Theo Danh mục này, thì sẽ có 25 nghị định và 2 quyết định để quy định chi tiết thi hành 7 luật: Luật Trẻ em; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Báo chí; Luật Điều ước quốc tế; Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Nhiệm vụ soạn thảo 27 văn bản này được giao cho các bộ, cụ thể như sau:

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em sẽ có hiệu lực từ 1/6/2017, và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

- Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ soạn thảo 02 nghị định nhằm quy định chi tiết Luật Báo chí sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 gồm: Nghị định quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, Nghị định quy định về lưu chiểu điện tử đối với báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí.

- Bộ Tài chính chịu trách nhiệm soạn thảo 15 văn bản quy pháp pháp luật. Cụ thể, Bộ này sẽ chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định về thuế. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải trình dự thảo Nghị định này trước ngày 15/6/2016.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng được giao chủ trì soạn thảo 14 nghị định quy định chi tiết Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sẽ có hiệu lực từ 1/9/2016 gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nghị định về kinh doanh hàng miễn thuế; Nghị định quy định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ chủ trì soạn thảo phải trực tiếp chỉ đạo, việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ động nghiên cứu xây dựng, ban hành các thông tư quy định chi tiết thi hành các vấn đề được luật giao, bảo đảm chất lượng, tiến độ, để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Đồng thời, các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ xây dựng kế hoạch nghiên cứu, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, trình ban hành đối với từng văn bản; phân công trách nhiệm, thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công trong việc xây dựng, trình văn bản.../.