượng lao động tiền trạm kinh tế mới là những thanh niên tình nguyện đầy tâm huyết, không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh đã lần lượt vào các tỉnh phía Nam làm nhiệm vụ. Đây là lực lượng xung kích thực hiện nhiệm vụ khảo sát, quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu như khai hoang, làm nhà, sản xuất thực nghiệm, mở đường giao thông… chuẩn bị đón dân.

Để hỗ trợ cho các đối tượng trên, Nhà nước cũng đã ban hành một số quy định tạm thời về các khoản trợ cấp đối với lao động tiền trạm như được hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình, được cấp phát nhu yếu phẩm, được cấp lương thực, sinh hoạt phí hàng tháng. Lao động trở về địa phương được cấp tiền tàu xe đi đường.../.