Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra thông tin hộ dân chung cư Bảy Hiền bị "đuổi" ra khỏi nhà

Ngày 3/6/2016, Văn phòng Chính phủ đã có công văn 4320/VPCP-KTN gửi UBND TP. Hồ Chí Minh và Bộ Xây dựng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc xử lý thông tin phản ánh "hơn 20 hộ dân tại Chung cư Bảy Hiền Tower bất ngờ bị đuổi ra khỏi nhà".

Công văn nêu rõ:

Ngày 2/6/2016 Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Báo PetroTimes đưa tin có nội dung như sau: “Được bàn giao căn hộ về ở gần 2 tháng nay, nhưng hơn 20 hộ dân tại Chung cư Bảy Hiền Tower có địa chỉ tại số 9 đường Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ bị đuổi ra khỏi nhà”.

Về việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra thông tin Báo PetroTimes và Đài truyền hình Việt Nam đưa thông tin như nêu trên, nếu phát hiện những hành vi vi phạm, yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ

Nâng cấp, mở rộng đường ĐT 608 (Quảng Nam)

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc bổ sung hạng mục đầu tư nâng cấp, mở rộng đường ĐT 608 đoạn nối quốc lộ 1 đến ngã ba Lai Nghi, thành phố Hội An vào Dự án BOT mở rộng quốc lộ 1 đoạn Km947 - Km987, tỉnh Quảng Nam.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, việc bổ sung bảo đảm không làm tăng tổng mức đầu tư, không ảnh hưởng đến phương án tài chính của Dự án.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng Dự án.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam rà soát, tính toán lại chi phí đầu tư hạng mục bổ sung, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và chịu trách nhiệm toàn diện về việc triển khai Dự án theo đúng quy định.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đường ĐT 608 là tuyến đường độc đạo, nối Quốc lộ1A tại thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn đến thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Hiện trạng tuyến đường chỉ rộng 5m đến 6m, mặt đường kết cấu thâm nhập nhựa, xây dựng đã lâu, nằm trong vùng thấp trũng, thường xuyên bị ngập lụt, đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Đặc biệt là đoạn qua thành phố Hội An, tuyến sông Thu Bồn nằm sát đường ĐT 608, vào mùa mưa lũ hàng năm, mực nước trên sông dâng cao, tràn qua và gây ngập lụt tuyến đường, ách tắc việc giao thông trên tuyến, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của nhân dân địa phương và khách du lịch đến phổ cổ Hội An.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu

Tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo.

Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 35% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi; hằng năm, 100% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số được tập trung tăng cường tiếng Việt.

Đề án được áp dụng tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có trẻ em, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số thuộc 42 tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Bồi dưỡng, tập huấn về tiếng Việt cho cha, mẹ trẻ em

Để triển khai Đề án cần đẩy mạnh công tác truyền thông, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ, học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số.

Thiết kế và triển khai các chuyên mục, chuyên trang trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hỗ trợ cho cha, mẹ trẻ và cộng đồng trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em.

Tuyên truyền, hỗ trợ các bậc cha, mẹ trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em. Biên soạn tài liệu, bồi dưỡng, tập huấn về tiếng Việt cho cha, mẹ trẻ em là người dân tộc thiểu số, cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng. Vận động các gia đình người dân tộc thiểu số tạo điều kiện cho con em đến trường, lớp và học 2 buổi/ngày, bảo đảm chuyên cần. Tăng cường bồi dưỡng tiếng Việt cho cha mẹ trẻ em là người dân tộc thiểu số.

Xây dựng và bảo đảm duy trì môi trường tiếng Việt

Nhiệm vụ và giải pháp tiếp theo của Đề án là tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng môi trường tiếng Việt.

Cụ thể, tổ chức biên soạn tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa phù hợp, thân thiện với trẻ em người dân tộc thiểu số cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học vùng dân tộc thiểu số.

Bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, học liệu phần mềm dạy học tiếng Việt phù hợp cho tất cả các nhóm, lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn có trẻ em người dân tộc thiểu số, phục vụ việc tăng cường tiếng Việt; xây dựng và bảo đảm duy trì môi trường Tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có trẻ em người dân tộc thiểu số.

Xây dựng và triển khai thí điểm mô hình về tăng cường tiếng Việt tại các địa phương phù hợp với điều kiện, đặc điểm vùng miền, để cán bộ quản lý, giáo viên thăm quan, học tập, triển khai nhân rộng mô hình. Phấn đấu đến năm 2020, phần lớn các tỉnh và đến năm 2025, hầu hết các tỉnh có trẻ em người dân tộc thiểu số xây dựng triển khai nhân rộng mô hình về tăng cường tiếng Việt; xây dựng bản đồ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở các tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số nhằm hỗ trợ công tác quản lý triển khai thực hiện Đề án.

Ngoài ra là nhiệm vụ và giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có trẻ em người dân tộc thiểu số, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em người dân tộc thiểu số; tăng cường công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế.

TP. HCM cần đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN

Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đó là một trong những nội dung trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát, xây dựng bổ sung Phương án sắp xếp các doanh nghiệp hiện có của Thành phố theo quy định tại Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức thực hiện theo hướng Nhà nước giữ tỷ lệ thấp hoặc không nắm giữ cổ phần khi thực hiện cổ phần hóa.

Đồng thời khẩn trương hoàn thiện Phương án tổng thể sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp trực thuộc, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện.

Bên cạnh đó thực hiện tốt chủ trương tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công. Thành phố cần khẩn trương hoàn thành việc rà soát các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Thành phố đủ điều kiện cổ phần hóa để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện theo quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Về tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý Thành phố được điều chỉnh kế hoạch, tiến độ căn cứ tình hình thực tế tại các doanh nghiệp cổ phần hóa, đảm bảo đến năm 2018 phải hoàn thành phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chủ động điều chỉnh hình thức sắp xếp để tiếp tục sắp xếp 15 doanh nghiệp (bán, giải thể, phá sản).

Về việc bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động của Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố (HFIC), UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổng kết, đánh giá việc thí điểm thành lập và tổ chức, hoạt động của HFIC, trên cơ sở đó đề xuất một số cơ chế đặc thù (nếu cần thiết) bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 gắn với thực hiện tốt Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời chủ động nghiên cứu xây dựng cơ chế thí điểm Quỹ khởi nghiệp góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu tối thiểu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

TP. Cần Thơ nâng cao chất lượng các quy hoạch

Thành phố Cần Thơ rà soát, điều chỉnh, bổ sung và nâng cao chất lượng các quy hoạch, trước hết là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch du lịch và các sản phẩm du lịch gắn với cập nhật tình hình biến đổi khí hậu; tính toán, lựa chọn các hình thức đầu tư phù hợp và huy động các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực từ đất đai để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Thành phố.

Đây là một trong những nhiệm vụ được nêu tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ.

Cũng tại Thông báo này, Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 07/1/2016 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2016, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016 của Thành phố đã đề ra.

Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch của Thành phố để triển khai, thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 với tinh thần đổi mới, sáng tạo, lấy nguyên tắc thị trường để phát triển kinh tế và triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của địa phương; nhân rộng mô hình các dự án đầu tư trong vườn ươm công nghệ, công nghiệp thành phố Cần Thơ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các trường, viện nghiên cứu, mời các doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh mới đến tham quan, giới thiệu, quảng bá, hội thảo phục vụ cho đầu tư phát triển.

Đồng thời, chủ động, đi đầu trong phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong vùng triển khai, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020, nhất là liên kết trong quản lý tài nguyên nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt, liên kết trong hội nhập, đào tạo nguồn nhân lực, liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa nông sản, du lịch, dịch vụ.

Về hỗ trợ vốn đầu tư 3 dự án chống hạn, kiểm soát mặn gồm các dự án: Cấp nước tập trung xã Thới Hưng; nạo vét kênh KH8; nạo vét kênh Thơm Rơm, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2016.

Về việc xử lý tồn tại về tài chính tại Nông trường Sông Hậu, thành phố xây dựng phương án tái cơ cấu Nông trường Sông Hậu; trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam xử lý các tồn tại về tài chính và xem xét việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Nông trường; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ nghiên cứu, tính toán cụ thể phương án khoanh nợ gốc của Nông trường Sông Hậu trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét việc xóa nợ lãi vay của Nông trường Sông Hậu.

Hậu Giang phát huy cách làm cống thời vụ kiểm soát nước mặn

Hậu Giang nghiên cứu, cải tiến, phát huy cách làm cống thời vụ kiểm soát nước mặn và giữ ngọt; đồng thời giải quyết ngay khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân do xâm nhập mặn gây ra.

Nhiệm vụ trên được nêu tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh tuyên truyền, vận động người dân để có nhận thức đầy đủ về tác động nghiêm trọng của xâm nhập mặn, chủ động sử dụng nước tiết kiệm, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng cơ chế điều phối nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân, xử lý hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các tỉnh trong vùng.

Về bố trí vốn đối ứng ODA của dự án Nhà máy nước Sông Hậu, Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp chung nhu cầu của các địa phương trong đó có tỉnh Hậu Giang, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về hỗ trợ vốn đầu tư đê ngăn mặn (huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh); dự án hệ thống ô bao lớn kiểm soát mặn Phụng Hiệp - Long Mỹ, Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp chung nhu cầu của các địa phương bị hạn hán, xâm nhập mặn báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý phù hợp.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính đề xuất phương án nguồn vốn (kể cả nguồn vốn thí điểm liên kết vùng theo Quyết định số 593/QĐ-TTg ngay 6/4/2016), báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng hồ điều tiết nước ngọt (khoảng 200ha).

Kiên Giang đầu tư công trình kiểm soát nước mặn phục vụ sản xuất

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.

Theo thông báo kết luận, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết cực đoan và xâm nhập mặn tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2016 của tỉnh Kiên Giang vẫn tiếp tục phát triển: Sản lượng thủy sản 202.652 tấn, tăng 3,1%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,3%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,6% so cùng kỳ; xuất khẩu 129,3 triệu USD, tăng 33%; nhập khẩu đạt 12,1 triệu USD, đạt 18,7% kế hoạch; khách du lịch 1,9 triệu lượt người, tăng 22,7%; vận tải 3,1 triệu tấn hàng, tăng 5,2%; thu ngân sách 3.499 tỷ đồng, tăng 7,7%; chi ngân sách tăng 4,8% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang vẫn khó khăn: Tăng trưởng kinh tế tăng chậm so với cùng kỳ; hạn mặn xâm nhập sâu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân, diện tích lúa ở nhiều địa phương bị thiệt hại nặng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đầu tư các công trình kiểm soát nước mặn và giữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân để có nhận thức đầy đủ về tác động nghiêm trọng của xâm nhập mặn, chủ động sử dụng nước tiết kiệm, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Về đầu tư xây dựng một số công trình kiểm soát mặn gồm Âu thuyền T3 - Hòa Điền, trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên ( Kiên Lương); Cống kênh Nhánh (thành phố Rạch Giá); Cống Tà Niên (huyện Châu Thành); Cống Vàm Bà Lịch (huyện Châu Thành); 9 cống trong số 24 cống trên đê biển từ An Biên đến An Minh, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kiên Giang rà soát, lựa chọn những hạng mục, công trình, dự án cấp bách ưu tiên làm trước gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đề xuất nguồn vốn hỗ trợ tỉnh, trong đó ưu tiên nguồn vốn ODA, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về hỗ trợ vốn thực hiện các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và thiệt hại do thiên tai gây ra, Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp chung nhu cầu của các địa phương, trong đó có tỉnh Kiên Giang, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang cập nhật tình hình biến đổi khí hậu để điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, trước hết là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch du lịch và các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh phát triển lĩnh vực dịch vụ, nhất là ở Phú Quốc, Hà Tiên, gắn với phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương./.