Chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.

Theo Nghị định trên, hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ tháng thứ mười ba trở đi thì được nghỉ phép hàng năm; thời gian nghỉ là 10 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.

Hạ sĩ quan, binh sĩ là học viên các học viện, nhà trường trong, ngoài Quân đội, thời gian học từ một năm trở lên có thời gian nghỉ hè giữa hai năm học thì thời gian nghỉ này được tính là thời gian nghỉ phép và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.

Trường hợp đặc biệt do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hoặc ở những nơi điều kiện đi lại khó khăn không thể giải quyết cho nghỉ phép thì được thanh toán bằng tiền. Mức tiền thanh toán một ngày không nghỉ phép bằng mức tiền ăn cơ bản một ngày của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh.

Hạ sĩ quan, binh sĩ đã nghỉ phép năm theo chế độ, nếu gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn nặng hoặc bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng và con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trần, mất tích hoặc hạ sĩ quan, binh sĩ lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nghỉ phép đặc biệt, thời gian không quá 05 ngày (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành

Hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm

Nghị định cũng quy định ngoài chế độ phụ cấp quân hàm được hưởng theo quy định, hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ thì từ tháng thứ hai mươi lăm trở đi, hàng tháng được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng. Khoản phụ cấp thêm này không áp dụng đối với hạ sĩ quan, binh sĩ đang chờ chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; chờ đi học, dự thi tuyển sinh; đang học ở các học viện, nhà trường trong, ngoài Quân đội và các trường hợp khác.

Còn hạ sĩ quan, binh sĩ nữ phục vụ tại ngũ, hàng tháng được hưởng phụ cấp khuyến khích mức 0,2 so với mức lương cơ sở.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ nếu trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên nếu vay tiền từ ngân hàng chính sách xã hội thì được tạm hoãn trả và không tính lãi suất trong thời gian tại ngũ theo quy định hiện hành.

Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, văn hoá, sức khoẻ, độ tuổi thì được tham gia tuyển sinh theo quy định của Bộ Quốc phòng và được cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định hiện hành.

Nghị định cũng quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần, trợ cấp tạo việc làm, cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ và chế độ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm khi xuất ngũ.

Sử dụng dịch vụ hỏa táng được hỗ trợ chi phí

Theo quy định tại Nghị định về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng, người sử dụng dịch vụ hỏa táng được hỗ trợ chi phí hỏa táng, chi phí vận chuyển và các chi phí khác.

Sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại

Cũng theo quy định tại Nghị định trên, tất cả các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được quy hoạch. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tuân thủ pháp luật về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường.

Xây dựng mới hoặc mở rộng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Các nghĩa trang có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan, môi trường chưa phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh thì địa phương cải tạo.

Các nghĩa trang phải đóng cửa khi không còn diện tích sử dụng, gây ô nhiễm môi trường và theo quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt

Nhà nước khuyến khích đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phục vụ cho nhiều địa phương, sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm tối đa đất, kinh phí xây dựng và đảm bảo yêu cầu môi trường và cảnh quan xung quanh.

Mỗi phần mộ không quá 5 m2

Nghị định cũng quy định, việc táng phải được thực hiện trong các nghĩa trang, trường hợp táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải bảo đảm vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của UBND các cấp theo phân cấp của UBND cấp tỉnh. Việc táng phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại.

Đồng thời, Nghị định cũng quy định diện tích đất tối đa cho mỗi phần mộ cá nhân. Cụ thể, diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5 m2. Diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ cát táng tối đa không quá 3 m2.

Theo quy định tại Nghị định, các đối tượng bảo trợ xã hội khi chết được hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định hiện hành.

Nhân rộng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn

Xây dựng và nhân rộng các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Đây là giải pháp được đưa ra tại Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành.

Trong đó, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cung cấp tài liệu và hỗ trợ điều kiện kỹ thuật để UBND cấp xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng và phát triển các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội vận động các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Cụ thể, Hội Nông dân Việt Nam hướng dẫn và vận động gia đình hội viên đăng ký, cam kết sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hướng dẫn và vận động hộ nông dân do phụ nữ là chủ hộ đăng ký, cam kết sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn; Hội Cựu Chiến binh Việt Nam hướng dẫn và vận động gia đình hội viên là hộ nông dân đăng ký, cam kết sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn.

Giải pháp khác của Chương trình phối hợp là tổ chức tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm từ Trung ương tới khu dân cư.

Ngoài ra, tổ chức giám sát chấp hành pháp luật an toàn thực phẩm do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ trì thực hiện.

Chương trình phối hợp nhằm tổ chức vận động toàn xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở hình thành nếp sống văn hóa: Nông dân Việt Nam là người sản xuất thực phẩm an toàn, người Việt Nam tiêu dùng thực phẩm phải an toàn, góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nâng cao uy tín quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, tạo dư luận xã hội mạnh mẽ cổ vũ, biểu dương và tổ chức nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, đồng thời, kiên quyết phê phán, xử lý theo quy định của pháp luật hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Thành lập Cục Hải quan Hà Nam Ninh

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Cục Hải quan Hà Nam Ninh trực thuộc Tổng cục Hải quan để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn các tỉnh: Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.

Cục Hải quan Hà Nam Ninh có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật, trụ sở làm việc đặt tại tỉnh Ninh Bình.

Giao vốn xây dựng nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa giao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, ưu tiên vốn hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã nghèo huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng như các huyện nghèo.

Tập trung đầu tư cho các xã mới đạt 5 tiêu chí và các xã đã đạt trên 15 tiêu chí để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; chú trọng đầu tư cho các xã hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi); hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường.

Về tiêu chí phân bổ, các xã nghèo, đặc biệt khó khăn chia thành 2 mức: Các xã dưới 5 tiêu chí hệ số 5,0, các xã còn lại hệ số 4,0; các xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên hệ số 1,3; các xã không thuộc đối tượng ưu tiên hệ số 1,0.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chủ động dành một phần nguồn lực từ ngân sách địa phương và tăng cường huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Chương trình.

Mức bố trí vốn cụ thể của cho từng xã do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định theo quy định.

Huyện đầu tiên tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm công bố theo quy định và khen thưởng theo Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".

Tính đến hết năm 2015, huyện Yên Định đã có 22/27 xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn lại 5 xã đã đạt trên 15 tiêu chí là các xã: Định Công, Yên Lạc, Yên Thịnh, Yên Ninh và Yên Thọ.

Trên địa bàn huyện, hạ tầng kinh tế được tăng cường, bộ mặt nông thôn đã đổi mới rõ nét, các công trình được xây dựng khang trang, hiện đại, văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Bên cạnh đó, các hình thức tổ chức sản xuất được quan tâm chỉ đạo, nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống cho nhân dân.

Hỗ trợ đào tạo nhân lực dệt may

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ 63.454,3 triệu đồng cho Tập đoàn Dệt May Việt Nam từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo thuộc ngân sách trung ương năm 2016 để đào tạo nguồn nhân lực Dệt May năm 2016.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dệt May Việt Nam quản lý, sử dụng số kinh phí bổ sung thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Được biết, ngày 14/03/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các cơ chế chính sách tài chính để hỗ trợ triển khai thực hiện các Chương trình sản xuất vải phục vụ xuất khẩu, Chương trình phát triển cây bông, Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dệt May.

Theo quy định, kinh phí nhà nước sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực Dệt May được bố trí trong dự toán ngân sách trung ương hàng năm.

Công ty kính nổi Chu Lai được tiếp tục nhập khẩu săm lốp ô tô cũ

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc nhập khẩu săm lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị của các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, UBND tỉnh Ninh Bình về việc cho phép Công ty cổ phần Kính nổi Chu Lai - INDEVCO tiếp tục được nhập khẩu săm lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng, bổ sung nguồn thu mua trong nước còn thiếu để sản xuất nhiên liệu tại Nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic tại xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình phục vụ hoạt động sản xuất kính xây dựng; thời gian thực hiện đến hết năm 2021.

Trước mắt, cho phép Công ty INDEVCO nhập khẩu khối lượng không quá 260.000 tấn trong thời hạn 02 năm kể từ ngày được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Công ty INDEVCO nhập khẩu đúng chủng loại, khối lượng, sử dụng đúng mục đích; tuân thủ các yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu và trong hoạt động sản xuất; mở rộng việc thu mua phế liệu, phế thải trong nước tiến tới thay thế nhập khẩu.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sau thời hạn 2 năm được phép nhập khẩu săm lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình nhập khẩu, tái chế săm lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng và điều kiện bảo vệ môi trường của Nhà máy để có căn cứ xem xét, cho phép tiếp tục nhập khẩu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra điều kiện hoạt động bảo vệ môi trường và cấp Giấy xác nhận điều kiện bảo vệ môi trường trong quá trình xử lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định.

Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Ninh Bình kiểm tra, giám sát và đánh giá hoạt động nhập khẩu, công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất, báo cáo theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn Công ty INDEVCO về thuế nhập khẩu, thủ tục nhập khẩu, thông quan tại các cửa khẩu; UBND tỉnh Ninh Bình có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu và hoạt động sản xuất của Công ty INDEVCO theo đúng quy định./.