Yêu cầu bức thiết về minh bạch thông tin

Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin gồm 6 chương 31 điều được chuẩn bị từ năm 2008 đến nay. Các phiên thảo luận trước, nhiều đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành luật trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như nhu cầu minh bạch thông tin ngày càng lớn.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận định rất nhiều vấn đề cần phải công khai nhưng hiện nay đều là “mật”. "Ví dụ tình hình sức khoẻ của cán bộ đi nước ngoài có gì đâu mà bí mật. Việc không công khai gây nên đồn thổi không tốt, xáo trộn bất ổn xã hội", ông Sơn dẫn chứng.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói: "Đến thư mời đi họp cũng ghi mật thì còn gì để công khai. Do đó cần có danh mục những loại thông tin không được cung cấp và thể hiện trong luật".

Trên thế giới đến nay có khoảng 100 nước ban hành luật riêng quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân. Nước đầu tiên là Thụy Điển (năm 1766), đa số các nước còn lại ban hành luật vào những năm 1990 trở lại đây. Ở châu Á, một số nước đã ban hành luật về tiếp cận thông tin như Thái Lan (1997), Hàn Quốc (1996), Nhật Bản 2001), Ấn Độ (2005), Trung Quốc (2007), Indonesia (2008)...

Các đại biểu quốc hội nhấn nút tán thành thông qua Luật Tiếp cận Thông tin

Luật đã quy định rõ mức độ được tiếp cận của thông tin

Luật Tiếp cận thông tin vừa được Quốc hội thông qua nhấn mạnh mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân, đúng trình tự, thủ tục pháp luật. Theo đó, những thông tin công dân có quyền tiếp cận bao gồm tất cả thông tin của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật này như: Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; Thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước;…

Cơ quan nhà nước cung cấp thông tin có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời cho cơ quan thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, Luật cũng nêu rõ việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết, vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự - an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Những thông tin công dân không được tiếp cận, gồm: Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác theo quy định của luật về bí mật nhà nước; Những thông tin chưa được giải mật; Thông tin do người đứng đầu cơ quan nhà nước xác định theo thẩm quyền mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại lớn đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác…

Riêng đối với người Việt Nam cư trú ở nước ngoài, trường hợp nếu họ có quốc tịch Việt Nam thì được thực hiện quyền tiếp cận thông tin như công dân trong nước; trường hợp họ không còn quốc tịch Việt Nam thì thực hiện tiếp cận thông tin theo quy định áp dụng đối với người nước ngoài.

Luật tiếp cận thông tin tại Việt Nam có hiệu lực từ 1/7/2018./.