Sáng ngày 06/04/2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã triệu tập cuộc họp cho ý kiến về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ trưởng chia sẻ, đây là cuộc họp cuối cùng với vai trò là Trưởng ban soạn thảo Luật của mình.

Cần thì rất là cần…

Nhấn mạnh vai trò của lực lượng DNNVV trong nước, Bộ trưởng Vinh chỉ rõ, nếu không đẩy mạnh lực lượng doanh nghiệp này, thì đất nước sẽ rất gay go. Khi đó, khối doanh nghiệp phân biệt thành 2 mảng: doanh nghiệp FDI phát triển, còn doanh nghiệp Việt Nam thì lụi bại đi.

Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh: “Chúng ta có thể vượt được dốc tăng trưởng hay là bị tụt xuống phụ thuộc vào việc chúng ta có xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam, trọng tâm là đối tượng DNNVV đủ mạnh hay không?”.

Bộ trưởng Vinh chia sẻ, thời gian tại nhiệm của ông không còn nhiều, chỉ tính bằng đơn vị ngày, nên ông muốn tập trung nốt những ngày này cho doanh nghiệp, vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Vinh chia sẻ, thời gian tại nhiệm của ông chỉ tính bằng đơn vị ngày, nên ông muốn tập trung nốt thời gian này vì sự phát triển của DN

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Phó ban soạn thảo Luật cho hay, DNNVV được coi là “xương sống” của nền kinh tế, giữ vai trò trọng yếu trong việc tiếp nhận cơ hội đem lại những lợi ích cho kinh tế đất nước.

Trên thực tế, đây là lực lượng đông đảo nhất trong giới kinh doanh, chiếm tới 95% số lượng doanh nghiệp, chiếm tới 70% doanh số và đóng góp hơn 50% GDP của cả nước. Đặc biệt, đây là lực lượng cung cấp số lượng việc làm lớn nhất, so với các thành phần kinh tế khác.

Nhận thức được vai trò quan trọng của khối DNNVV trên cơ sở Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, nhiều kế hoạch, chương trình dự án hỗ trợ DNNVV đã được thực thi như: Kế hoạch Phát triển DNNVV giai đoạn 2006-2010 và Kế hoạch Phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015 tại các Quyết định số 236/2006/QĐ-TTg, ngày 23/11/2006 và Quyết định số 1231/QĐ-TTg, ngày 7/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, nhiều chính sách mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích chung, chưa có những quy định ưu đãi rõ ràng, kết quả hỗ trợ còn hạn chế. Tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ còn chậm, thời gian để xây dựng các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện có khi kéo dài từ 2 đến 3 năm, việc tổ chức thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc.

Trong khi đó, đối với một doanh nghiệp, muốn phát triển bền vững thì phải có cả yếu tố nguồn lực, tài chính, trình độ công nghệ, khả năng tiếp cận thông tin thị trường, hiểu biết pháp lý… vì vậy cần có sự hỗ trợ mang tính tổng thể của Nhà nước. Việt Nam cần luật hóa các chính sách hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp này

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không có quốc gia nào không có chính sách riêng biệt cho DNNVV”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nêu rõ.

Số lượng của Việt Nam chỉ khoảng 700.000, đó là tính số đăng ký, số hoạt động còn ít hơn nữa. Trong khi, tại Italia, cứ 9-10 người dân lại có 1 doanh nghiệp.

Chưa kể tới việc, theo thống kê, 2/3 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực buôn bán, thương mại, chỉ có 1/3 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào sản xuất vật chất. Trong khi, chúng ta nên có tỷ trọng ngược lại.

“Vì thế, nếu không có chính sách phù hợp, thì sẽ thành một nước chỉ buôn bán, chứ không có sản xuất, chế tác. Và, nếu không có một hệ sinh thái hỗ trợ một cách hoàn chỉnh cho khối DNNVV, thì không thể giúp họ phát triển”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

…nhưng không thể là khẩu hiệu hô hào chung chung

“Luật này không phải luật khó, nhưng cũng lại rất khó vì xuyên ngang các luật khác. Nếu không đụng chạm đến những cái cụ thể, thì lại như một lời hiệu triệu, mang tính hô hào, vô nghĩa đối với doanh nghiệp. Còn nếu đề xuất những cái cụ thể, thì lại đụng chạm tới nhiều bộ, ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, như: lãi suất, thuế… Vì thế, nêu không phải vì sự nghiệp doanh nghiệp, thì không thể làm được và Luật cũng khó được thông qua”, Bộ trưởng Vinh trăn trở.

Vì thế, mục tiêu của cuộc họp là phải bắt mạch nguyên nhân vì sao Đảng, Nhà nước, các bộ ngành luôn nói là cổ vũ, khuyến khích DNNVV, nhưng họ không thể phát triển, để từ đó có thể “kê thuốc” đúng bệnh, mới ra được luật tốt.

Thay mặt Tổ soạn thảo Luật, PGS, TS. Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là một Luật mới, lần đầu tiên xây dựng tại Việt Nam, dù tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới đã có Luật này từ lâu (Nhật Bản năm 1963; Indonesia năm 1995; Mỹ năm 1953…)

Luật bao hàm những nội dung hỗ trợ cắt ngang (cross-cutting) và liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực theo quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp.

Và điều quan trọng là Luật thể hiện sự thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận từ quản lý sang phục vụ, trong đó Nhà nước thành chủ thể cung cấp dịch vụ kinh doanh.

Một số nội dung hỗ trợ, ưu đãi cụ thể (tài chính, tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất…) đang được đề xuất trong dự thảo Luật

Tỷ lệ dư nợ cho vay DNNVV tối thiểu 30% tổng dư nợ cho vay của NHTM?

Lãi suất cho vay DNNVV không vượt quá 85% lãi suất cho vay thương mại tại từng thời điểm?

Kiện toàn, đổi mới mô hình Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương? Hoặc sáp nhập vào Quỹ đầu tư phát triển địa phương để bảo lãnh cho DNNVV?

Ưu đãi thuế TNDN cho DNNVV tối thiểu thấp hơn 5% so với mức thuế suất phổ thông (20%) để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu & phát triển?

Ưu đãi về mặt bằng SXKD cho DNNVV tại khu, cụm công nghiệp?

Giảm 50% thuế TNCN cho nhân lực công nghệ cao trong DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?

Bổ sung nhiệm vụ NSNN cho hỗ trợ DNNVV, tối thiểu 0,05% số chi NSNN năm trước?

Đại diện Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Kiều Đình Thụ đồng tình với ý kiến của các thành viên ban soạn thảo Luật.

Ông khẳng định, phát triển DNNVV cực kỳ quan trọng. Vì thế, việc ban hành luật cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, ông lưu ý, cần giới hạn chính sách, không thể ưu đãi tùm lum được. Do đó, cần một khái niệm doanh nghiệp nhỏ và vừa sao cho chính xác để giới hạn chính sách.

Về góc độ của nhà quản trị, ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà quản trị Việt Nam mong muốn, mục tiêu của Luật cần rõ hơn. Cần tập trung nâng cao sức cạnh tranh của DNNVV hiện có, tăng trường nâng cao chất lượng và sức sáng tạo của doanh nghiệp mới, tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp này.

Ông Tiến đề xuất, đối tượng áp dụng nên thu hẹp hơn, chỉ có DNNVV Việt Nam. Tuy nhiên, phải phân biệt được doanh nghiệp DNNVV với các doanh nghiệp vệ tinh do các tập đoàn, tổng công ty lập ra để tập trung hỗ trợ.

Về nguyên tắc hỗ trợ, ông Tiến đề nghị cân nhắc hỗ trợ theo dự án về tổng thể, và doanh nghiệp nên có phần tỷ lệ đối ứng.

Còn ông Đậu Anh Tuấn thì cho rằng, cách tiếp cận của Luật đã rất mới, tức là đã đứng ở vị trí của doanh nghiệp để thấy được mong muốn, cũng như khó khăn của họ, từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ trong Luật.

Tuy nhiên, nếu đưa ra những con số cứng quy định như trong dự thảo Luật thì lại không khả thi và mang hơi hướng can thiệp hành chính.

Thay vào đó, nên rà soát những quy định hành chính hiện tại đối với các doanh nghiệp để xem các quy định nào khiến doanh nghiệp mất chi phí, mất thời gian, ví dụ quy định của luật kế toán, mẫu biểu dùng chung, thủ tục hành chính mất thời gian...

Là đại diện cho địa phương, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ tịch UBND Hải Phòng cũng đồng tình rằng, cần làm rõ đối tượng điều chỉnh và phạm vi tác động của Luật. Vì nếu hỗ trợ tất cả thì chắc chắn sẽ không đủ. Theo ông, cần phải làm rõ điều kiện cụ thể để được hưởng hỗ trợ? Thế nào là hỗ trợ? Hỗ trợ cái gì?

Đặc biệt, cần phải xác định rõ vai trò của chính quyền địa phương thế nào? Bởi theo điều 5 của Dự thảo Luật, thì địa phương không thể làm được, vì rất chung chung.

Bên cạnh đó, một vấn đề hiện nay đang khá phổ biến, đó là tình trạng xung đột luật. Luật nào cũng to, cũng thẩm quyền như nhau. Vì thế, nên rà soát những quy định nào đang là rào cản, đang không đồng nhất với Luật này.

“Cần thiết thì đề xuất sửa đổi, bổ sung, để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật”, ông Bình đề xuất.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, Luật phải làm rõ mục tiêu là tạo ra nhận thức xã hội, tạo ra phong trào tại Việt Nam, doanh nghiệp là tiên phong, đổi mới công nghệ. Thể hiện rõ tư duy đổi từ bộ máy cai trị sang bộ máy phục vụ. Coi thương hiệu của doanh nghiệp là thương hiệu của quốc gia, coi sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của quốc gia.

Bộ trưởng Vinh lưu ý, cần phải rà lại toàn bộ quy trình, bắt đầu từ đối tượng có tư tưởng khởi nghiệp xem họ cần gì, họ đang thiếu gì để thành lập và phát triển được. Phải tạo được môi trường liên kết cho doanh nghiệp, làm được điều đó thì DNNVV mới có thị trường.

“Phải đánh bật tư duy không làm mà muốn giàu, phải chiến thắng bằng công nghệ và chúng ta phải hỗ trợ cho những điều như vậy”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Với tư duy đó, Bộ trưởng cho rằng, cần phân ra hai loại hỗ trợ: Hỗ trợ chung cho DNNVV với mức vừa phải thôi. Còn lại sẽ tập trung hỗ trợ theo mục tiêu. Để thực hiện được phải đưa ra tiêu chí, điều kiện chọn.

Bộ trưởng cũng cho rằng, mục tiêu của Luật là hỗ trợ, nhưng không được tiếp cận bằng hành chính hóa, vừa không khả thi, vừa phi thị trường.

“Cần thiết kế ra những chính sách để doanh nghiệp thấy thuận lợi thì làm, chứ không phải vì hỗ trợ thì mới làm”, Bộ trưởng tâm huyết.

Bộ trưởng Vinh mong muốn, người kế nhiệm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới sẽ tiếp tục lãnh trách nhiệm vì sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và bảo vệ thành công tại Chính phủ và Quốc hội.

Theo dự kiến, tháng 7 sẽ trình Chính phủ, và tháng 10 trình Quốc hội mới cho ý kiến lần đầu./.