Vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra phạt đến 80 triệu đồng

Theo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan, vi phạm quy định về kiểm tra hải quan, thanh tra sẽ bị phạt đến 80 triệu đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đã được đăng ký mà không ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp hoặc không vi phạm chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế của cơ quan hải quan.

Hành vi đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra hải quan với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Phạt tiền từ 40-80 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng niêm phong hải quan giả mạo; sử dụng chứng từ, tài liệu giả mạo, không hợp pháp, không đúng với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để khai, nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan mà không phải là tội phạm; sử dụng bất hợp pháp tài khoản đăng nhập, chữ ký số được cấp cho tổ chức, cá nhân khác để thực hiện thủ tục hải quan; truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin hải quan mà không phải là tội phạm.

Bổ nhiệm 2 Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ nhiệm 2 Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Cụ thể, tại Quyết định 888/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giữ chức Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tại Quyết định 889/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giữ chức Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Hoàn thiện Đề án thành lập Học viện Dân tộc

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc thành lập Học viện Dân tộc.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện Đề án thành lập Học viện Dân tộc trên cơ sở tổ chức lại Trường Cán bộ Dân tộc và Viện Dân tộc theo hướng kết hợp nghiên cứu với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc các cấp. Không đào tạo cử nhân các ngành đã có tại các cơ sở đào tạo đại học khác. Tăng cường hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu để đào tạo văn bằng 2, đào tạo sau đại học đối với các ngành thiết thực phục vụ công tác dân tộc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối, bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để đầu tư xây dựng Học viện Dân tộc. Ủy ban Dân tộc rà soát lại quy mô, phân kỳ đầu tư xây dựng Học viện Dân tộc bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét phương án xây dựng Học viện Dân tộc trong Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Bình Định đến 2035

Phát huy lợi thế vị trí chiến lược và tiềm năng kinh tế biển, xây dựng hệ thống đô thị - nông thôn tỉnh Bình Định phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Nâng cao vị thế của tỉnh, tạo sức lan tỏa đến vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và khu vực Đông Nam Á.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 (nhiệm vụ Quy hoạch).

Theo đó, phạm vi nghiên cứu trên ranh giới hành chính toàn tỉnh Bình Định có diện tích tự nhiên 6050 km2 gồm 11 đơn vị hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện.

Đánh giá vai trò của tỉnh trong mối quan hệ vùng quốc gia

Nhiệm vụ Quy hoạch yêu cầu nghiên cứu đánh giá vai trò và vị thế của tỉnh Bình Định trong mối quan hệ vùng quốc gia, quốc tế; tác động kinh tế - thương mại - văn hóa trên tuyến hành lang quốc tế Đông Tây. Đánh giá tác động lan tỏa từ thành phố Quy Nhơn và phụ cận; khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp tập trung, hệ thống cảng biển Quy Nhơn, Thị Nại, các di sản văn hóa, các đầu mối giao thông quốc gia... đến không gian đô thị toàn tỉnh Bình Định.

Về điều kiện tự nhiên, môi trường, cần đánh giá đặc điểm tự nhiên của vùng núi, gò đồi, đồng bằng ven biển, đầm phá. Đánh giá ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên tới các khu vực dự kiến xây dựng hệ thống đô thị và các khu chức năng động lực phát triển vùng tỉnh. Phân tích ảnh hưởng của chế độ thủy văn các sông lớn như sông Hà Thanh, sông Côn, sông Lại Giang, sông La Tinh... Đánh giá các tai biến thiên nhiên (nếu có), vấn đề biến đổi khí hậu liên quan đến chiến lược phát triển đô thị.

Ngoài ra, cần đánh giá thực trạng và nguồn lực phát triển vùng. Cụ thể, đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định. Hiện trạng phân bổ hệ thống các đô thị, tính chất, chức năng, quy mô, tỷ lệ đô thị hóa, động lực phát triển, thực trạng quản lý đô thị. Mối liên kết đô thị - nông thôn. Hiện trạng mạng lưới hạ tầng kinh tế, xã hội và hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng.

Xây dựng hệ thống đô thị và nông thôn phải phù hợp với chiến lược biển

Về định hướng phát triển không gian vùng tỉnh, nhiệm vụ Quy hoạch nêu rõ, xây dựng hệ thống đô thị và nông thôn phải phù hợp với chiến lược biển Việt Nam, hành lang kinh tế Đông Tây, định hướng phát triển đô thị toàn quốc, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và sự hình thành khu kinh tế Nhơn Hội.

Bên cạnh đó, đề xuất khung phát triển vùng, phân bổ các vùng kinh tế động lực đảm bảo khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh về điều kiện tự nhiên và hệ thống khung hạ tầng kỹ thuật chính; đảm bảo mối liên kết đô thị - nông thôn. Hình thành các khu trọng điểm về công nghiệp, du lịch, vùng sinh thái nông nghiệp, vùng bảo vệ cảnh quan tự nhiên đáp ứng yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu.

Đề xuất tổ chức không gian hệ thống đô thị, phân cấp loại đô thị, lựa chọn hình thái, cấu trúc, tính chất, chức năng và quy mô các đô thị. Xác định vai trò và các nguyên tắc phát triển thành phố Quy Nhơn, đô thị động lực tiểu vùng ven biển, tiểu vùng trung du miền núi phía Tây; các đô thị chuyên ngành gắn với vùng công nghiệp, du lịch sinh thái, các hành lang đô thị hóa mật độ cao.

Xây dựng thành phố Quy Nhơn trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng kinh tế trọng điểm của vùng và quốc gia về các lĩnh vực: Đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu, dịch vụ thương mại và du lịch, phát triển nhà ở và dịch vụ đô thị..., xác định các chức năng hỗ trợ phát triển tại khu vực phụ cận thành phố Quy Nhơn.

Xác định mô hình cấu trúc cư trú nông thôn gắn với các vùng sản xuất theo hướng tập trung áp dụng công nghiệp cao. Nghiên cứu mô hình cư trú nông thôn vùng ngập lũ tại hạ lưu các sông Côn, sông Hà Thanh; khu vực xung quanh đầm Thị Nại... Tạo động lực phát triển một số khu dân cư nông thôn tập trung theo hướng hình thành đô thị loại V; kết nối với các đô thị đã có, hệ thống hạ tầng vùng tỉnh, các khu vực công nghiệp, du dịch, thương mại tập trung.

Về giao thông, xác định khung giao thông, các công trình đầu mối giao thông toàn vùng tỉnh, kết nối giữa các đô thị và các khu vực đầu tư trọng điểm trong tỉnh, kết nối vùng với đầu mối giao thông quốc gia. Đề xuất quy mô và tuyến các trục hành lang giao thông quốc tế, quốc gia, giao thông nội tỉnh để tăng hiệu quả khai thác các quỹ đất mới tại các vùng huyện, kết nối khu kinh tế, khu công nghiệp với các trung tâm đô thị của tỉnh...

Hỗ trợ gạo cho tỉnh Đắk Lắk

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 1.457,51 tấn gạo (bao gồm 500 tấn gạo đã xuất cấp theo Thông báo số 58/TB-VPCP ngày 29/3/2016) từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Đắk Lắk để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt và hạn hán năm 2016.

Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

Trường hợp sau khi thực hiện vẫn còn khó khăn, địa phương báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ.

Thành lập Ủy ban quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế hải quan một cửa quốc gia.

Phó Thủ tướng đồng ý Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại; trong đó có bổ sung thành viên, nhiệm vụ hoạt động.

Các Bộ, cơ quan sớm rà soát để quyết định cử Lãnh đạo Bộ, đơn vị tham gia vào Ban Chỉ đạo; đơn vị đầu mối thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia để phối hợp, làm việc với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo; có văn bản gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2016.

Căn cứ Nghị quyết số 30a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và ý kiến của các Ủy viên Ban Chỉ đạo, Bộ Tài chính hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020, trong đó bổ sung việc ban hành cẩm nang về Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN để thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến các Bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội; kinh phí hỗ trợ công tác đào tạo cán bộ của các Bộ, ngành, đơn vị triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù trong việc lập, phê duyệt các dự án công nghệ thông tin thực hiện Cơ chế một của quốc gia của các Bộ, ngành, đơn vị. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan liên quan xử lý, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH tỉnh Đồng Tháp

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý chủ trương rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp thời kỳ đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 30/3/2011.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện việc lập, trình phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo đúng quy định tại Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020. Mục tiêu tổng quát nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, trong đó chú trọng chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu kinh tế của Tỉnh xếp vào hàng khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có vị trí tương xứng là cửa ngõ của Vùng.

Đồng thời phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; từng bước tạo ra những tiến bộ cơ bản, vững chắc trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; thực hiện đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp, trước hết là những sản phẩm công nghiệp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; quan tâm đầu tư hạ tầng thương mại - dịch vụ, tạo điều kiện cho du lịch phát triển nhanh sau năm 2015; tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Khẩn trương xây dựng chiến lược xuất khẩu gạo

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về tình hình xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2016 và nhiệm vụ, giải pháp xuất khẩu gạo thời gian tới.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng Chiến lược xuất khẩu gạo của Việt Nam và đánh giá việc thực hiện Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1271/VPCP-KTTH ngày 26/02/2014 và số 43/TB-VPCP ngày 10/02/2015 của Văn phòng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 tới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cụ thể về tác động ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất lúa gạo; thường xuyên rà soát, cập nhật khả năng cân đối nguồn cung thóc, gạo hàng hóa để kịp thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong điều hành xuất khẩu gạo, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo./.