Hỗ trợ kịp thời người dân bị ảnh hưởng do cá chết bất thường

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về khắc phục hậu quả và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung.

Để bảo đảm công tác khắc phục hậu quả và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung kịp thời và đạt hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế tập trung thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đồng bộ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản liên quan, nhất là Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường, bảo đảm các chính sách hỗ trợ đến được với người dân kịp thời, đúng quy định, đúng đối tượng, nhằm ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Trường hợp có vướng mắc, yêu cầu khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thành lập BCĐ Quốc gia Chương trình hành động “Không còn nạn đói”

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia Chương trình hành động “Không còn nạn đói” ở Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2025 do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo.

Các Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thứ trưởng Bộ Y tế; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thứ trưởng Bộ Tài chính; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thứ trưởng Bộ Công Thương; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

4 ủy viên mời gồm: Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; 1 đại diện FAO tại Việt Nam; 1 đại diện UNDP tại Việt Nam.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025, chương trình, kế hoạch 5 năm, hàng năm và đột xuất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện Chương trình hành động Quốc gia, kế hoạch hàng năm, 5 năm và đột xuất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhằm huy động toàn xã hội, cả hệ thống chính trị vào thực hiện Chương trình hành động Quốc gia, kế hoạch 5 năm, hàng năm và đột xuất; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giải pháp huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tăng thêm nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu Chương trình hành động Quốc gia, kế hoạch 5 năm, hàng năm và đột xuất...

Đánh giá việc khai thác nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long; định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất.

Mục tiêu của Đề án là rà soát các quy định hiện hành, đánh giá thực trạng về công tác quản lý, khai thác nước dưới đất; xác định hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất và khoanh vùng các khu vực nước dưới đất bị hạ thấp tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá hiện trạng, diễn biến sụt lún mặt đất tại các khu vực khai thác nước dưới đất, mực nước dưới đất bị hạ thấp và xác định mức độ tác động của khai thác nước dưới đất đến sụt lún bề mặt đất.

Trên cơ sở thực trạng, kinh nghiệm quốc tế, đề xuất định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất, giảm thiểu tác động đến sụt lún bề mặt đất.

Đề án sẽ triển khai điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất tại khu vực thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xác định, lập bản đồ khoanh vùng phạm vi phễu hạ thấp mực nước dưới đất trong các tầng chứa nước tại khu vực thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời đánh giá hiện trạng, diễn biến sụt lún bề mặt đất tại các khu vực khai thác nước dưới đất (tại các phễu hạ thấp mực nước dưới đất trong các tầng chứa nước; các khu vực khai thác nước dưới đất vượt ngưỡng khai thác).

Bên cạnh đó phân tích, đánh giá xác định mối liên quan giữa sụt lún bề mặt đất và khai thác nước dưới đất tại các khu vực bị sụt lún bề mặt đất nằm trong phạm vi các phễu hạ thấp mực nước dưới đất.

Đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về định hướng quản lý, khai thác, sử dụng phù hợp nước dưới đất nhằm bảo đảm sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất, các biện pháp giảm thiểu tác động đến sụt lún bề mặt đất.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán, phân kỳ thực hiện Đề án; tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Đề án theo quy định./.