Hỗ trợ khẩn cấp người dân thiệt hại do hải sản chết bất thường

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 772/QĐ-TTg hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.

Cụ thể, hỗ trợ hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (gọi chung là cơ sở nuôi trồng thủy sản) bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường theo quy định tại Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg.

Hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng trong thời gian 1,5 tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu và hộ gia đình của lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV và các hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp.

Hỗ trợ một lần tối đa 5 triệu đồng/tàu không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV đánh bắt ven bờ và vùng lộng do phải tạm ngừng ra khơi khai thác hải sản. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể theo từng loại tàu, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ tối đa 6 tháng để thu mua, tạm trữ hải sản từ ngày 05/5-5/6/2016.

Hải sản khai thác trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào bờ thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế khi cơ quan có thẩm quyền xác nhận không bảo đảm an toàn buộc phải tiêu hủy thì được hỗ trợ không quá 70% giá trị.

Hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường (chi phí tiêu hủy hải sản chết bất thường như: chi phí vận chuyển, thu gom, vật tư, hóa chất khử trùng, tiêu độc; hỗ trợ tiền công tiêu hủy, bảo hộ lao động, trang thiết bị...).

Phê chuẩn Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang

Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với bà Hà Thị Minh Hạnh, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải.

Như vậy, UBND tỉnh Hà Giang có Chủ tịch UBND tỉnh là ông Nguyễn Văn Sơn và 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh gồm: ông Nguyễn Minh Tiến, ông Trần Đức Quý và bà Hà Thị Minh Hạnh.

Các cơ quan phối hợp đấu tranh phòng, chống buôn lậu

Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Quy chế này quy định trách nhiệm theo lĩnh vực, địa bàn và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và phân công trách nhiệm trong Quy chế này chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực Bộ, ngành mình quản lý theo nguyên tắc bảo đảm đúng quy định của pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ đối với công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, mỗi địa bàn, lĩnh vực do một cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì và tổ chức phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp, tham gia với lực lượng chủ trì theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định. Trường hợp phát hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn hoặc lĩnh vực cơ quan khác chủ trì thì cơ quan phát hiện thông báo ngay cho cơ quan có trách nhiệm chủ trì xử lý để phối hợp hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được phân công.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và tổ chức công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, địa phương mình trực tiếp quản lý. Trưởng Ban Chỉ đạo 389 địa phương giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc thẩm quyền chủ động tổ chức việc phối hợp hoạt động, trong đó có phân định cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo từng chuyên đề, lĩnh vực và địa bàn cụ thể, chịu trách nhiệm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Đảm bảo hỗ trợ lẫn nhau, tránh sơ hở, chồng chéo

Về quan hệ phối hợp hoạt động, quan hệ phối hợp hoạt động đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tuân thủ đúng pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; đảm bảo hỗ trợ lẫn nhau, tránh sơ hở, chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Quan hệ phối hợp hoạt động được thực hiện theo nguyên tắc kịp thời, hiệu quả; quá trình phối hợp không gây khó khăn, phiền hà hoặc kéo dài thời gian trong kiểm tra, xử lý hàng hoá buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; việc trao đổi thông tin tội phạm, điều tra, thực hiện các biện pháp công tác nghiệp vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải bảo đảm quy định về chế độ bảo mật.

Quy chế nêu rõ, người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kéo dài hoặc nghiêm trọng thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý thì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2016 Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước.

Để xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trở thành động lực phát triển của nền kinh tế, Thủ tướng lưu ý cần quán triệt các nguyên tắc: Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường… và cơ hội kinh doanh; nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ tiên lượng của chính sách để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp phát triển; doanh nghiệp tư nhân là động lực của sự phát triển kinh tế. Có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; quản lý nhà nước phải đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tập trung vào hậu kiểm gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tổ chức; thanh tra, kiểm tra, giám sát cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư tuân thủ tốt các quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư doanh nghiệp, trước mắt là rà soát, giải quyết triệt để những vướng mắc chưa phù hợp giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật liên quan.

Đồng thời tập trung xây dựng luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có chất lượng; giải quyết triệt để các vướng mắc phát sinh liên quan tới thủ tục đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp với nhiều hình thức mà Nhà nước, các địa phương cần phải quan tâm.

Tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thông qua đơn giải hóa các thủ tục chuyển nhượng, góp vốn đầu tư, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Bãi bỏ điều kiện kinh doanh không còn phù hợp

Về cải cách và nâng cao chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập hợp rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước ở các bộ, ngành và cơ quan liên quan, thực hiện công bố công khai để doanh nghiệp hiểu và thực hiện. Đơn giản hóa, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh. Kiên quyết bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, nghiêm cấm ban hành bất cứ điều kiện kinh doanh mới, nhất là giấy phép con, trái quy định pháp luật, ban hành không đúng thẩm quyền gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực thi, bảo đảm sự cần thiết, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước.

Đồng thời đổi mới tư duy, phương pháp và công cụ quản lý Nhà nước về điều kiện kinh doanh theo cơ chế thị trường, áp dụng cấp phép tự động và thực hiện hậu kiểm; rà soát, loại bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh ra khỏi các văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các sản phẩm và chất lượng sản phẩm để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thanh tra, kiểm tra, giám sát cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp và kết quả đánh giá hiệu lực quản lý, không trùng lắp trong việc thanh tra. Đặc biệt là công tác kiểm toán thuế minh bạch hơn, chống tiêu cực và tham nhũng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Không tăng phí, lệ phí, không tăng thuế, không tăng lãi vay ngân hàng tạo điều kiện giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Kiên quyết xử lý cán bộ gây phiền hà cho doanh nghiệp

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ hằng quý, tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp để nhận diện vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp trên địa bàn; thiết lập và công khai đường dây nóng điện thoại, website trực tuyến để trực tiếp nhận ý kiến phản ánh và giải đáp cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; theo nguyên tắc không bổ sung hồ sơ quá 1 lần, không được kéo dài thời gian xử lý thủ tục hành chính không đúng theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở ban ngành, đơn vị liên quan quán triệt đến từng cán bộ công chức về cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, chuyển mạnh mẽ sang tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp; công khai quy trình và các cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ; tăng cường thanh tra công vụ, kiên quyết xử lý các cán bộ, công chức vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các vi phạm của công chức trong phạm vi quản lý.

Đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các Bộ, ngành, địa phương: Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ thông tin trực tuyến giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý, giải quyết thủ tục hành chính; Công khai toàn bộ thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử; Thiết lập quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Các doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động trong việc trao đổi, phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh.

Áp dụng mức lương cơ sở tăng thêm tại BQL Làng VHDL các dân tộc Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định áp dụng hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm đối với công chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đối tượng áp dụng là công chức trong chỉ tiêu biên chế và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động làm việc tại các tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đã được xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Đối tượng nêu trên được áp dụng hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm 0,8 lần so với mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.

Đối tượng nêu trên không áp dụng trong các thời gian: Đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ; đi học tập trung trong nước từ 3 tháng liên tục trở lên; nghỉ việc riêng không hưởng lương từ 1 tháng, liên tục trở lên; nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; bị đình chỉ công tác, bị tạm giam.

Không áp dụng hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm nêu trên đối với viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam gồm: Tạp chí Làng Việt, Trung tâm Thông tin dữ liệu và Ban Quản lý Khu các làng dân tộc.

Kinh phí chi trả hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm nêu trên được ngân sách nhà nước bảo đảm và bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Các đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và Nghị định 117/2013/NĐ-CP ngày 7/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 130/2005/NĐ-CP.

Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Quyết định có hiệu lực từ 20/6/2016. Thời gian thực hiện hệ số điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm quy định tại Quyết định này được tính từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2018.

Hỗ trợ gạo cho tỉnh Thanh Hóa

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 502,335 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2016.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

Trường hợp sau khi thực hiện vẫn còn khó khăn, địa phương báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ.

Giải thể Quỹ giải quyết việc làm địa phương

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giải thể Quỹ giải quyết việc làm địa phương theo thẩm quyền.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, nguồn vốn còn lại tại thời điểm giải thể của Quỹ giải quyết việc làm địa phương thành lập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được tiếp tục thực hiện theo hình thức chính quyền địa phương ủy thác vốn ngân sách địa phương thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác./.