Quy định chức năng thanh tra chuyên ngành bảo hiểm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 21/2016/NĐ-CP quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Nghị định này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và người đứng đầu cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tiêu chuẩn, chế độ của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế gồm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.

Hằng năm, căn cứ Định hướng chương trình thanh tra của Thanh tra Chính phủ, của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; gửi kế hoạch thanh tra để báo cáo Thanh tra Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc khi được người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giao.

Hằng năm, căn cứ Định hướng chương trình thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thanh tra cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tại địa phương, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh; gửi kế hoạch thanh tra để báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thanh tra cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.

Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh sẽ thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc khi được người đứng đầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thanh tra cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh giao.

Nguyên tắc hoạt động thanh tra là phải tuân theo pháp luật; bảo đảm tính chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra; tiến hành thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Xây dựng CSDL quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 20/2016/NĐ-CP quy định về xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, UBND cấp tỉnh, các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu này.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được xây dựng tập trung, thống nhất, dùng chung trên toàn quốc.

Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính gồm thông tin về Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thông tin về việc thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có); thông tin về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; thông tin về việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình.

Nguyên tắc của việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính phải tuân thủ quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Công nghệ thông tin và Nghị định này; bảo đảm chính xác, đầy đủ, kịp thời; phân định rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, người có thẩm quyền; khai thác, sử dụng đúng mục đích, bảo đảm bí mật thông tin của tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính; quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Nghị định quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm gồm: truy cập trái phép vào Cở sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; cản trở hoặc ngăn chặn trái phép quá trình truyền, gửi, nhận dữ liệu; làm sai lệch hoặc thay đổi, xóa, hủy dữ liệu trái phép; cung cấp thông tin trái pháp luật hoặc lợi dụng việc cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính để trục lợi; phá hoại cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thông tin hoặc phát tán vi rút máy tính; sử dụng thông tin khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính không đúng mục đích.

Hà Nội quy hoạch 8 tuyến buýt nhanh

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg, giai đoạn đến năm 2020, xe buýt vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong thị phần vận tải của hệ thống giao thông công cộng Thủ đô Hà Nội.

Xe buýt nhanh được quy hoạch lâu dài trên 8 tuyến và 3 tuyến quá độ khi có lưu lượng lớn sẽ chuyển thành đường sắt đô thị hoặc monorail (đường một ray).

8 tuyến xe buýt nhanh (BRT) gồm: 1- Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa, chiều dài khoảng 14 km; 2- Ngọc Hồi - Phú Xuyên (đi theo Quốc lộ 1 cũ), chiều dài khoảng 27 km; 3- Sơn Đồng - Ba Vì, chiều dài khoảng 20 km; 4- Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên, chiều dài khoảng 15 km; 5- Gia Lâm - Mê Linh (Vành đai 3), chiều dài khoảng 30 km; 6- Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi - Quốc Lộ 5 - Lạc Đạo (Vành đai 4), chiều dài khoảng 53 km; 7- Ba La - Ứng Hòa chiều dài khoảng 29 km; 8- Ứng Hòa - Phú Xuyên, chiều dài khoảng 17 km. Một số tuyến đường sắt đô thị khi chưa xây dựng có thể sử dụng hình thức xe buýt nhanh: Tuyến số 4, số 8, và tuyến Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.

Theo thực tế giao thông của từng giai đoạn, có thể xem xét bố trí tuyến xe buýt nhanh trên một số tuyến đường có đủ điều kiện về hạ tầng.

Xây dựng 7 bến xe khách khu đô thị trung tâm

Cũng theo Quy hoạch, nâng cấp, cải tạo các bến xe hiện có, gồm: Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm, Thường Tín; xây dựng mới bến xe khách Xuân Mai thành bến xe cấp 3 kết hợp điểm trung chuyển xe buýt.

Xây dựng một số bến xe khách trong giai đoạn trung hạn tại các khu vực: Phía Nam (Nam Vành đai 3, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, diện tích khoảng 3,4 ha); phía Tây (khu vực Nam Quốc lộ 32, Xuân Phương, huyện Từ Liêm, diện tích khoảng 3 - 5 ha); phía Bắc (khu vực Vân Trì và Hải Bối, huyện Đông Anh diện tích khoảng 3 - 5 ha).

Xây dựng mới các bến xe khách liên tỉnh kết hợp các điểm đầu cuối xe buýt tại mỗi khu vực:

Khu đô thị trung tâm gồm: 1- Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) diện tích khoảng 7 ha; 2- Bến xe phía Đông Bắc (Cổ Bi, huyện Gia Lâm) diện tích khoảng 8 - 10 ha; 3- Bến xe phía Nam (Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) diện tích khoảng 11 ha; 4- Bến xe Đông Anh diện tích khoảng 5,3 ha; 5- Bến xe Phùng (huyện Đan Phượng) diện tích khoảng 8 - 10 ha; 6- Bến xe phía Tây (huyện Quốc Oai) diện tích khoảng 5 - 7 ha; 7- Bến xe phía Bắc (Nội Bài) diện tích khoảng 5 - 7 ha.

Khu đô thị vệ tinh gồm: Bến xe Phú Xuyên diện tích khoảng 5 ha; bến xe Xuân Mai diện tích khoảng 5 ha; bến xe Nam Hòa Lạc diện tích khoảng 5 ha; bến xe Bắc Hòa Lạc diện tích khoảng 5 ha; bến xe Sơn Tây 2 diện tích khoảng 5 ha; bến xe Nam Sóc Sơn diện tích khoảng 5 ha; bến xe Bắc Sóc Sơn diện tích khoảng 5 ha.

Huyện Phú Ninh (Quảng Nam) đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa công nhận huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm công bố theo quy định và khen thưởng theo Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".

Đến nay, huyện Phú Ninh có 8/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới của huyện giai đoạn 2011-2015 là 1128 tỷ đồng.

Huyện đã bê tông và nhựa hóa 100% đường liên xã; bê tông hóa hơn 75% trục chính giao thông nội đồng; toàn huyện có 33/33 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; 9/10 xã có nhà văn hóa và khu thể thao xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, hoạt động có hiệu quả.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 3,55%...

Chuyển giao Di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam về Bộ Quốc phòng quản lý

Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương chuyển giao Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh cho Bộ Quốc phòng quản lý và phát huy giá trị.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về việc chuyển giao quyền quản lý, khai thác Khu di tích, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật có liên quan.

Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) có quy mô 1.764ha gồm các hạng mục di tích: Khu di tích Trung ương Cục và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Khu di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Khu nhà bia, bia lưu niệm các cơ quan thuộc Trung ương Cục, Ban an ninh Trung ương cục và khu bảo tồn thiên nhiên Chàng Riệc.

Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là nơi lưu giữ những chứng tích, kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng gian khổ, hy sinh và tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ chiến sỹ trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam... Khu di tích có giá trị đặc biệt với công tác giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; là địa chỉ "đỏ", điểm đến trong các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, là điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Khu di tích đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.

Bổ sung 2 dự án vào quy hoạch ngành hóa chất và phân bón

Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án sản xuất chất tẩy rửa của Công ty Tayca Việt Nam, công suất 10.100 tấn/năm vào Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030 và Dự án sản xuất, gia công, phối trộn, đóng bao các loại phân bón công suất 400.000 tấn/năm của Công ty Behn Meyer Agriacare Việt Nam vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối mặt hàng phân bón giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2025.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Công ty nêu trên thực hiện nghiêm túc các nội dung đã cam kết trong quá trình đầu tư xây dựng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm góp phần đảm bảo cung - cầu thị trường, không phá vỡ các Quy hoạch được duyệt.

UBND các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các Dự án trên theo quy định hiện hành; giám sát Chủ đầu tư trong công tác vận hành Nhà máy bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường, hiệu quả, chất lượng sản phẩm; đồng thời rút kinh nghiệm không cho phép đầu tư đối với các dự án không nằm trong quy hoạch hoặc dự án chưa được sự chấp thuận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy hoạch ngành hóa chất và Quy hoạch ngành phân bón trên cả nước, bảo đảm tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành.


Đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở giáo dục ĐH công lập

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/12/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/12/2014 của Chính phủ đã tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học công lập (các Trường tự chủ) đổi mới toàn diện về đào tạo và nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính. Tuy nhiên, trong hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP, một số Trường, Bộ chủ quản và các Bộ, ngành liên quan chưa chủ động, tích cực triển khai các nội dung tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các Trường tự chủ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan vận dụng tối đa các quy định về tự chủ của Nghị quyết số 77/NQ-CP, tích cực chủ động hơn trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng đào tạo; triển khai hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, bảo đảm không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của các đối tượng chính sách, thuộc hộ nghèo.

Về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh, bổ sung các quy định bảo đảm quyền tự chủ về chuyên môn, học thuật cho các Trường như: tăng cường quản lý chất lượng đầu ra, hạn chế quy định cứng các chỉ tiêu đầu vào; tăng tỷ lệ lực lượng giảng viên ngoài cơ hữu, có năng lực, trình độ đang làm việc cho Trường để xét quy mô tuyển sinh; yêu cầu tất cả các Trường thống kê số lượng tuyển sinh và điểm tuyển sinh trong thời gian 3 năm gần đây, công khai thông tin trên website của Trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Tài chính có văn bản giải quyết trong thẩm quyền ngay những vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính trong thực hiện tự chủ, trong đó có việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nguồn thu lãi tiền gửi ngân hàng để lập quỹ hỗ trợ sinh viên và nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ, các lớp đào tạo ngắn hạn của các Trường tự chủ. Trường hợp không miễn được thì hỗ trợ lại đúng bằng tiền thuế Trường đã nộp, bảo đảm nhu cầu chi tiêu, nâng cao chất lượng đào tạo cho các Trường tự chủ. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ chủ quản rà soát lại ngay các quy định đảm bảo quyền tự chủ thu chi theo quy định của các Trường; bãi bỏ các quy định trái với tinh thần tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP.

Phó Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cần phát huy tốt vai trò, vị trí của mình, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo; tích cực hỗ trợ các Trường trong các hoạt động tuyển sinh, thi cử, xây dựng và khai thác học liệu. Đồng thời các Trường tự chủ cần tích cực tham gia, đóng góp vào các hoạt động của Hiệp hội nhất là trong công tác kiểm định, xếp hạng đại học, xây dựng trung tâm học liệu./.