Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2016 và thay thế Nghị định số 155/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 01 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 155/2013/NĐ-CP đã góp phần ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, đưa công tác quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư đi vào nề nếp.

Song, từ cuối năm 2013 và trong năm 2014, Quốc hội đã thông qua các Luật mới, như: Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014... trong đó có nhiều quy định mới về: đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đấu thầu lựa chọn nhà thầu, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; về chương trình, dự án đầu tư công; về quyền tự do đầu tư kinh doanh; về doanh nghiệp xã hội...; đặc biệt bổ sung các quy định về xử lý các hành vi bị cấm trong Luật Đầu tư công. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2013/NĐ-CP là hết sức cần thiết, xét cả dưới góc độ pháp lý và thực tiễn.

Theo đó, một số hành vi vi phạm theo Nghị định 155/2013/NĐ-CP, đến nay không còn được coi là hành vi vi phạm nữa, ví dụ: hành vi vi phạm về việc kinh doanh ngành, nghề không có trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; hành vi vi phạm quy định về việc thuê giám đốc doanh nghiệp tư nhân; hành vi vi phạm quy định về đăng ký thay đổi thành viên... (Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ các quy định này).

Vì vậy, phải rà soát, nghiên cứu và loại trừ việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này ra khỏi Nghị định mới.

Mặt khác, Nghị định số 155/2013/NĐ-CP chưa bao quát hết hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt là các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư công và lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), do đó, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung trên nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý để chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này.

Tại Nghị định sửa đổi Nghị định số 155, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định tại Nghị định này bao gồm các hành vi: Vi phạm quy định trong lĩnh vực quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; vi phạm quy định trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài; vi phạm quy định trong lĩnh vực quản lý đấu thầu; vi phạm quy định trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Các hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư chưa được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính: Phạt cảnh cáo; phạt tiền. Mức phạt tiền cao nhất đối với tổ chức là 80 triệu đồng. Cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Mức phạt cao nhất lên tới 80 triệu đồng được áp dụng cho 2 hành vi vi phạm là: Triển khai thực hiện dự án khi chưa được cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; hoặc đầu tư kinh doanh các ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả./.