Hiện nay, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đang lấy ý kiến chuyên gia, ngươi dân về việc sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT).

Theo Dự thảo sửa đổi, tới đây sẽ có 6 tên gọi về sữa dạng lỏng, bao gồm: sữa tươi nguyên chất, sữa tươi, sữa tươi tách béo, sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp. Điều đáng chú ý nhất là khái niệm “Sữa tiệt trùng” trong QCVN 5-1:2010/BYT sẽ được chia rõ thành 3 tên gọi sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp. Theo Cục An toàn thực phẩm thì sữa hoàn nguyên, sữa pha lại để chỉ các sản phẩm chế biến từ sữa bột; sữa hỗn hợp để chỉ các sản phẩm có pha giữa sữa bột và sữa tươi.

Trước đó, sản phẩm sữa chế biến dạng lỏng đang được quản lý theo QCVN 5-1:2010 của Bộ Y tế ban hành năm 2010. Quy chuẩn này đã phân chia sản phẩm sữa dạng lỏng thành 7 loại: Sữa tươi nguyên chất thanh trùng; sữa tươi thanh trùng; sữa tươi nguyên chất tiệt trùng; sữa tươi tiệt trùng; sữa tiệt trùng; sữa cô đặc và sữa cô đặc có bổ sung chất béo thực vật.

Theo đó, khái niệm “sữa tiệt trùng” thực chất là sản phẩm được chế biến bằng cách bổ sung nước với sữa dạng bột, sữa cô đặc hoặc sữa tươi và có thể bổ sung thêm các thành phần khác, như: đường, nước quả, cacao, cà phê hoặc các phụ gia thực phẩm khác.

Nhưng trên thị trường, trong một thời gian dài sản phẩm “sữa tiệt trùng” vẫn được người tiêu dùng nhầm lẫn với sản phẩm “sữa tươi tiệt trùng”.

Sự mập mờ, với tên gọi gần giống nhau của hai sản phẩm sữa là cơ hội để các doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột tung ra các sản phẩm sửa lỏng “sữa tiệt trùng” có giá cạnh tranh, dần dần chiếm lĩnh thị phần.

Việc sửa đổi các khái niệm về sữa được hy vọng sẽ đem lại lợi ích tối đa cho người tiêu dùng

Như vậy, với Dự thảo mới, các khái niệm sẽ giải thích rõ ràng hơn nguyên liệu sản xuất sữa dạng lỏng để người tiêu dùng lựa chọn, phù hợp với thông lệ quốc tế (Codex Stan) và Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11216:2015. Quy định mới cũng sẽ giúp thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng giữa các doanh nghiệp, đồng thời "dễ thở" hơn cho nông dân sản xuất sữa tươi.

Với hệ thống tên gọi mới, các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh hệ thống kỹ thuật sản xuất cũng như khâu đóng gói, bảo quản sản phẩm để phù hợp với từng loại tên gọi.

Ngoài ra, để thị trường sữa phát triển minh bạch, Chính phủ cũng cần có chính sách điều tiết việc nhập khẩu sữa bột theo hướng giảm tỷ lệ nhập khẩu để bảo đảm phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước đặc biệt cần rà soát lại quy hoạch sản xuất nguyên liệu sữa tươi và quy hoạch các nhà máy chế biến sữa để đảm bảo sự phù hợp đồng bộ giữa tổng đàn bò, công suất chế biến sữa và thị trường tiêu thụ tránh tình trạng tranh mua - tranh bán, nhập khẩu sữa bột tràn lan do thiếu nguyên liệu đầu vào như thời gian qua./.