Tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Chính phủ gồm: 1- Trung tâm Hội nghị Quốc gia; 2- Hội trường Thống Nhất; 3- Nhà khách La Thành; 4- Trung tâm Hội nghị Quốc tế; 5- Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương (được đổi tên từ Nhà khách 37 Hùng Vương).

Như vậy, Trung tâm Hội nghị Quốc gia được tổ chức lại thành 4 đơn vị sự nghiệp công lập độc lập trực thuộc Văn phòng Chính phủ gồm: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Nhà khách La Thành, Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương.

Theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Chính phủ, về xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Chính phủ, Trung tâm Hội nghị Quốc gia tiếp tục là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Quyết định số 1275/QĐ-TTg ngày 28/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Tổng Giám đốc tiếp tục được hưởng phụ cấp chức vụ hệ số 1,25.

Hội trường Thống Nhất, Nhà khách La Thành, Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương là đơn vị sự nghiệp công lập hạng một; Giám đốc được hưởng phụ cấp chức vụ hệ số 1,0.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập có kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phù hợp với quy hoạch chung; nâng cao chất lượng phục vụ nhất là phục vụ nhiệm vụ chính trị; tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Chính phủ.

Lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 5.

Hội đồng này có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tiến sĩ Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch Hội đồng.

3 Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Trung Tá, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Hiệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Hội đồng có 19 Ủy viên gồm: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc, Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới”, mã số KC.02/11-15; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hữu Nghĩa, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2015; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lạc Hồng, Học viện Kỹ thuật quân sự; Giáo sư, Tiến sĩ Lộc Phương Thủy, nguyên Trưởng phòng Văn học nước ngoài, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội; Giáo sư, Tiến sĩ Từ Quang Hiển, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quốc Khánh, Đại học Bách khoa Hà Nội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm; Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hoài Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam; Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Học viện An ninh nhân dân; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Sâm, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí, Đại học Sư phạm Hà Nội; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Văn Bát, nguyên Trưởng Khoa Địa chất, Trường Đại học Mỏ - Địa chất; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thanh Thủy, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế; Tiến sĩ Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Hội đồng hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều 17 và khoản 3 Điều 21 Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.

Kéo dài thời gian xây dựng CSDL địa giới hành chính

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định kéo dài thời gian triển khai thực hiện Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính" theo quy định tại Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính" theo quy định tại Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 31/12/2020 (quy định cũ đến hết năm 2015).

Kinh phí đảm bảo nhiệm vụ thực hiện Dự án của các Bộ, ngành Trung ương và kinh phí giải quyết tranh chấp địa giới hành chính giữa đơn vị hành chính cấp tỉnh do ngân sách trung ương đảm bảo.

Kinh phí bảo đảm nhiệm vụ thực hiện Dự án của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ngân sách địa phương đảm bảo. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thì ngân sách trung ương hỗ trợ một phần theo khả năng ngân sách nhà nước.

Theo Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012, mục tiêu của Dự án là xác định rõ phạm vi quản lý theo địa bàn lãnh thổ giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giữa các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và giữa các xã, phường, thị trấn trên đất liền và trên biển. Đảm bảo khép kín đường địa giới hành chính các cấp và thống nhất với đường biên giới quốc gia.

Bên cạnh đó, xây dựng Bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính các cấp đảm bảo tính khoa học, đầy đủ, chính xác, pháp lý và thống nhất làm cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính và xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, vùng lãnh thổ, từng địa phương.

Kiện toàn BCĐ Đề án số hóa truyền hình Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn làm Trưởng ban chỉ đạo.

Các ủy viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo của các cơ quan: Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài chính; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam.

Theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2012, Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ thống nhất chỉ đạo việc thực hiện Đề án số hóa truyền hình mặt đất trên phạm vi cả nước; quyết định thời điểm kết thúc truyền hình tương tự mặt đất để chuyển sang truyền hình số mặt đất trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương phối hợp tổ chức thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất; kiểm soát, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững cho các doanh nghiệp tham gia truyền dẫn, phát sóng số theo đúng Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020, Đề án số hóa và Quy hoạch về tần số vô tuyến điện về phát thanh, truyền hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ban Chỉ đạo này cũng giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định thời điểm kết thúc truyền hình tương tự mặt đất để chuyển sang truyền hình số mặt đất tại từng địa phương...

Phương án cổ phần hóa Tổng công ty Giấy Việt Nam

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Phương án cổ phần hóa Tổng công ty Giấy Việt Nam và xử lý Dự án Nhà máy bột Giấy Phương Nam.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý, kéo dài 6 tháng tính từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm bán cổ phần lần đầu của Tổng công ty Giấy Việt Nam để thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty này theo quy định.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam khẩn trương đề xuất phương án xử lý dứt điểm tồn tại của Dự án Nhà máy bột Giấy Phương Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao Tổng công ty Giấy Việt Nam tiếp tục quản lý và xử lý các tồn tại của Dự án Nhà máy bột Giấy Phương Nam theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty theo quy định.

Đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Minh Hưng – Sikico

Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico, tỉnh Bình Phước.

Dự án do Công ty cổ phần công nghiệp Minh Hưng - Sikico làm chủ đầu tư với quy mô diện tích quy hoạch là 655 ha tại xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm. Tổng mức đầu tư thực hiện Dự án gần 3.400 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước chỉ đạo chủ đầu tư nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lập, trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; chỉ đạo việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần công nghiệp Minh Hưng - Sikico thực hiện dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, đôn đốc các đơn vị liên quan phối hợp với chủ đầu tư triển khai các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động trong khu công nghiệp, trong đó có vấn đề nhà ở cho người lao động; thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016-2020 theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Nghệ An cần tích cực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

Năm 2015, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) Nghệ An tăng 7,43%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của 3 năm gần đây; bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 7,89%; GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 29 triệu đồng/người/năm, tăng gần 2 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP quý I năm 2016 tăng 6,46%, cao hơn so với tốc độ tăng của 4 năm gần đây. Cơ cấu kinh tế nội ngành và cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn có bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, đã có 114 xã (đạt 27%) chỉ tiêu nông thôn mới.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội đã được quan tâm chỉ đạo; an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,1% (tính theo tiêu chí mới). Tạo việc làm mới cho 38.000 lao động trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016 tạo việc làm mới cho 11.000 lao động (trong đó có 2.500 người xuất khẩu lao động).

Môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu của Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Năm 2015 và 4 tháng đầu năm 2016, đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 190 dự án, với tổng vốn đăng ký 103.708,42 tỷ đồng.

Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An phát triển còn ở mức thấp so với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 thấp hơn so với năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng còn ở mức cao so với cả nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Nợ thuế tuy có giảm nhưng vẫn cao hơn tỷ lệ quy định, nợ bảo hiểm xã hội còn nhiều.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Nghệ An rà soát lại các dự án trọng điểm theo thứ tự ưu tiên. Thẩm định lại các dự án đầu tư có tổng mức đầu tư lớn để cắt giảm, tiết kiệm các chi phí bất hợp lý. Tích cực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Tỉnh Nghệ An cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030 tầm nhìn 2050; chú trọng xây dựng, lập Đề án phát triển đại lộ Vinh - Cửa Lò như một trục tăng trưởng quan trọng của thành phố Vinh.

Đồng thời tập trung thực hiện Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 25/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận đô thị du lịch biển Cửa Lò. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch tại phía Đông thị xã Cửa Lò; huy động vốn tư nhân tham gia nâng cấp các tuyến đường ven biển.

Bên cạnh đó cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. Có các giải pháp tích cực để mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới khi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Nghệ An tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; kết hợp nông thôn mới với phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.

Hà Tĩnh cần huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh trạnh. Huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, các hình thức đầu tư.

Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tập trung triển khai các công trình trọng điểm bảo đảm đúng và vượt tiến độ kế hoạch đã đề ra.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có lợi thế lớn của Tỉnh, tạo sản phẩm hàng hóa có quy mô lớn, giá trị cao, xây dựng thương hiệu, gắn sản xuất với tiêu thụ.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng cần triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế; bảo đảm hoàn thành thu ngân sách năm 2016 đạt kế hoạch được giao. Thực hiện tốt các biện pháp tiết kiệm chi ngân sách.

Bên cạnh đó thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả Chiến lược quốc gia về giảm nghèo bền vững trên cơ sở lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế, chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế nhưng cơ cấu kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển dịch đúng hướng, 4 tháng đầu năm 2016 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước; các dự án trọng điểm trên địa bàn được quan tâm đẩy nhanh tiến độ, nhất là các dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng. Thực hiện tốt việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tăng nhanh.

Tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện tốt việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, toàn diện trên các lĩnh vực, có chiều sâu, vững chắc. Xây dựng được nhiều mô hình sản xuất kinh doanh trong xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ mới, liên kết với doanh nghiệp đạt hiệu quả cao. Đã có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 22,6%), không còn xã dưới 8 tiêu chí.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn có một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội và thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh trong 4 tháng đầu năm 2016 thấp hơn bình quân chung cả nước./.